Thương hiệu không phải giá trị ảo, thật 100%

Trần Quí Thanh

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

……………

Chào anh Trần Quí Thanh

Tôi chỉ là dân nghèo thành thị, không biết gì về kinh doanh nhưng rất quan tâm đến các các doanh nghiệp và doanh nhân. Tôi đọc thường xuyên blog của anh và thật sự thú vị, anh đẹp dần lên trong mắt tôi cũng nhờ blog này đây.

Thưa anh, qua vụ lùm xùm Hãng phim truyện Việt Nam, tui thấy để cho mấy ông đại gia diện trọc phú quản lý là không có được. Không hiểu được giá trị thương hiệu của một ngành nghệ thuật làm sao đi quản lý nghệ thuật.

Xin ý kiến của anh về vấn đề này.

Chúc anh khoẻ

Lê Thị Minh Vi (Bằng tuổi anh đó nghe!): minh_vi_nhosaigon@gmail.com

……………

Bạn Minh Vi thân mến!

Tui thích xem phim, yêu nghệ thuật, nhưng không dám bàn về nghệ thuật bởi vì không phải nghề của mình. Nhưng bàn về chuyện giá trị thương hiệu thì tui dám, vì đó là nghề của tui.

Thiệt tình mà nói, có rất nhiều người hiểu sai về giá trị thương hiệu, cứ tưởng dựng lên một bảng hiệu là có thương hiệu, càng lâu đời thì cho rằng thương hiệu mạnh, thậm chí là có giá trị lịch sử. Trong kinh tế mà tư duy như vậy là vứt sọt rác.

Một bảng hiệu lâu năm đôi khi có tuổi mà chẳng có tên, giống như một ca sĩ đi hát cho tới khi về vườn chẳng ai nhớ tới tên của mình là ai.

Cái Hãng phim truyện Việt Nam mà Minh Vi nói tới cũng có số phận tương tự, nó có tuổi nhưng chẳng có tên. Nhiều người giàu cảm xúc, yêu quá khứ, tưởng tượng về một giá trị to lớn với tên gọi của hãng. Đó là tình cảm cá nhân của những người gắn bó với hãng phim, rất đáng được tôn trọng, nhưng cho rằng cái quá khứ “vĩ đại” của hãng phim là giá trị thương hiệu to lớn thì không đúng.

Ở đây không dùng thước đo giá trị bằng cảm tính mà bằng lý tính, có thể đong đếm được rất cụ thể. Hãng phim này sản xuất ra được bao nhiêu phim và quan trọng là có phim nào có khách xem hay sản xuất xong đưa vào tủ cất. Minh Vi thấy đó, các phim của nước ngoài tính được ngay từng ngày bán vé, thu được bao nhiêu, lời lỗ thế nào, tại sao ta lại không tính.

Còn nữa, hiện nay hầu hết các rạp chiếu phim đều rất hiện đại, kinh doanh lời lỗ rõ ràng, cứ thống kê xem họ có chiếu phim nào của hãng phim truyện Việt Nam hay không, phim tên gì, bán được bao nhiêu vé. Nếu như Hãng phim truyện Việt Nam tự hào đã sản xuất nhiều phim hay từ trước đến nay, thì hãy tin rằng, các rạp chiếu phim sẽ mua phim của họ để chiếu.

Các rạp chiếu phim có mua phim của Hãng phim truyện Việt Nam để kinh doanh hay không? Câu trả lời dành cho các bạn yêu thích điện ảnh và của chính Hãng phim truyện Việt Nam.

Và giá trị thương hiệu chính là chỗ này đây.

Thương hiệu không bao giờ là giá trị ảo, nó là giá trị thật 100%. Xin chia sẻ với ban Minh Vi như vậy, hẹn gặp lại ở một đề tài khác nhé.

Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1853@gmail.com)

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *