Trong quan hệ, ứng xử giữa người với người. Trong mọi lứa tuổi, thành phần xã hội. Cảm giác sợ hãi đang lây lan. Hiệu ứng và những biến tướng của nó, là cảnh từng nhóm người kéo đến nhà đối tượng dâm ô để “dạy dỗ” như ở Đà Nẵng những ngày này. Cũng như hàng loạt cảnh “tự xử” của đám đông xa lạ, của “anh em xã hội” với những vụ việc mà họ cảm thấy bất bình.
Không phải ngẫu nhiên, tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu bên cạnh kinh tế, môi trường, thì cần khẩn trương tập trung xử lý “những vấn đề xã hội bức bối hiện nay”.
Đàn chó dữ xâu xé cho đến chết bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên, cũng không gì ngoài chuyện của con người. Không phải việc huấn luyện, quản lý chó, mà là chuyện dạy dỗ, quản lý, chế tài người. Trước hết là người chủ của đám chó hung tợn đó. Là cả trách nhiệm của những người có chức trách tại địa phương. Là phần nhân bản luôn được chủ ý đưa vào luật pháp mà trên thực tế không mấy ai coi trọng và thực thi. Là chuyện những đứa trẻ bị dâm ô, bạo hành, rồi chả mấy chốc chúng sẽ biến thành thủ phạm.
Cũng như chuyện hàng loạt vị La Hán bằng đá trắng nguyên khối ở chùa Khánh Long (Đông Anh, Hà Nội) bị chặt tay, bẻ chân, vặt tai. Đó không hẳn chỉ là tội lỗi của những kẻ bặm trợn, báng bổ thánh thần. Mà thử nhìn lại chính đám đông đang mải mê cầu cúng mà xem. Đám đông mê tín nhưng lại vô thần. Vì đa phần không có, không còn gốc rễ của tín ngưỡng tốt đẹp như vốn có. Mê tín, cầu cúng nhiều khi chỉ là những thương vụ, những “hợp đồng” ngắn hạn có sự mặc cả, bán mua với thánh thần. Dẫu chỉ diễn ra trong tâm thức từ một phía của những cá thể thực dụng.
Tôi thích cách ví von của tác giả bộ sách “Dạy con trong hoang mang” – Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, trong bài trả lời phỏng vấn mới đây trên Tiền Phong. Đó là “bạo lực học đường chỉ là đỉnh của núi băng”. Trong mắt vị chuyên gia tâm lý đang tham gia giáo dục đại học tại Mỹ ấy, thì bạo lực học đường cũng đang là vấn nạn tại Mỹ và thế giới văn minh.
Cái ác với trẻ nhỏ chỉ như đỉnh núi băng. Dễ nhìn thấy. Nhưng cái chính bên dưới, nền móng, gốc rễ sâu xa của nó chính là bố mẹ. Bố mẹ phải giải quyết những vấn đề của chính mình trước đã. Phải chữa lành những vết thương, đổ vỡ, bất mãn với công việc, đời sống và xã hội của chính mình. Thì mới có thể dạy dỗ, hướng đạo, cung cấp kỹ năng đúng đắn cho con cái.
Vấn đề xã hội, tôi nghĩ cũng như đỉnh băng ấy. Lạnh buốt. Đe dọa. Dễ tích tụ nhưng không khó để làm tan rã. Phá băng trước hết đừng để đóng băng, tê liệt ý thức, tê liệt luật pháp, công quyền cho tới quan hệ đồng loại.