TP.HCM – trung tâm tài chính, muộn còn hơn không!

TS Trương Văn Phước/ Báo Tuổi Trẻ

Bất cứ quốc gia nào, sự phát triển đều dựa vào hai cấu phần căn bản, đó là nền kinh tế thực thông qua sản xuất, kinh doanh… và nền kinh tế tài chính tiền tệ thông qua quá trình phân phối chu chuyển vốn trong thị trường, xã hội.

Sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta những năm qua khẳng định rất rõ vai trò của thị trường tài chính.

Kinh nghiệm cho thấy ở đâu nền kinh tế thực phát triển nhanh, bền vững đều có thị trường tài chính lành mạnh, hiệu quả. Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Trung Quốc… đều có các thị trường tài chính bậc cao, biểu hiện qua các trung tâm tài chính quốc tế như New York, London, Tokyo… hoặc các trung tâm tài chính khu vực như Frankfurt, Shanghai…, các trung tâm tài chính hải ngoại như Hong Kong, Singapore… Chính những trung tâm tài chính này giúp nền kinh tế nước đó phát triển như vũ bão.

Với Việt Nam, thị trường tài chính còn đang ở trình độ phát triển thấp, phần nào làm cho tốc độ phát triển kinh tế không cao hơn. Có phải những khó khăn khi chuyển đổi nền kinh tế hơn 30 năm qua là lý do làm cho khát vọng phát triển thị trường tài chính Việt Nam còn khá nhạt nhòa chăng? 

Có lý do đó. Nhưng nguyên nhân chính có lẽ là từ nhận thức. Nhận thức đó lại có gốc rễ sâu xa từ cách thức thiết lập luật lệ trên thị trường tài chính còn khá nông cạn, tương phản với mức độ hội nhập sâu vào thế giới của nền kinh tế nước ta.

Muộn còn hơn không. Mong muốn cải cách để có một thị trường tài chính chuyên nghiệp làm nền tảng hình thành một trung tâm tài chính khu vực và xa hơn nữa là trung tâm tài chính quốc tế, cần được đặt ra một cách bức thiết và hành động theo lộ trình khả thi. 

Muốn vậy, trước hết cần nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường tài chính. Bên cạnh việc thị trường hóa cao độ các dịch vụ tài chính tương thích với các thông lệ, chuẩn mực của quốc tế thông qua việc sửa đổi luật lệ, quy định, chính sách… các nhà điều hành thị trường tài chính cũng cần phải chuyên nghiệp, tách bạch các chức năng ban hành luật lệ và giám sát thị trường. 

Kế đến là cần đa dạng hóa các thành phần tham gia thị trường, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, từ ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, các định chế quản lý tài sản, các công ty bảo hiểm, các định chế tài chính trung gian, các nhà đầu tư tổ chức, các nhà phát hành giấy tờ có giá, các công ty môi giới…

Yếu tố thứ ba là cơ sở hạ tầng và vị thế địa lý của thị trường tài chính hay trung tâm tài chính. Về cơ sở hạ tầng thì ngày nay với những tiến bộ của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, yêu cầu này có thể được giải quyết thấu đáo. 

Một trung tâm tài chính biểu tượng cho cả đất nước nên lựa chọn vị thế địa lý phản ảnh quy mô kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, dịch vụ… như ở TP.HCM là thích hợp.

Nếu bắt đầu công việc từ năm nay, khi cả dân tộc kỷ niệm 75 năm ngày lập nước, thì 10 năm sau, 20 năm sau khi nhìn lại với sự phát triển, tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế, sao ta lại không lạc quan tin tưởng rằng những bước chân trên con đường đã qua là đúng đắn, chứa đựng kỳ vọng mãnh liệt về trung tâm tài chính của khu vực đã trở thành hiện thực ở TP.HCM.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link  bài: TPHCM…

https://tuoitre.vn/tphcm-trung-tam-tai-chinh-muon-con-hon-khong-2020090107363584.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *