Tuyển tập nhạc Sài Gòn: Vàng son rớt lại

Hoàng Phương Anh/ Báo Người Đô Thị

Tuyển tập nhạc Sài Gòn là sự kết hợp giữa âm nhạc, hội họa và văn chương.

Trước 1975, hoạt động xuất bản âm nhạc tại Sài Gòn rất nhộn nhịp với đủ các loại ấn phẩm lớn nhỏ. Ngoài nhạc tờ đã có mặt từ rất sớm trên thị trường, còn có nhiều sách dạy âm nhạc căn bản bằng tiếng Việt bên cạnh sách ngoại văn của các tác giả nước ngoài. Nhiều tựa sách có tên gọi rất hấp dẫn: 30 ngày biết đệm Tây Ban Cầm, Tự học thổi sáo… 

Đến gần cuối thập niên 1960, trình độ ấn loát Sài Gòn phát triển lên tầm cao với kỹ thuật in offset tiên tiến. Thị trường xuất hiện thêm nhiều loại ấn phẩm mới. Một số nhà xuất bản nhỏ, mới nổi như: Quảng Hóa, Khai Sáng, Nhân Bản, An Tiêm, Tủ sách Gìn Vàng Giữ Ngọc… đã cho ra đời ấn phẩm đặc biệt, tuyển tập nhạc của tác giả. Nhiều nhạc sĩ tên tuổi lúc bấy giờ như: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến… đã cho xuất bản các tuyển tập nhạc. Và đặc biệt, nhóm các nhạc sĩ trẻ gồm: Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Vũ Thành An… đều xuất bản tuyển tập nhạc của riêng mình.

Tuyển tập nhạc tái xuất cách đây vài năm, với phong cách trình bày như tuyển tập nhạc Sài Gòn xưa. Trong ảnh: Tình khúc Vũ Thành An – tranh Trịnh Cung và Từ giọng hát em với các tác giả Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên – tranh Đinh Tiến Luyện.

Tuyển tập nhạc của tác giả in trên giấy dày, khổ vuông 21x2cm, mỗi tập in từ mười đến hai mươi ca khúc. Bìa một thường là tranh của các họa sĩ tên tuổi được in màu offset. Và như có sự sắp đặt của định mệnh, nhóm các họa sĩ trẻ gồm: Nguyên Khai, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung, Hồ Hữu Thủ, Đinh Cường, Hoàng Ngọc Biên… thường vẽ tranh bìa cho nhóm các nhạc sĩ trẻ nêu trên. Đinh Cường vẽ cho tập Ta phải thấy mặt trời của Trịnh Công Sơn và một số tuyển tập khác, Nguyên Khai vẽ cho tập Những bài không tên của Vũ Thành An, Hoàng Ngọc Biên trình bày bìa tập Tình khúc Từ Công Phụng

Nhiều tranh bìa tuyển tập đã để lại ấn tượng mạnh trong tâm trí người xem. Nhiều thế hệ độc giả vẫn chưa quên hình ảnh cô bé với đôi mắt to đen láy, miệng ngậm ngang nhánh cỏ, có chú chim non đậu trên mái tóc vô tư hót, tranh bìa tập Hoan ca của Phạm Duy do nhà văn, họa sĩ Đinh Tiến Luyện vẽ. Và đôi lúc, người nhạc sĩ tự cầm cọ vẽ bìa cho tuyển tập của chính mình, như tranh bìa tập Tự tình khúc do Trịnh Công Sơn vẽ.

Bên trong tuyển tập có vài trang in các phụ bản. Phụ bản tranh in trắng đen vẫn tạo được vẻ đẹp riêng. Nét diễm ảo của người thiếu nữ dưới ánh trăng được Nguyên Khai vẽ phụ bản Mộng dưới hoa trong tập Mười bài ngợi ca tình yêu của Phạm Đình Chương gợi cho người xem nhớ đến thi từ của Đinh Hùng: Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng. Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng… Có khi phụ bản là bức ký họa chân dung tác giả âm nhạc dưới góc nhìn của người họa sĩ. 

Người yêu nhạc tìm mua tuyển tập không chỉ mong có được ấn phẩm đẹp với các bài hát của tác giả mình yêu thích mà còn mong đọc những đoạn văn hay trong lời tựa, lời giới thiệu được viết bởi các nhà văn, thi sĩ tên tuổi như: Mai Thảo, Trần Dạ Từ, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê…

Mai Thảo, thành viên chính của nhóm Sáng Tạo. Trong Lời tựa viết cho tuyển tập Mười bài ngợi ca tình yêu của Phạm Đình Chương, nhà văn đã đưa ra hẳn tuyên ngôn về nghệ thuật: “Một thế giới được tạo dựng bằng nghệ thuật, khác biệt hoàn toàn với tất cả những thế giới ngoài đời, ở nơi tuy rất cá nhân mà vĩnh viễn không bao giờ ngưng đọng trong những giới hạn và những bến bờ cố định. Không gian của nghệ thuật khôn cùng. Bát ngát, mênh mông, nó không đứng lại với bốn phía những chân mây, mà là hằng hà những chân trời luôn luôn được đẩy tới cho xa thẳm hơn, bằng những chiếu sáng và những dấn thân không ngừng đi tới. Chúng ta muốn nghệ thuật mãi mãi phải là một khám phá là vì vậy. Một thế giới nghệ thuật đứng lại, cho dù nguy nga lộng lẫy tới đâu, chỉ là một thế giới chết. Những người làm nghệ thuật là những kẻ, suốt một đời người, mỗi phút sống là một khởi đầu”.

 

Du Tử Lê cảm nhận, âm nhạc của Phạm Duy là tiếng nói riêng của thiên đàng đôi lứa. Lời tựa của Tuyển tập Phạm Duy (1948 – 1970) Cho nhau, riêng nhau một đời, thi sĩ đã viết: “Nhạc tình Phạm Duy không chỉ làm sống trong ta những vàng son tơi tả. Nhạc tình Phạm Duy cũng không chỉ là những lời ngợi ca, những dòng than vãn não nùng tử biệt. Nhạc tình Phạm Duy, hơn thế, còn rót vào hố thẳm tâm hồn ta những lượng đời chưa trải, những phút sống chưa qua…

Chỉ với nhạc tình Phạm Duy, chúng ta mới bắt gặp được ngôn ngữ của thi sĩ. Hay nói bằng một cách khác, thì chỉ Phạm Duy, với Phạm Duy, chúng ta mới nghe được tiếng nói riêng của thiên đàng đôi lứa. Thứ ngôn ngữ ở trên ngôn ngữ đám đông. Thứ ngôn ngữ khi cất lên là mây nổi, khi thấp xuống là mưa rơi. Thứ ngôn ngữ riêng phải được nghe bằng một trời hạnh phúc, phải được lắng bằng một thoáng đau thương, một hồn chín rụng. Thứ ngôn ngữ làm nên, ý nghĩa đời ta”.

Thi sĩ Trần Dạ Từ kịp ghi lại những khoảnh khắc vĩnh cửu của âm nhạc trong lời giới thiệu Tuyển tập 17 Tình ca bất tử (ca khúc cổ điển nước ngoài, lời Việt: Phạm Duy): “Một ngày trời đẹp, cỏ cây đẹp, tình nhân đẹp. Dưới tán cây, trên lối cỏ xanh, đôi tình nhân êm ái bên nhau, cùng đi, cùng đứng, cùng say đắm. Rồi với hơi thở nồng nàn nhất của thời khắc hẹn hò, một tiếng hát, một bài hát, đã vang lên đâu đó, đánh dấu một phần đời. Từng phần đời sẽ mất, ngày đẹp sẽ hết, thời hẹn hò sẽ qua. Những xao xuyến hạnh phúc quý giá kia, đời sống sẽ trùm lấp.

Nhưng rồi, thử tưởng tượng: năm mười năm sau, kẻ tình nhân lại có lúc nghe lại bài hát mình từng hát. Bài hát cũ, hẳn sẽ rung lại trong tâm hồn sâu thẳm sợi dây tơ cũ, làm nhớ lại, sống lại kỷ niệm êm ái cũ. Âm nhạc, ca khúc, do đó mà có khả năng biến cái khoảnh khắc thành vĩnh cửu, giúp ta gìn giữ được những rung động quý báu của đời sống…”.

Tô Thùy Yên nhận định Trịnh Công sơn là một người du ca. Lời giới thiệu của tập Ca khúc Trịnh Công Sơn – Thần thoại Quê hương – Tình yêu và Thân phận, An Tiêm xuất bản 1970, thi sĩ đã viết: “Trịnh Công sơn là một người du ca. Thế nào là người du ca? Người du ca là một nghệ sĩ đặc biệt đứng giữa âm nhạc và thi ca, đúng hơn, người du ca là một thi sĩ nhiều hơn một nhạc sĩ (…). Đó là một nghệ sĩ hơn tất cả các nghệ sĩ, thong dong như gió thoảng, thoát vượt ra ngoài mọi ước lệ thường tình của xã hội, ngao du từ thôn làng đến thị trấn, lang thang nơi cỏ hoa và trăng sao, len lỏi trong các tầng lớp quần chúng, trình diễn lấy những sáng tác của mình ở những sân khấu bất chợt, trong ngõ hẻm, ngoài phố chợ, nơi sân đình, giữa vòng vây của những đám đông được kết hợp bằng những đau khổ chung và những ước vọng chung”.

Trong tuyển tập nhạc của mình, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã bộc bạch với người yêu nhạc bằng thông điệp tình yêu: “Tình ca là những lời phủ dụ ngọt ngào của tình yêu như giòng suối róc rách từ thiên thu dành cho những đôi tình nhân của bao miên man thế hệ, như một kẻ đồng lõa cho sự tồn tại của nhân loại”.

Đối với những nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm âm nhạc, tuyển tập nhạc tác giả là tư liệu quý giá. Qua từng tuyển tập, người yêu nhạc biết được đầy đủ các bài hát, từng chủ đề và phong cách sáng tác của tác giả qua từng giai đoạn. Với hơn 10 tuyển tập được in trong giai đoạn 1966 – 1975, nhạc sĩ Phạm Duy đã kể lại những thăng trầm của một đời người, tác giả cùng người yêu nhạc dạo bước trên Con đường tình ta đi nhớ lại những Kỷ vật chúng ta, nghĩ về Tâm ca, mơ đến Đạo ca

Sau 1975, các nhà xuất bản văn nghệ gần như không xuất bản tuyển tập riêng của tác giả, mà thường xuất bản tuyển tập nhiều tác giả với hàng trăm ca khúc theo chủ đề riêng. Đầu thập niên 1990, các ca khúc tiền chiến được trở lại với người yêu nhạc từ hàng loạt nhà xuất bản. Lúc này, các tuyển tập in khổ A4 giấy đứng, hình bìa đơn thuần mang tính minh họa, sắp xếp ca khúc theo tên bài hát với thứ tự alphabet gần giống với quyển tự điển ca khúc!

Giữa thập niên 2000, Nhà xuất bản Thanh Niên kết hợp với Hội Âm nhạc Việt Nam, Chi nhánh phía Nam cho ra mắt bộ Âm nhạc Việt Nam xưa và nay, mỗi tập là 50 nhạc phẩm đặc sắc của các nhạc sĩ như: Thanh Sơn, Trần Quang Lộc, Vũ Đức Sao Biển, Quốc Dũng… Tuyển tập cũng in khổ A4 giấy đứng, vẫn sắp xếp ca khúc theo tên bài hát với thứ tự alphabet.

Cách đây vài năm, Công ty sách Phương Nam có xuất bản hai ấn phẩm Tình khúc Vũ Thành AnTừ giọng hát em gợi lại phong cách tuyển tập nhạc Sài Gòn xưa, với tranh bìa, phụ bản, lời giới thiệu và các ca khúc được sắp xếp theo chủ đề âm nhạc qua từng giai đoạn sáng tác của tác giả. 

Hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều nhà xuất bản cho ra đời những tuyển tập nhạc có giá trị nghệ thuật cao.

NGUỒN:  Theo Báo Người Đô Thị

Link bài:Tuyển tập…

https://nguoidothi.net.vn/tuyen-tap-nhac-sai-gon-vang-son-rot-lai-28803.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *