Trà thảo mộc Dr Thanh với người dùng Việt

Hoàng Yến/ Infonet.vn

Ngày 15.10.2014, tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát, doanh nhân Trần Quí Thanh đã vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng 3 do Chủ tịch nước phong tặng.

…………..

Như đã nói trước đây, những bài viết về tui hay về gia đình tui trước đây, gửi riêng hoặc đăng báo, thấy cần lưu lại thì tui đăng lại vào mục Gia đình & Bạn bè. Bài này của Hoàng Yến đăng ở infonet.vn từ 2012. Rồi đây có những bài báo cũ tui cũng có thể lưu lại ở mục Gia đình & Bạn bè. Ai chưa đọc thì đọc. Báo vậy để mọi người khỏi trách tui đăng bài cũ.

Trần Quí Thanh

……….

Công ty gia đình ở Việt Nam thường khiến người ta nghĩ đến những doanh nghiệp ở tầm quy mô nhỏ hoặc vừa. Thế nên rất khó để hình dung Tân Hiệp Phát (THP), một tập đoàn do ông Trần Quý Thanh và những người trong gia đình gây dựng nên như một công ty gia đình.

Từ văn phòng hình oval trong tòa nhà được thiết kế theo mô hình một trong những chai đồ uống nổi tiếng của công ty, vị chủ tịch 57 tuổi rất thích nhắc đến những slogan và trích dẫn triết học. “Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua nhưng không tốt bằng ngày mai” là một trong những câu được ông cho treo tại nhà máy để hơn 5000 công nhân đọc hàng ngày.

Ông thường mặc một chiếc sơ mi đỏ thêu hình rồng, một hình ảnh biểu tượng cho nhãn hiệu nước giải khát của công ty. Văn phòng của ông, nơi trông giống như một viện bảo tàng toàn những đồ vật phong thủy quý giá, là trung tâm điều hành mọi hoạt động của tập đoàn. Tại đây, ông Thanh, cùng với sự hỗ trợ của các công ty quảng cáo nước ngoài lớn như Ogilvy & Mather, Saatchi & Saatchi, tập trung giải quyết những thách thức đối với sự nghiệp “đập tan cơn khát” của THP. Công ty THP là khách hàng quảng cáo lớn thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau Unilever và Procter & Gamble.

Công ty nghiên cứu thị trường ACNielsen đánh giá THP là công ty lớn nhất thị trường với các sản phẩm trà đóng chai, nước tăng lực và bia. Công ty này thường không công bố doanh số nhưng nếu dự tính của Nielsen về thị phần 24% của toàn bộ thị trường đồ uống nhẹ trị giá 2,2 tỷ USD là đúng, thì doanh số của THP vào khoảng 500 triệu USD. Con số này chưa bao gồm bia và sản xuất chai nhựa PET bán cho các công ty khác, vốn chiếm 10% tổng doanh số của THP. Người sáng lập công ty gia đình này có mục tiêu cao hơn nhiều :”Tôi muốn quy mô của công ty tăng gấp đôi trong hai năm nữa”.

Điều này có nghĩa là công ty của ông sẽ đi nhanh hơn nhiều tốc độ phát triển của thị trường nước giải khát VN, dự tính khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, với những gì mà “Dr Thanh” (ông có bằng Tiến sĩ của trường ĐH Nam California) đã làm để vượt mặt các tập đoàn đa quốc gia trong vòng chưa đầy 10 năm qua, sẽ không quá ngạc nhiên nếu mục tiêu này trở thành hiện thực. Ngay cả Coca-Cola, với sản phẩm nước uống tăng lực Sting vào thị trường Việt Nam năm 2003, không chưa theo kịp Number 1 của THP. Hay Red Bull, một sản phẩm nổi tiếng ở nhiều thị trường cũng đã bị qua mặt, do hương vị hơi mạnh và giá cả không phù hợp với số đông trên thị trường.

Tuy nhiên, các loại trà mới là lĩnh vực thực sự mạnh của THP. Sản phẩm đầu tiên là Trà xanh 0 độ được ra mắt thị trường năm 2006. Ông Thanh nói :”Trà xanh là loại nước rẻ nhất và phổ biến nhất ở VN, nhưng chưa có ai từng bán sản phẩm đóng chai và thành công”. Một sản phẩm kết hợp giữa Pepsi – Lipton đã thất bại. Trà xanh 0 độ khi xuất hiện trên thị trường đã tiêu thụ được 100.000 chai nước mỗi ngày.

Năm 2009, một loại trà thảo mộc mới với tên gọi Dr Thanh lại ra đời. “Nóng trong người, nóng trong người… uống trà Dr Thanh” đã trở thành câu nói quen thuộc đối với bọn trẻ ở khắp VN sau khi THP tung ra các chương trình quảng cáo “bom tấn” trên truyền hình. Sản phẩm này sau đó đã vướng vào một scandal về các chất quá hạn sử dụng bị phát hiện trong kho của THP. Ông Thanh cho biết những hóa chất không phải dùng cho mục đích thương mại, và sau đó, doanh số của sản phẩm này vẫn cao.

Ông Thanh cho biết :”Lúc đầu tôi khá lo ngại về việc dùng tên mình làm một thương hiệu. Thành công của tôi phải lớn hơn vòng đời của một sản phẩm. Một số người đã cảnh báo tôi về việc tên tuổi của tôi sẽ bị ảnh hưởng nếu thương hiệu này không thành công. Tôi tự nhủ, mình cần thực sự cố gắng hết sức vì điều này”.

Và cả gia đình ông cũng vậy. Vợ ông chịu trách nhiệm về đầu vào và tài chính. Con gái đầu  Trần Uyên Phương, sau khi học xong tại Singapore đã trở về làm giám đốc marketing. Cô em gái của Phương phụ trách nhân sự. Cả gia đình sống ở tầng 5 của tòa nhà văn phòng công ty, điều khiển hoạt động của nhà máy chính với diện tích 43 hecta ở Bình Dương.

Vì không nhờ người ngoài, nên gia đình ông Thanh thường sẵn sàng làm việc 14 tiếng mỗi ngày. Các đối tác kinh doanh và nhà cung cấp nói các cuộc họp ở THP có thể được đặt lịch từ 6h sáng và đến tận 9 h tối. Ngay cả ông Thanh, một kỹ sư hóa học cũng không là ngoại lệ. “Đối với tôi, nó như một trò chơi. Sự khác biệt giữa công việc và trò chơi là sự đam mê. Nếu bạn đam mê những gì bạn làm, thì tức là bạn đang chơi. Nếu bạn đang chơi nhưng không thích thú nó, thì đó bạn đang làm việc”.

Ông Thanh lái chiếc xe Hummer và đeo một chiếc đồng hồ Rolex, ngoài ra không có điểm đặc biệt gì khác cho thấy ông là một trong những người giàu nhất Việt Nam. Mặc dù ông có xu hướng giữ quyền sở hữu công ty trong gia đình, nhưng ông vẫn thuê nhiều nhà quản lý nước ngoài như giám đốc thương mại William Doheny, cựu quản lý của Coca-Cola, và giám đốc tài chính Peter Davies, từng làm việc cho công ty kiểm toán hàng đầu Deloitte. Năm 2009, Dr Thanh đã chi một triệu USD cho chương trình đào tạo về nhận biết thương hiệu cho nhân viên. Ông đã tham gia suốt một hội thảo kéo dài 3 ngày và nói chuyện “bằng trái tim”, ông cho biết, để chia sẻ với hàng ngàn nhân viên của mình.

Phương, cô gái 30 tuổi cho biết :“Bố tôi đã thay đổi rất nhiều. Ông luôn luôn muốn học hỏi, ông không lệ thuộc vào quá khứ và ông rất giỏi trong việc truyền tải thông điệp”. Các nhân viên trong THP đã viết 600 bài hát về công ty. Lễ hội hàng năm của công ty đều được tổ chức hoàng tráng và lộng lẫy. Ông cho biết “Tôi vẫn luôn luôn tự hỏi mình về thành công và hạnh phúc. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là thức dậy vào một ngày nào đó và không biết phải làm gì tiếp theo”.

Phần lớn hoạt động sản xuất đóng gói được thực hiện tại khu vực trụ sở chính của THP với nhiều máy móc tập trung. Một nhà máy mới rộng 200 hecta đang trong quá trình thiết kế. Vừa là nhà sản xuất vỏ nhựa, vừa đóng chai, THP thu được lợi nhuận từ đầu đến cuối quá trình sản xuất.

Ông Trần Trung Nghĩa, công ty Tư vấn Hợp tác kinh doanh toàn cầu (GIBC), cựu giám đốc marketing của Pepsi Vietnam cho biết : “Ông Thanh có nhiều lợi thế. Ông không phải trả phí cao cho chất cô đặc, bởi ông sở hữu thương hiệu của riêng mình. Ông còn có 200 nhà phân phối cho 300.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc”.

THP đang bắt đầu xuất khẩu sang Campuchia, Lào và Nga, thậm chí cả châu Phi. Tuy nhiên, 90 triệu người VN vẫn khiến Dr Thanh chưa thể hết bận rộn.

Link bài: Trà thảo mộc Dr Thanh với người dùng Việt

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *