Từ ‘3 tại chỗ’ đến ‘bốn xanh’ không đơn giản

V. Dũng/ Báo TBKT Sài Gòn
Doanh nghiệp muốn thay đổi mô hình 3T (Ảnh và lời bình báo Doanh Nhân Sài Gòn)

Sau khi áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” (3T) với rủi ro lớn và tính hiệu quả không cao thì TPHCM tiếp tục đưa ra bốn phương án sản xuất mới cho doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp nhận định không có phương án nào thực hiện dễ dàng trong điều kiện thực tế hiện nay. Theo họ bài toán triệt để nhất lúc này chỉ là vaccine.

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) với trên 50 công ty đang thực hiện 3T cho thấy chi phí tăng thêm với người lao động khoảng 9,3 triệu đồng/người/tháng, tương đương tăng thêm một tháng thu nhập. Tính chung, chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra tăng gấp hai lần so với bình thường. Điều này có nghĩa nếu càng duy trì 3T thì doanh nghiệp càng lỗ, không thể bền vững được. Nhưng với bốn giải pháp mà TPHCM đưa ra mới đây không thay đổi nhiều về bản chất với 3T mà thách thức còn mở rộng với cả người lao động.

Doanh nghiệp đang đắn đo thực hiện các phương án mà TPHCM đưa ra. Ảnh minh họa: DNCC

Doanh nghiệp không dễ triển khai “bốn xanh”

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng đã cảm nhận được sự đồng hành của TPHCM với họ nhưng thực tế sẽ rất khó khả thi để thực hiện bốn giải pháp mới. Về bản chất, ba giải pháp đầu tiên là 3T, “hai địa điểm – một cung đường” nên doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó. Riêng giải pháp “bốn xanh” cũng là chuyển thể từ giải pháp sản xuất 3T có mở rộng về vấn đề nhân lực, điều chỉnh vấn đề ăn, ở, sinh hoạt của người lao động. Cụ thể, một số công nhân thực hiện 3T ở nhà máy, còn một số vẫn đi làm và về nhà trên cung đường xanh, địa chỉ xanh.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, cho biết chỉ một số công ty có tiềm lực mạnh về tài chính, ít người, lao động có thu nhập cao, có nhà riêng… thì mới có thể thực hiện được giải pháp “bốn xanh”. Còn đại đa số công ty khác công nhân chủ yếu thu nhập trung bình, ở nhà trọ chật hẹp, khu dân cư đông đúc… thì khó đáp ứng được các điều kiện “bốn xanh”. Ví dụ, công nhân bình thường thì khó có phòng cách ly.

Trong số bốn phương án nêu trên thì phương án hai và ba cũng có thể phù hợp với một vài doanh nghiệp có điều kiện, nhưng số này là rất ít trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, ngay cả các doanh nghiệp cảm thấy phù hợp vẫn chưa thể triển khai ngay vì hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể từ cơ quan chức năng và các quận huyện. Thêm vào đó họ cũng lo ngại từ kế hoạch đến triển khai trên thực tế sẽ khác nhau và dễ nảy sinh rủi ro.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết với 4 giải pháp mà UBND thành phố vừa đưa ra, nhiều doanh nghiệp hội viên đang nghiên cứu một cách cẩn trọng.

Thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh lại mô hình sản xuất cho phù hợp trên cơ sở vẫn duy trì 3T. Một số doanh nghiệp khác đang cân nhắc chuyển sang phương án “4 xanh”. Tuy nhiên, “cung đường xanh” và “nơi ở xanh” không nằm ở sự quyết định của doanh nghiệp, mà rất cần sự hỗ trợ, đồng hành xuyên suốt từ chính quyền địa phương.

Trong khí đó, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần  Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể từ cơ quan chức năng và các quận huyện nên doanh nghiệp vẫn phải chờ. Ví dụ yêu cầu công nhân phải đi làm qua “cung đường xanh”, song đó là những con đường nào, hoặc công nhân lưu trú ở “vùng xanh” là họ đến lưu trú tập trung tại một nơi an toàn hay được về nhà trong những “vùng xanh”; ai thẩm định cho việc đó…

Bàn về mô hình phù hợp, ông Trương Chí Thiện cho rằng mỗi doanh nghiệp có đặc thù nên việc áp dụng một mô hình sản xuất chung, cứng nhắc sẽ rất khó. Theo ông Thiện, nên xem xét cho phép áp dụng “2 tại chỗ” (ăn và làm việc tại chỗ), nhưng được phép đi về buổi tối. Công ty sẽ yêu cầu công nhân ký cam kết chỉ đi đến công ty và về nhà. Công ty sẽ đi chợ giúp cho công nhân, đến chiều sẽ chia phần cho từng người mang về nhà nấu ăn để hạn chế tối đa việc ra ngoài.

Cầm cự chờ phủ vaccine

Thực tế, nhiều nước trên thế giới khi dịch diễn biến phức tạp kéo dài, họ cũng buộc phải tính toán mở cửa trở lại, phát triển kinh tế. Vì thiệt hại kinh tế sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Nhưng để doanh nghiệp mở cửa sản xuất cũng cần đảm bảo một độ phủ vaccine nhất định vì thế không ít hiệp hội ngành nghề trông chờ vào tiến độ tiêm chủng để tính toán.

Theo ông Chu Tiến Dũng, hiện nay TPHCM triển khai tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất thì đến nay đã có tới 86% số người lao động đã tiêm mũi 1, chuẩn bị tiêm mũi 2. Chỉ còn 14% đang chờ tiêm mũi 1.

Như vậy, chỉ trong một thời gian nữa, toàn bộ công ty trong các khu này có thể đi vào hoạt động bình thường. Còn 14% người lao động chưa tiêm có thể bố trí làm những ca khác, khu vực riêng. Khi người lao động đã tiêm vaccine thì doanh nghiệp mới có thể tính toán được kế hoạch triển khai duy trì sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp cho biết giải pháp tối ưu nhất vẫn là vaccine cho người lao động. Ảnh minh họa: TTXVN

Doanh nghiệp cũng mong mỏi thành phố tăng độ phủ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho lực lượng lao động, đồng thời các doanh nghiệp đang rất cần sự triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về công tác y tế, xét nghiệm, lưu thông, vận chuyển, nhân lực từ chính quyền thành phố để sản xuất và lưu thông được thông suốt.

Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình, cho biết công ty đang thực hiện 3T nhưng tốn thêm rất nhiều chi phí, lỗ mà vẫn phải cố gắng hoạt động. Về phương án “bốn xanh” với tiêu chí nơi ở xanh, lao động phải có nhà riêng, có phòng cách ly… là khó khả thi.

Để doanh nghiệp hoạt động sản xuất an toàn thì trước hết vẫn là ưu tiên tiêm vaccine đồng loạt cho công nhân, người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp nào tiêm riêng doanh nghiệp đó chứ không nên tập trung nhiều công ty lại một chỗ. Khâu xét nghiệm cũng nên để doanh nghiệp tự làm cho công nhân, tránh nguy cơ lây nhiễm từ nhân viên y tế hoặc phải tới điểm xét nghiệm đông người.

Bình luận về các giải pháp tổng thể hỗ trợ của UBND TPHCM, một số doanh ngiệp cho rằng dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, hơn lúc nào các doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp của Nhà nước. Vấn đề doanh nghiệp cần hiện nay không chỉ dừng lại ở việc giảm giá điện, hỗ trợ các chi phí phát sinh. Điều quan trọng hơn cả là họ cần được tiêm vaccine đầy đủ, cần chính sách linh hoạt và tiêu chí cụ thể về một mô hình hoạt động an toàn. Trên cơ sở đó họ sẽ triển khai sản xuất phù hợp và tự chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, TPHCM sẽ tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án sau:

Phương án 1: tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Phương án 2: tiếp tục thực hiện “1 cung đường – 2 địa điểm” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).

Phương án 3: cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 địa điểm”.

Phương án 4: tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Từ…
https://www.thesaigontimes.vn/td/319644/tu-3-tai-cho-den-bon-xanh-khong-don-gian.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *