Từ tin giả đến hội chứng “nghe đồn”

Khắc Thi/ Báo Phụ nữ Tp HCM
—–
Vụ bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ trở thành “tâm điểm” dư luận mấy ngày qua, nhưng nó sẽ còn được nhắc lại như một “case study” trong các bài học về truyền thông sau này.

Xin miễn bình luận về chuyện các nhà báo, KOLs share thông tin này, có một số người đã lên tiếng xin lỗi, không nên “truy cứu” thêm nữa.

Nhưng từ vụ này, có thể xem lại hiện tượng, thậm chí là hội chứng về tin giả, tin đồn trong xã hội hiện nay. Trên các kênh thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, tin giả và tin đồn quá nhiều, có thể nói là xuất hiện hằng ngày.

Sự nguy hại của tin giả và tin đồn rất kinh khủng, chỉ những ai là nạn nhân của nó mới thấy hết sự khủng khiếp của nó. Tui nói thiệt, các tay viết nổi tiếng trở thành nạn nhân của vụ bác sĩ Trần Khoa đã thấm thía khi mình là nạn nhân.

Mình là nạn nhân, trong đó có phần lỗi cả tin của mình, đã share thông tin không kiểm chứng, mà đã khổ sở như thế, thì những người là nạn nhân 100% của tin giả sẽ bị kịch đến thế nào.

Vì sao tin giả, tin đồn có đất sống trong xã hội? Câu trả lời là vì đa số trong chúng ta thiếu sự bình tĩnh trước thông tin, không có thái độ ứng xử phù hợp nhất, đó là kiểm chứng.

Nhiều người khi tiếp cận thông tin, chỉ cần thấy thích là share, không chịu trách nhiệm về hành vi đưa tin của mình.

Một xã hội văn minh hay không còn được đánh giá qua thái độ ứng xử trên môi trường mạng. Ứng xử đó có nhân ái, nhân văn và tôn trọng sự thật hay không.

Tin giả, tin đồn gây ra sự tổn thương cho cá nhân nào đó là một việc, nhưng tin đồn sai lệch cho doanh nghiệp, thì cái giá phải trả không chỉ là tổn thương về tinh thần, mà có thể sập tiệm, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã là nạn nhân của hội chứng tội ác này.

Một doanh nghiệp sập tiệm không chỉ là sự thiệt hại của riêng doanh nghiệp đó, mà là sự thiệt hại chung cho cả xã hội.

Trần Quí Thanh

—–
Có thể thấy rằng, từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, nhất là trong bối cảnh dịch ngày càng diễn biến phức tạp thì tình trạng tin giả, tin sai sự thật ngày càng xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát.

Trong khi dư luận chưa nguôi bức xúc việc nhiều người phát tán, chia sẻ nội dung giả mạo phát ngôn về phòng, chống dịch COVID-19 của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thì lại tiếp tục phẫn nộ trước thông tin dối trá về vụ việc một bác sĩ rút ống thở của mẹ mình để cứu sống 1 sản phụ song thai nguy kịch đang được lan truyền trên mạng xã hội.

Điều đáng nói là, tham gia vào đội ngũ phát tán thông tin trên có rất nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội với hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt theo dõi. Tất cả đều tham gia lan truyền thông tin với rất nhiều cảm xúc nức nở.

Chưa kể, để tăng thêm tính khẳng định, có người còn nhấn mạnh đã “nói chuyện” với “bác sĩ Khoa” – nhân vật chính trong câu chuyện trên – càng khiến sự việc mang bóng dáng “sự thật” và được lan truyền mạnh hơn.

Hiện công an đã vào cuộc để xác minh vụ việc nhưng có thể thấy rằng, tin giả sẽ chỉ là tin giả và nó hầu như chẳng thể gây ảnh hưởng gì đến xã hội nếu không có sự vào cuộc tiếp tay của cái gọi là “cộng đồng mạng”.

Việc chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng một cách vô tội vạ, nhất là từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, mới là nguyên nhân khiến tin giả tác động tiêu cực, gây hoang mang cho xã hội. Chính vì vậy, đã đến lúc cần mạnh tay hơn nữa không chỉ với người tạo nên tin giả, tin sai sự thật mà còn với cả người góp phần lan truyền, phát tán. Càng là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng xã hội nhiều càng cần phải xử lý nghiêm khắc hơn.

Thế nhưng không chỉ những hành vi phát tán thông tin sai lệch mới gây tác động xấu cho xã hội mà hội chứng “nghe đồn”, “nghe nói” cũng là một thực trạng đáng báo động.

Với sự phát triển của mạng xã hội cũng như những ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí như hiện nay thì việc một người tham gia từ vài đến hàng chục, thậm chí hàng trăm nhóm chat là chuyện đã trở nên bình thường. Và trong bối cảnh tình hình dịch phức tạp như hiện tại, những nhóm chat trở thành “thiên đường” để phát tán, lan truyền những tin tức giả, độc hại…

Từ một thông tin không rõ nguồn gốc, qua lan truyền từ người này sang người kia, từ nhóm này đến nhóm kia theo dạng “nghe nói”, “nghe đồn” cứ thế dần dà trở thành một cơn “địa chấn” dẫn dắt cảm xúc, gây hoang mang, thậm chí phẫn nộ trong cộng đồng.

Những ngày qua, nhan nhản những tin nhắn hoặc hình ảnh chụp màn hình một tin nhắn nào đó đại loại “người nhà đang ở ABC… cho biết chuyện XYZ (đa phần đều mang tính tiêu cực hoặc mang tính cảnh báo nguy hiểm không đúng sự thật) được gửi tràn lan trong các nhóm chat như thế.

Quản trị viên một nhóm cư dân trên Facebook và Zalo tại một chung cư cho biết, mỗi ngày anh xóa không biết bao nhiêu những tin nhắn lan truyền không có kiểm chứng như thế từ cư dân.

Điều nguy hiểm là dạng lan truyền này tạo nên ảnh hưởng rất lớn bởi được chia sẻ từ những mối quan hệ quen biết, thân tình và tin cậy. Thế nhưng, dù mức độ ảnh hưởng không hề kém việc phát tán, lan truyền công khai trên các trang mạng xã hội nhưng chúng rất khó để phát hiện, xử lý.

Chính vì vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng rất cần sự tự ý thức và trách nhiệm với cộng đồng của mỗi cá nhân ở thời điểm này. Hãy tỉnh táo và có trách nhiệm trước mỗi thông tin muốn chia sẻ. Bởi góp phần gây hoang mang, hoảng loạn ở thời điểm cả xã hội gồng mình để vượt qua đại dịch như thế này không chỉ là sự vô cảm mà còn là vô nhân.

NGUỒN:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Từ tin giả…
https://www.phunuonline.com.vn/tu-tin-gia-den-hoi-chung-nghe-don-a1442718.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *