Tinh giảm biên chế phải đồng thời với hiện đại hóa bộ máy hành chính

Trần Quí Thanh

Minh hoạ báo Dân Trí

Sau Hội nghị Trung ương 6, vấn đề cắt giảm biên chế được đặt ra, phân tích rất nhiều, và tất cả có chung một ý chí, đó là phải bắt tay vào thực hiện ngay. Làm được sẽ rất được lòng dân, sẽ tốt cho đất nước.

Vì sao nói phải bắt tay vào thực hiện ngay là vì từ trước đến nay hứa hạn việc này quá nhiều nhưng không làm, thậm chí làm ngược lại. Tạp chí Xây dựng Đảng số tháng 9.2017 đưa ra thông tin, trong 5 năm 2011-2016, số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị, số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Có đến 29 cục được thành lập trong thời gian này, như Bộ Tư pháp tăng 4 cục, Bộ Y tế tăng 3 cục… Số lượng lãnh đạo cấp bộ cũng tăng, số lượng cán bộ quản lý cấp cục cũng vượt quá quy định, số lượng cấp phòng tăng rất nhanh. Nếu chỉ tính cán bộ cấp phòng của các cơ quan ban, bộ thì số công chức cấp phòng trở lên (gồm cả người có chức vụ “hàm”) cũng đã tăng từ 12.216 người lên 13.556 người, cấp vụ tăng từ 3.871 người lên 4.619 người…

Mới đây, báo chí đưa tin 3 người lãnh đạo một người ở Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, có nghĩa là số lượng lãnh đạo cao gấp 3 lần nhân viên. Không chỉ riêng Cục này, còn nhiều cơ quan khác cũng như vậy.

Có nhiều ban, cục, vụ, lập ra nhưng thực chất là không có việc gì làm, nhưng nó vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay.

Về phương án tinh giảm bộ máy, báo chí đăng nhiều đề xuất rất hay, ví dụ như bỏ các Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ, sáp nhập các ban, dẹp bớt các hội đoàn hưởng lương ngân sách.

Vừa rồi cũng có dự án sáp nhập một số ngành như kế hoạch đầu tư và tài chính, xây dựng và giao thông. Hoặc nhiều địa phương không cần thành lập các sở nếu như không có nhu cầu quản lý trong thực tế. Có nhiều tỉnh chẳng việc gì phải có sở ngoại vụ hay sở du lịch, địa phương không phát triển nông nghiệp thì việc gì phải có sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có địa phương lập Sở Du lịch ra chỉ để ngồi uống trà và chơi vi tính.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ ngày 21/11/2016, có hơn 6,5 triệu người hưởng lương từ ngân sách (chưa tính khối quân đội, công an) với tổng quỹ lương lên đến khoảng 295.000 tỷ đồng. Khiếp thật.

Nếu giảm được một nửa ngành, đơn vị dư thừa, thì tiết kiệm gần 150.000 tỉ đồng tiền lương và cũng tiết kiệm thêm một khoản tiền lớn về chi phí vào trụ sở, xe cộ, xăng dầu, công tác phí, điện nước cho bộ máy dư thừa đó.

Và nếu tinh giảm được một nửa hay 1/3 số lượng công chức vác ô, thì bộ máy của nhà nước sẽ nhẹ nhàng, chạy êm vì đã được lành mạnh hóa và hiện đại hóa.

Muốn hiện đại hóa đất nước phải tinh giảm biên chế, và tinh giảm biên chế phải đồng thời với việc hiện đại hóa bộ máy hành chính, chứ không đơn thuần là đề ra con số chỉ tiêu để cắt giảm. Bởi vì nói như một chuyên gia kinh tế, nếu cắt giảm chỉ để cắt giảm thì cắt giảm 1 sẽ phình ra 30.

Sài Gòn 9/10/2017
TQT

Link: Chậm tinh giản bộ máy là tự gây khó chính mình?

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *