Trần Quí Thanh
—–
Chào anh Trần Quí Thanh!
Cảm ơn anh đã trả lời trong bài viết hổm rồi, ngày 8/4. Được anh trả lời nên háo hức muốn trao đổi với anh thêm một vấn đề nữa. Tôi thấy chúng ta hô hào chào đón công nghiệp 4.0 nhưng không thấy ai hô hào xây dựng văn hoá doanh nghiệp để đón công nghiệp 4.0 cả. Nhiều doanh nghiệp hầu như không quan tâm đến văn hoá doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp còn không hiểu văn hoá doanh nghiệp là thế nào. (Không biết tôi nói vậy có quá đáng không?)
Vậy xin anh trao đổi về vấn đề này, anh Thanh nha.
Mong anh vui khoẻ hằng ngày
Hồ Hữu Ánh (Viêng Chăn): lilanglao_2011@gmail.com
—–
Bạn Hồ Hữu Ánh mến!
Văn hóa doanh nghiệp đã được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói đến từ lâu, có nhiều doanh nghiệp đưa ra mô hình riêng, áp dụng cho đơn vị của mình. Nhưng chất lượng của cái gọi là văn hóa doanh nghiệp lại là chuyện khác.
Ví dụ nhiều công ty sắm đồng phục, đưa ra các quy tắc ứng xử trong công ty và với bên ngoài. Họ luôn có thái độ lịch sự, hòa nhã và cho đó là văn hóa doanh nghiệp. Những thứ hình thức này cũng cần thiết, nhưng không làm nên văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp không phải là hình thức bên ngoài, mà là bản chất, là cái độc đáo, riêng biệt của doanh nghiệp. Cái khác biệt đó dù là gì, cũng dựa trên nền tảng của đạo đức kinh doanh, sự lương thiện, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Tui thực sự thích thú với quan điểm về văn hóa doanh nghiệp của ông Giản Tư Trung – Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE: “Văn hoá là thứ dùng để phân biệt giữa quản trị và cai trị, giữa lãnh đạo và cầm quyền; giữa doanh nhân, trọc phú và con buôn. Văn hoá là những gì còn lại sau khi đã mất hết tất cả, là những gì còn thiếu sau tất cả mọi thứ”.
Một doanh nghiệp cũng như một con người, có thể làm được việc này việc kia, có thể nhiều tiền, nhưng được xem là “có văn hóa” thì không dễ.
Viết đến đây tự dưng tui nhớ vụ tranh cãi về hai chữ “quý tộc” liên quan đến chuyện xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm. Nhiều người cho rằng, đi xe thật xịn, ăn mặc hàng hiệu là quý tộc. Họ không biết rằng, cái để làm nên sự quý tộc không phải là bộ đồ hay chiếc xe, mà tinh thần cao thượng, đẳng cấp và phẩm giá của mỗi cá nhân cùng với trách nhiệm và sự cống hiến cho xã hội.
Trong con người của một quý ông, cái tối thiểu phải có là niềm kiêu hãnh quý tộc. Chính vì thế mới có cuộc đấu súng của Puskin, Lermontov.
Trở lại muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chính người đứng đầu phải hiểu được về văn hóa doanh nghiệp và thực hiện đầu tiên. Từ chân dung văn hóa của người lãnh đạo, mới có thể lan tỏa, ảnh hưởng đến người khác.
Ví dụ, đạo đức kinh doanh là một trong những yếu tố làm nên văn hóa doanh nghiệp, nếu ông chủ chỉ cho nhân viên buôn gian bán lận thì mọi câu khẩu hiệu về “văn hóa doanh nghiệp” đều vô ích.
Ví dụ thứ hai, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường là yếu tố làm nên văn hóa doanh nghiệp, nhưng ông chủ cho nhân viên xả chất thải ra sông, ra suối, thì những hình thức ứng xử, áo quần đồng phục, câu nói đầu môi chót lưỡi tỏ vẻ lịch sự chẳng làm nên văn hóa doanh nghiệp được.
Văn hóa của doanh nghiệp gắn liền với chiến lược của doanh nghiệp, nó như hai mặt của một tờ giấy, không thể tách rời.
Văn hóa của Tân Hiệp Phát là sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao nhất, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, tôn trọng khách hàng, tôn trọng pháp luật, đóng thuế đúng quy định, chăm lo tốt cho người lao động, góp phần làm từ thiện xã hội, đưa thương hiệu Việt ra với thế giới. Đó là văn hóa và cũng là chiến lược.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)