Khánh Minh/ Báo Tiền Phong
Vài năm trở lại đây, Trần Uyên Phương là cái tên không lạ trong làng CEO trẻ Việt Nam. Cô nổi lên không chỉ bởi vì là con gái “cưng” của Dr Thanh và hiện đang giữ vị trí Phó Tổng giám đốc của Tập Đoàn Tân Hiệp Phát. Mà hơn cả, bởi Uyên Phương có tư duy thông minh và khá lạ – luôn khát khao, hướng tới những điều lớn lao khởi nguồn từ giá trị vĩnh hằng.
Gia đình Việt “thấm đẫm” tinh thần khởi nghiệp
100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP cả nước. Các doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Chia sẻ thông tin này, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI còn nói thêm: Thế hệ con em sinh ra trong DNGĐ có nhiều lợi thế. Mỗi đứa trẻ khi nằm trong bụng mẹ đã làm kinh doanh và đã bắt đầu được truyền lửa về kinh doanh trong quá trình trưởng thành….
Mô hình DNGĐ đang phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế Việt Nam. Buổi giao lưu với tên gọi “Ngày hội kết nối giao thương” (diễn ra ngày 30/9 tại TP Hồ Chí Minh) do Tập đoàn Tân Hiệp Phát tổ chức đã kết nối hàng trăm gia đình doanh nghiệp, doanh nhân tiểu thương Việt. Chia sẻ tại đây, Phó Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) Trần Uyên Phương cho biết cô đã “mê đắm” chuỗi giá trị kết nối này từ lâu bởi mô hình DNGĐ đã phát triển cách đây 60 – 70 năm trước ở các nước châu Âu, Ấn Độ… Tuy nhiên, khái niệm này khá mới tại Việt Nam.
Theo cô, thực tế tại Việt Nam, có nhiều DNGĐ phát triển và ngày càng khẳng định vị thế trên thế giới. “Theo các báo cáo đánh giá trên toàn thế giới, doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng của DNGĐ tốt hơn doanh nghiệp khác 10%. Điểm mạnh của DNGĐ chính là sự lãnh đạo doanh nghiệp ổn định, sự trung thành mạnh mẽ của người liên quan và có những kế hoạch phát triển, đầu tư dài hạn… Đặc biệt, do là người thân trong gia đình nên họ luôn sẵn sàng hy sinh vì công ty, doanh nghiệp. Điểm yếu của DNGĐ là sự chiếm hữu về lãnh đạo dài hạn, sự kiểm soát tập trung dẫn đến không đủ vốn để tái đầu tư, tắc nghẽn trong quá trình hoạt động…”, Uyên Phương nói .
Hơn thế, dù là con gái “cưng” của ông Trần Quý Thanh nhưng Trần Uyên Phương cũng phải tự khẳng định năng lực trong công ty. “Để có được vị trí như hôm nay, tôi đã phải làm việc ở vị trí thư ký trong suốt 9 tháng để chứng minh cho ba tôi thấy rằng tôi có khả năng. Bởi tôi hiểu làm việc trong doanh nghiệp gia đình bạn không thể đội 2 “nón”, một “nón” là ba mình và một “nón” là sếp mình. Nếu chúng ta đội 2 “nón” cùng một lúc thì khó xử lý công việc, chúng ta chỉ đội một nón khi ở các vai trò, vị trí khác nhau”, Uyên Phương chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ba cô, ông Trần Quý Thanh, CEO của Tập đoàn THP lưu ý thêm rằng để quản trị DNGĐ, cần phải quản trị doanh nghiệp đó theo hướng chuẩn quốc tế, chuyên nghiệp, đặc biệt không dùng cảm tính. “Mọi người trong doanh nghiệp cần phải nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc và chính sách mà công ty đề ra”, ông Trần Quý Thanh khẳng định.
Khát vọng vươn ra toàn cầu
Cách đây không lâu (đầu năm 2017), các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới như Financial Times, CNBC, Channel News Asia, Asia Times… đã nhắc đến hiện tượng kinh tế kỳ lạ ở Việt Nam: Một doanh nghiệp gia đình sở hữu cơ ngơi hàng tỷ USD và nằm trong số những công ty của người Việt có khát vọng vươn ra toàn cầu.
Kỳ lạ hơn, doanh nghiệp được vận hành bởi ông bố và 2 cô con gái nhưng đang chiếm lĩnh thị phần ngang ngửa Pepsi và vượt qua cả Coca-Cola. Doanh thu của Tân Hiệp Phát năm 2016 đã đạt mốc 500 triệu USD và với việc đưa thêm nhiều nhà máy vào hoạt động, doanh thu 1 tỷ USD đã là mục tiêu gần trong vài năm tới. Đến 2027, con số này sẽ là 3 tỷ USD. Và thật bất ngờ, người gánh vác mục tiêu này là một cô gái 36 tuổi – Trần Uyên Phương. Cô gái có tiền ngang ngửa tỷ phú nhưng lại không hề có biệt thự, xe riêng, hay hàng hiệu…
“Tân Hiệp Phát sẵn sàng làm cầu nối để các đối tác trong chuỗi giá trị cùng tiến ra thế giới một cách bền vững, tạo ra khác biệt cho sản phẩm , dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam. Trong gia đình tôi, chúng tôi hiểu rõ, thừa kế là trách nhiệm chứ không phải là quyền lợi”
“Thành công lớn nhất của một người phụ nữ là gì? Đôi lần, tôi tự hỏi mình như thế sau rất nhiều những kiếm tìm, hoài bão, khát vọng”- Có lần trên trang facebook cá nhân, Uyên Phương đặt câu hỏi rồi lại tự mình trả lời: Thành công của người phụ nữ là đã xây dựng được một gia đình bình yên, hạnh phúc, chăm lo cho con cái đủ đầy, khôn lớn, nhưng thành công lớn nhất là họ có thể tự hào ngẩng cao mặt để nói về nghề nghiệp của mình là nội trợ, là thoải mái nói về những khó khăn mình đã trải qua mà không phải cố gắng giữ cho mình một hình ảnh thầm lặng hy sinh vì gia đình.
Ấy vậy nhưng dường như trong Uyên Phương, vẫn tiềm ẩn “chất lửa” sẵn sàng “bùng”. Chẳng thế, mà cô viết: Thành công của con người tùy thuộc vào mục đích mà họ theo đuổi trong cuộc đời….Có một đam mê để theo đuổi là đã có được 50% khả năng thành công, 50% còn lại phụ thuộc vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tôi không biết cần bao nhiêu đam mê để người ta mới có thể biến những cơ hội thành thành công, dẫu vậy “hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ” như Steve Jobs nói.
Tại buổi giao lưu trực tuyến với một tờ báo mạng cách đây không lâu, từng trước câu hỏi của một bạn đọc: Nghe nói nhà chị có nhiều tiền mà không tiêu tiền. Nghe nói nhà chị không ai có nhà lầu, xe hơi – thế thì làm ra tiền để làm gì? Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát, người được xem là sẽ kế nhiệm tập đoàn này đã trả lời: “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và thực hiện mục tiêu để đưa doanh nghiệp Việt ra thế giới. Tiền không phải là mục tiêu của gia đình tôi”.
23 năm – Tân Hiệp Phát và đích đến 3 tỷ USD
Tân Hiệp Phát, vốn dĩ là DNGĐ được đánh giá là thành công ở Việt Nam, có nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Cụ thể, sau 23 năm hình thành và phát triển, doanh nghiệp này đã khẳng định vị thế trong ngành nước giải khát Việt Nam với nhiều sản phẩm được tin dùng trong nước và xuất khẩu tới gần 20 quốc gia trên thế giới. Giá trị hiện tại của doanh nghiệp này đã lên đến hàng tỷ USD.
Để vận hành một doanh nghiệp có giá trị hàng tỷ USD, Tân Hiệp Phát hiện có 2.500 đối tác doanh nghiệp với số lượng người lao động lên tới hơn 100.000 người. Bản thân công ty này cũng tạo ra công việc cho gần 10 ngàn công nhân viên.
Hiện nay, Tập đoàn THP được xem là một trong những thương hiệu xứng tầm đối trọng với các hãng nước giải khát ngoại tại thị trường Việt Nam. THP sở hữu hàng loạt nhà máy sản xuất nước giải khát tại Bình Dương, Hà Nam, Chu Lai, Hậu Giang. Các nhà máy này đều được đầu tư dây chuyền công nghệ Aseptic hiện đại nhất thế giới và duy nhất tại Việt Nam. Ước tính tổng chi phí đầu tư 10 dây chuyền công nghệ lên tới 300 triệu USD. Thương hiệu Việt này đang kì vọng trong 10 năm tới sẽ tăng lên mức 3 tỷ USD.
“Chuyện nhà Dr. Thanh”
Những ngày cuối tháng 6/2017, nữ doanh nhân nhân này đã gây xôn xao dư luận khi phát hành tự truyện “Chuyện nhà Dr. Thanh” công khai những thâm cung bí sử ở gia tộc kinh doanh có tiềm lực và bí ẩn bậc nhất này. Cuốn sách được Trần Uyên Phương dành nhiều tâm huyết viết trong gần 10 năm và ra mắt đã gây ra một cơn sốt thực sự trên thị trường với khoảng 6.500 cuốn bán ra chỉ sau 3 ngày đầu tiên. Tác giả quyết định trích từ tiền bán mỗi cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” 20.000 đồng để tạo quỹ tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Tính dến hết tháng 9/2017 đã có được 250tr cho tiền quỹ học bổng.
Theo báo Tiền Phong
Link bài: Trần Uyên Phương: Tôi muốn kết nối “chuỗi giá trị Gia đình Việt”