Tiền không chỉ là những tờ giấy bạc

Trần Quí Thanh
 


Nguồn ảnh: Tôi yêu Sơn Trà

 
Tui không phải là người thuộc  giới chuyên môn sinh thái học hay tài nguyên học, tui là doanh nhân, cho nên nhìn câu chuyện Sơn Trà dưới con mắt của việc sinh lợi từ tài nguyên thiên nhiên. Từ góc nhìn đó, tui đồng ý 100% ý kến của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” diễn ra ngày 15/7.
 
Ông Trương Trọng Nghĩa nói: "Nếu bảo tồn được loài voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà thì đó cũng là tiền. Nó đẻ ra rất nhiều tiền nhưng không đẻ trực tiếp. Giá trị của nó là vô hình, giá  trị tâm linh và rất nhiều giá trị ngoại giao. Vì thế chúng ta phải bảo vệ Sơn Trà".
 
Ý kiến này khác với quan điểm của một số người khác, đó là không xây khách sạn khai thác kinh doanh thì bỏ phí Sơn Trà.
 
Đúng là xây dựng khách sạn, cho thuê, sẽ có tiền tươi thóc thật, đếm được từng đồng. Nhưng nhìn xa hơn, "lợi nhuận" mà Sơn Trà mang lại không thể đếm được, tiền không chỉ là những tờ giấy bạc, như Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, tưởng cũng không cần phải nói thêm.
 


Nguồn ảnh: Tôi yêu Sơn Trà

 
Và cũng là một chủ doanh nghiệp, tui quan tâm đến các doanh nghiệp đầu tư vào Sơn Trà. Họ đã từng xin phép, họ đã được các cấp chính quyền chấp thuận mới dám bỏ tiền ra triển khai thực hiện. Những doanh nghiệp này không có lỗi, không sai phạm, nếu có chỉ là thiếu sót cần bổ sung. Vậy thì họ phải được bảo vệ lợi ích. Nếu như để doanh nghiệp thiệt hại từ những thay đổi của chính quyền, thì sẽ không ai dám đầu tư. Điều này không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng, mà sẽ gây ra sự hoài nghi cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước.
 
Không ai có thể tự tin bỏ tiền đầu tư khi hôm nay cho phép, ngày mai lại thay đổi vì những tác động khác.  Nếu có, chính quyền phải chấp nhận mình sai và bồi thường thoả đáng cho doanh nghiệp. Đừng cho rằng chỉ có doanh nghiệp luỵ chính quyền, còn không bao giờ có chuyện ngược lại.
 
Về điều này,  TS. Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam nêu quan điểm dứt khoát, để có giải pháp cho Sơn Trà cần phải chấp nhận thiệt thòi, phải hy sinh và phải can đảm. Tức là phải can đảm và chấp nhận những thiệt thòi đó, đền bù cho các doanh nghiệp, các tư nhân. Bởi vì họ không sai.
 
Một chính quyền can đảm là chịu thiệt thòi và sự hy sinh vì lợi ích chung là tài nguyên quốc gia và sự sống còn của doanh nghiệp.
 
TS Vũ Ngọc Long sử dụng chữ "can đảm" tui thấy quá hay.
 
Trần Quí Thanh
 
Link: Bảo tồn Sơn Trà – không sợ không đẻ ra tiền

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *