“Tốt khoe xấu che”, rất lạc hậu nhiều sai lầm

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có nhiều câu cực hay, nhưng cũng có những câu không còn phù hợp, điển hình là câu “Tốt khoe xấu che”. Câu này không đúng cho bất kỳ trường hợp nào, nếu vận vào trong kinh doanh là một thảm họa.

Trên thực tế, quan điểm “tốt khoe xấu che” ăn khá sâu vào trong nhận thức của đa số người Việt. Trọng hình thức, chuộng thói xa hoa, diêm dúa hơn là chất lượng nội dung. Nhà này, nhà kia ganh ghét, đố kỵ nhau chỉ vì “cái sân gạch”, đó là “tính điển hình” của bệnh thích khoe khoang mà nhà văn Đào Vũ đã khắc họa trong tiểu thuyết cùng tên.

Nguy hiểm hơn, đó là cổ xúy cho một đời sống xã hội không trung thực. Bán sản phẩm ngoài thì đẹp, trong thì xấu. Nhiều người mua căn hộ chung cư, nhìn bên ngoài bóng loáng sang trọng rất bắt mắt, nhưng ở dăm ba bữa là tan hoang bên trong.

Nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu qua thị trường Mỹ, Nhật bản, châu Âu bị trả về là vì “tốt khoe xấu che”.

Một cơ quan, một tổ chức cũng vậy, thích khoe thành tích, cái xấu thì giấu giếm. Có lẽ, bệnh thành tích mà cộng đồng phê phán lâu nay cũng có nguồn gốc từ “tốt khoe xấu che”.

Nếu mở rộng chuyện này thì vô cùng, tui xin khoanh lại ở lĩnh vực kinh doanh, và xin khẳng định rằng, nếu theo cách “tốt khoe xấu che” là chết. Ở thời đại này, sản xuất ra sản phẩm là phải tốt, đạt chất lượng cao từ hình thức đến nội dung.

Thiên tài Steve Jobs, người xây dựng nên đế chế Apple, đã đưa ra một “học thuyết” làm nền tảng cho tập đoàn này, đó là “hoàn hảo, hoàn hảo và hoàn hảo”, ông nói: “Hãy là thước đo về chất lượng. Một số người không quen sống trong môi trường mà sự hoàn hảo được kỳ vọng”. Cho đến nay, thế giới vẫn đánh giá Steve Jobs là người “tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo”. Và sự thành công của Apple hôm nay đã khẳng định học thuyết hoàn hảo của Steve Jobs đúng tuyệt đối.

Tại sao lại là “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mà không là “tốt từ sơn tới gỗ”! Từ khi bước vào con đường kinh doanh, tui đã hỏi lui hỏi tới câu này với chính mình, và tất nhiên tui đã chọn vế sau. Và tui tin rằng, chính vì sự lựa chọn đúng đắn đó tui mới có Tập đoànTân Hiệp Phát như ngày hôm nay.

Tui mong rằng, chúng ta thay đổi nhận thức môt cách nghiêm túc về chuyện này.

Sài Gòn 07/02/2018

TQT

Bài đọc thêm, link: “Tốt khoe xấu che”: Người Việt chuộng “ăn xổi”?

(http://vietnamnet.vn/vn/blog/tot-khoe-xau-che-nguoi-viet-chuong-an-xoi-428169.html)

1 (20%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *