C. Hương/ Báo Người Lao Động
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương đã bày tỏ quan niệm về giá trị sách đối với cuộc sống, sự trưởng thành và thành công của mỗi người khi tham gia giao lưu tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020.
“Thời gian của mỗi chúng ta là hữu hạn, làm sao chúng ta có thể tận dụng thời gian một cách hiệu quả? Trong mùa dịch bệnh hiện nay, tôi chọn một trong những giải pháp mình vẫn thường xuyên làm đó là đọc sách. Bởi đây chính là những giá trị, những sự đúc kết của rất nhiều người, những chia sẻ thực sự về cuộc đời của họ, về những kinh nghiệm thực tế.
Do đó, sách là món quà giá trị mà các tác giả đã gửi đến cho chúng ta, đó cũng là những điều mà tôi mong muốn chia sẻ với các bạn trẻ nếu có cơ hội, có thời gian, chúng ta hãy tận dụng nó để lấy được những kiến thức quý báu của người khác làm hành trang trong cuộc sống của mình” – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương – tác giả cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh” mở đầu câu chuyện của mình.
Vì sao phải viết “Chuyện nhà Dr Thanh”
Trần Uyên Phương cho biết việc mình viết sách “Chuyện nhà Dr Thanh” (hoàn thành vào năm 2017), như một cách vượt qua thử thách trong đời. Nhưng hơn hết là muốn hướng đến mục tiêu có giá trị lớn hơn chứ không phải phơi bày ra công chúng những chuyện riêng tư của gia đình.
“Khi tôi viết cuốn “Chuyện nhà Dr Thanh”, tôi luôn nghĩ đến người đọc là những người đang chịu trách nhiệm với gia đình họ, những người đã tương tác với cuộc sống và họ cảm nhận cuộc sống trên phương diện thực tế. Tôi thấy cuộc sống mỗi người mỗi trải nghiệm và có rất nhiều điều khác nhau mà không có khuôn mẫu nào cả cho nên đối với tôi, đó chính là những người đang phải tương tác với cuộc sống, đang phải lo lắng với rất nhiều trách nhiệm nên đó là câu chuyện tôi muốn chia sẻ với họ” – tác giả của “Chuyện nhà Dr Thanh” giải bày.
Nữ doanh nhân cho biết có những giai đoạn có ý định không xuất bản “Chuyện nhà Dr Thanh” bởi tác giả nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực. “Mọi người băn khoăn rằng không biết viết thật quá xã hội có chấp nhận hay không? Hoặc tác giả có nên thêm mắm, thêm muối cho câu chuyện tăng phần bóng bẩy hay không? Cũng có rất nhiều ý kiến lo ngại rằng viết như thế này thì hình ảnh ông Dr Thanh khác với những gì mọi người vẫn đang tưởng tượng, như thế liệu ảnh hưởng đến việc kinh doanh của THP hay không? Nói chung là 9 người 10 ý và có rất nhiều ý kiến phản biện là không nên xuất bản cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh”.
Thực ra, lịch sử cá nhân, lịch sử một gia đình, dòng tộc đều có mối liên hệ với lịch sử một cộng đồng, quốc gia mà cá nhân, gia đình, dòng tộc đó đã sinh sống và gắn kết nên bao hàm trong đó giá trị riêng và chung. Nó phản ánh qua lại đời sống của nhau. “Sau khi viết xong cuốn sách, tôi nhận ra cuộc sống thật giá trị, những gì mỗi con người dành cho cuộc sống để cuộc đời ý nghĩa, đó là chuỗi đúc kết không chỉ từ những trải nghiệm, mà thật sự từ những thách thức mà cuộc sống đem đến cho mình và mình đã xử lý nó như thế nào”, tác giả chia sẻ.
Bài học riêng – chung
Quan điểm của Trần Uyên Phương cũng rõ ràng: “Đã nói về cuộc sống, về cuộc đời thì không có đúng và sai, điều tôi muốn đem đến như một món quà đó là một người sẵn sàng cởi mở cuộc đời của họ để cho các bạn trẻ thảo luận. Tôi vẫn cảm thấy đó là một món quà vô giá. Thành công không chỉ có sự hào nhoáng đâu, bên trong cuốn sách tôi chia sẻ nói rất nhiều về những thử thách, những trải nghiệm mà một con người phải đối mặt, về chuyện học hành, về quyết định lập gia đình, một người sẽ phải xử lý như thế nào khi chúng ta, mỗi con người, mỗi cá nhân sẽ có những quan điểm, những phản biện, rồi cách chúng ta sống, chúng ta tương tác với gia đình…” .
Nữ tác giả rất tâm đắc câu nói đã đọng sâu trong lòng suốt mùa dịch Covid-19 cho đến bây giờ, rằng những người anh hùng là những người rất bình thường, họ giải quyết những việc bình thường một cách phi thường, trở thành những người anh hùng và là những người phi thường.
“Tôi nghĩ, chẳng hạn dịch bệnh không ai mong muốn cả, tất cả chúng ta đều đối diện với một vấn đề như nhau nhưng khác nhau sẽ là thái độ, là giải pháp, là việc chúng ta sắp xếp, quản lý, xử lý hay phản ứng với những điều cuộc sống đem lại cho chúng ta như thế nào, từ đó cho chúng ta kết quả tương ứng. Mỗi con người sẽ có những kết quả rất khác nhau dựa trên những điều chúng ta tương tác với cuộc sống” – Uyên Phương nhận định.
Viết “Chuyện nhà Dr Thanh” còn là thể hiện sự biết ơn ba mẹ. “Tôi nghĩ không phải có quá nhiều tiền là làm cho ba mẹ tôi hạnh phúc mà chính sự ghi nhận trân trọng và biết ơn của con cái về những gì họ đóng góp cho gia đình, xã hội, cho những người xung quanh, đó là cái lớn nhất mà tôi nghĩ mình có được khi viết cuốn sách này. Còn lại tất cả những điều phải trả giá cho nó, tôi đều thấy là nhỏ” – Uyên Phương bày tỏ.
Uyên Phương cũng kể về mối lương duyên với cuốn “Vượt lên người khổng lồ” của mình, đến nay nó cũng là cuốn sách duy nhất của một doanh nhân ở Việt Nam viết về Việt Nam bởi nó xuất phát tự sự nung nấu khi Uyên Phương tham gia một khóa học ở trường Harvard với rất nhiều đồng môn là chủ doanh nghiệp có doanh thu tối thiểu từ 10 triệu USD trở lên nhưng không có bạn nào trong số đó có thể kể được câu chuyện trong lĩnh vực của họ về doanh nghiệp địa phương có thể chiến thắng doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, trường có đề nghị Phương viết case study để cho mọi người cùng trải nghiệm, học hỏi. Phương đã tập hợp tất cả các thông tin và xin phép để có thể viết cuốn sách chia sẻ với thế giới.
NGUỒN: Theo Báo Người Lao Động
Link bài: Trần Uyên Phương….
(https://thitruong.nld.com.vn/