Truyền thông trung thực về sản phẩm của mình là đạo đức kinh doanh

Trần Quí Thanh

Nguồn hình:  Internet

—–

Chào anh Trần Quí Thanh!

Khỏi phải nói nhiều tôi là fan hâm mộ của anh, dù tôi hơn anh 2 tuổi. Không tính mấy tỉ lít nước giải khát, 5 cái nhà máy công nghệ cao, chỉ riêng blog này cũng đủ bái phục anh rồi.

Tôi thấy nhiều ông bạn già cũng hay trao đổi với anh nên tôi cũng mạo muội gửi tới anh băn khoăn của tôi. Đó là vấn đề marketing trên thương trường. Làm sao dẹp loạn marketing bậy bạ, thất đức, hại người để marketing tử tế tồn tại, đó là vấn đề nhức đầu nhứt hiện nay. Tất nhiên doanh nghiệp tử tế sẽ làm marketing tử tế rồi, nhưng làm sao để doanh nghiệp tử tế chống lại được marketing vô đạo hiện nay? Rất mong anh phúc đáp.

Chúc anh mạnh giỏi.

Lê Hoài Bắc (Sài Gon): backcaubong_2011@gmail.com

—–

Anh Lê Hoài Bắc mến!

Trong xã hội hiện nay, tui có cảm giác sự lương thiện ít đi, cái xấu lấn lướt cái tốt, không chỉ trong môi trường kinh doanh, mà bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy.

Ngay cả nhà chùa cũng bị lợi dung, truyền thông bẩn để khai thác sự mê muội của con người. Ai cũng tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, nhưng không ai chấp nhận lấy nhà chùa ra làm PR để trục lợi.

Trên thương trường hiện nay, marketing được khai thác rất mạnh, cách thể hiện đa dạng, phong phú, giàu tính sáng tạo và rất có hiệu quả. Tuy nhiên, trong đó vẫn có những cách làm mà cộng đồng hay dùng khái niệm “truyền thông bẩn” để chỉ cái “vô đạo” như anh nói. 

Nói quá về mình, nói không đúng sự thật về chất lượng sản phẩm của mình để bán hàng đã là một việc không thể chấp nhận. Nhưng tệ hơn, đó là nói không đúng về đối thủ cạnh tranh của mình, tìm những chiêu hạ bệ đối thủ, dùng mạng xã hội để tấn công, dìm một thương hiệu cạnh tranh. Tui từng bị đối thủ chơi trò marketing vô đạo cỡ như vậy đó anh, nhưng may mà Tân Hiệp Phát có thực lực, đủ sức chịu đựng và tìm cách vượt qua, nếu không thì sập tiệm luôn rồi.

Còn cách gì để chống lại marketing vô đạo, theo tui trước hết là chính quyền phải quản lý đúng theo quy định của pháp luật.

Cụ thể là Luật Quảng cáo quy định đối với hành vi gian dối trong quảng cáo thì có thể bị xử lý hành chính, nếu vẫn tiếp tục hành vi vi phạm này thì căn cứ theo mức độ, tính chất có thể bị xử phạt hình sự.

Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 158/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì hành vi “nổ” trong lĩnh vực quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng.

Cùng với xử phạt hành chính, quảng cáo sai sự thật còn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm hình sự.

Luật có nhưng áp dụng vào thực tế đời sống phải nghiêm, thì mới dẹp được tệ nạn như anh đặt vấn đề.

Còn đối với doanh nghiệp, cách tốt nhất là hãy tìm cách tự vệ trước những loại truyền thông bẩn có thể tấn công vào sản phẩm của mình. Nhưng cách tự vệ tốt nhất là mình phải làm ăn thiệt, sản phẩm của mình phải đạt chất lượng cao, thuyết phục được người tiêu dùng.

Và muốn chống lại marketing vô đạo, thì chính mình luôn giữ chuẩn mực, trung thực khi truyền thông về sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Anh cứ tin tui đi, những tay lừa đảo đó có thể kiếm chác trong thời điểm nào đó, nhưng trước sau cũng bị lột mặt.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *