Trần Quí Thanh
Thưa bác,
Tối qua cháu có măt ở buổi lễ kỉ niệm 23 năm THP, muốn chạy lên chụp ảnh với bác nhưng mà sợ.
Cháu cũng là một chủ doanh nghiệp nhỏ ( công nhân viên bằng 1/20 THP). Cháu thực sự quan tâm đến văn hoá công sở. Xin bác cho biết quan điểm của bác về văn hoá công sở. Hay nói khác đi, bác đòi hỏi nhân viên của bác thế nào khii sống và làm việc tại công sở.
Kính bác
Võ Hoài Long (Bình Dương): long_binhduong83@gmail.com
—–
Cháu Võ Hoài Long mến!
Văn hoá doanh nghiệp được nói đến từ nhiều năm nay, có nhiều diễn giả đi diễn thuyết về đề tài này, tài liệu, sách vở viết về văn hoá doanh nghiệp không thiếu. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp, tuỳ theo điều kiện sản xuất, kinh doanh dịch vụ, quy mô và phạm vi hoạt động của mình để đưa ra quy định về văn hoá doanh nghiệp phù hợp.
Theo quan điểm của bác, một đội quân muốn chiến thắng đối phương thì trước hết đội quân đó phải có kỷ luật. Cháu thấy đó, quân đội là môi trường kỷ luật cao nhất, thậm chí có những chương trình huấn nhục để binh sĩ rèn luyện tính kỷ luật ở cấp độ cao nhất. Một đội quân không kỷ luật, loạn quân loạn quan thì chưa đánh đã thất trận.
Kỷ luật trong công ty trước hết mà cháu phải làm cho bằng được, đó là đúng giờ. Mọi người đi làm phải đúng giờ, đề ra cuộc họp thì phải bắt đầu đúng giờ. Đã lên kế hoạch triển khai cuộc họp trong thời gian bao lâu thì phải đúng chính xác như vậy. Muốn cho cấp dưới, toàn bộ cán bộ nhân viên đúng giờ thì lãnh đạo của doanh nghiệp phải làm gương. Anh là trưởng một phòng ban, nhưng khi nào cũng đi trễ thì không thể nói nhân viên nghe. Cấp trên cũng tương tự, đi làm trễ thì nói được ai.
Thứ hai là chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp. Trong công ty, nếu cấp trên trực tiếp phân công nhưng cấp dưới không chấp hành, hoặc ừ à cho qua chuyện nhưng không làm thì không bao giờ công việc thông suốt, thất bại là cái chắc. Việc chấp hành mệnh lệnh không chỉ là làm thông suốt bộ máy hoạt động, mà đó là sự thể hiện phẩm chất tốt đẹp của một con người. Trong một tập thể mà có được những cá nhân có đẳng cấp và phẩm giá thì còn sợ chi ai.
Thứ ba là không nói xấu nhau, đổ lỗi cho nhau. Đây là thói xấu tệ hại nhất và khá phổ biến của người Việt. Đi làm nhưng không lo việc mình mà săm soi, chê người này, thóc mách người khác. Việc thành công thì đứng ra khoe khoang thành tích, việc thất bại thì đổ lỗi cho người khác hoặc tập thể. Riêng điều này thì dân mình thua xa dân Nhật, người Nhật không bao giờ đổ lỗi, thất bại thì rút gươm harakiri.
Cuối cùng là thống nhất ý chí và mục tiêu. Văn hoá cao nhất chính là chỗ này, vì khi đó mọi người đoàn kết, nhất trí, quyết tâm, sẵn sàng hy sinh lợi ích và toan tính cá nhân để đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp. Yếu tố văn hoá này cũng là nguồn sức mạnh để huy động trí tuệ, quyết tâm và tinh thần cống hiến của từng thành viên trong tổ chức. Một doanh nghiệp không có mục đích tốt đẹp để hướng tới, không tập trung ý chí của mọi người để thực hiện các hoạt động nhằm đạt đến mục tiêu đó thì sẽ gặp thất bại.
Còn nhiều yếu tố khác nữa, nhưng bác chỉ chia sẻ với cháu những điều mà bác đã lựa chọn và thực hiện có hiệu quả. Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)