BS Võ Xuân Sơn/ Báo Tuổi Trẻ
—–
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành nghị quyết về việc mua vắc xin phòng COVID-19, chủ trương xã hội hóa các nguồn lực để người dân được tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả, nhanh chóng.
Một quỹ vắc xin phòng dịch cũng đã được thành lập. Đây là chủ trương đúng đắn, trên tinh thần kết hợp tấn công và phòng thủ trong phòng chống dịch.
Những diễn biến gần đây cho thấy các biện pháp 5K giúp giảm bớt tốc độ lây lan của dịch, nhưng hậu quả về kinh tế cũng rất nặng nề. Việc kết hợp 5K và vắc xin là xu hướng tất yếu, và là phương pháp duy nhất khả dĩ chống dịch hiệu quả trong thời điểm hiện nay, đã được nhiều nước áp dụng và bắt đầu cho thấy hiệu quả ở một số nơi.
Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn là một trong số những nước có tỉ lệ người dân được chích vắc xin thấp nhất trên thế giới. Một trong những những khó khăn để chúng ta có được vắc xin là nguồn lực về tài chính.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý sử dụng 12.100 tỉ đồng để mua vắc xin về chích cho nhân dân. Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Y tế, để có đủ vắc xin cho khoảng 75 triệu người Việt Nam (số lượng có thể tạo được miễn dịch cộng đồng), chúng ta cần khoảng 25.200 tỉ đồng.
Việc kết hợp nhiều nguồn lực, bao gồm cả công và tư, trong việc tạo nguồn vắc xin là giải pháp cần thiết để giải quyết hiệu quả và nhanh bài toán tài chính hiện nay.
Tuy nhiên, nếu chỉ có Chính phủ, các hội đoàn, các tập đoàn kinh tế và vận động người dân đóng góp vào quỹ thì thời gian để chúng ta có được miễn dịch cộng đồng có thể sẽ còn lâu, nhất là trong bối cảnh chúng ta muốn việc chích vắc xin phải là phi lợi nhuận và nhanh chóng.
Theo tôi, bên cạnh các giải pháp trên, còn có một cách vận động trực tiếp từ người dân tạm gọi là “vắc xin ứng trước”.
“Vắc xin ứng trước” là hình thức những người dân (hoặc tổ chức tư nhân) có khả năng tài chính tự chi trả cho việc chích vắc xin sẽ ứng trước tiền, giao cho một pháp nhân nào đó được Chính phủ bảo lãnh (thông qua ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng) để mua vắc xin chích cho mình và gia đình (hoặc cho tổ chức của mình), với loại vắc xin mà họ chọn.
Giá của vắc xin được tính toán bao gồm chi phí mua vắc xin, chi phí vận chuyển, bảo quản, tổ chức chích, bảo hiểm rủi ro… và có thể có một mức lời nhất định (Chính phủ có thể quy định mức trần lợi nhuận).
Pháp nhân được Chính phủ bảo lãnh có trách nhiệm đi mua vắc xin về và tổ chức chích vắc xin cho những người (hoặc tổ chức) đã ứng trước tiền mua.
Pháp nhân thực hiện có trách nhiệm mua vắc xin đúng chủng loại, bảo đảm chất lượng (còn hạn sử dụng đủ để tổ chức chích cho hết lượng nhập về, được bảo quản đúng theo quy định…), đúng tiến độ, bảo đảm chích đúng thời gian theo kế hoạch cam kết, và bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính.
Tôi tin là nếu thực hiện thêm phương án “vắc xin ứng trước” theo hình thức như tôi gợi mở trên đây, bài toán nguồn lực tài chính cho vắc xin sẽ được giải quyết nhanh hơn, cũng là một cách xã hội hóa hiệu quả.
Đa số người dân Việt Nam ý thức được tác dụng của vắc xin trong chống dịch COVID-19, nhu cầu về vắc xin ở Việt Nam rất lớn và nhu cầu được tự chi trả cho việc chích vắc xin là có thật và cũng hợp lẽ.
Dân muốn được tự chi trả cho việc tiêm vắc xin, được không?
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: “Vắc xin…”
https://tuoitre.vn/vac-xin-