Văn hóa doanh nghiệp: Sức mạnh vượt qua khủng hoảng

Thảo Minh/ Báo DNSG


—–
Từ khi dịch Covid-19 xảy ra cho đến nay, nhiều bạn trẻ “chat” với tui, hỏi về các giải pháp để vượt qua khó khăn. Tui đã chia sẻ nhiều cách, như cơ cấu lại nhân sự, tổ chức lại hệ thống quản trị, khai thác công nghệ để làm việc trực tuyến, tiết kiệm chi phí…

Nhưng có một điều cốt lõi khác, đó là văn hoá doanh nghiệp.

Mỗi cá nhân có văn hoá, luôn biết ứng xử phù hợp trước mọi tình huống khó khăn trong cuộc sống, ít nhất là giữ sự bình tĩnh, chấp nhận được gian khổ để vượt qua.

Gia đình có văn hoá là bệ đỡ để tồn tại trong xã hội, trong cộng đồng. Những tác động tiêu cực, những cái xấu, cái ác không ảnh hưởng đến một gia đình có văn hoá, bởi vì công sự để bảo vệ họ chính là văn hoá.

Một công ty, một tổ chức cũng vậy, khi đã xây dựng được văn hoá doanh nghiệp, thì chính giá trị này là nền tảng để phát triển, là công sự để bảo vệ doanh nghiệp khi có khủng hoảng và các tác động tiêu cực khác.

Sự đoàn kết là một tiêu chí của văn hoá doanh nghiệp, thì khi khủng hoảng xảy ra, nó sẽ phát huy tác dụng. Mọi người đồng cam cộng khổ, yêu thương nhau, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự tồn tại của doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp không xây dựng được các giá trị văn hoá, thì khi khủng hoảng xảy ra, mọi người hoảng loạn, mạnh ai nấy sống, không biết chia sẻ, không hành động vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, văn hoá không hình thành trong một vài ngày, trong một chiến dịch, mà được trồng cấy, nuôi dưỡng dài lâu, bền bỉ.

Trần Quí Thanh
—–

Sự thay đổi “bất ngờ” trong đại dịch Covid-19 cũng chính là thời điểm để doanh nghiệp (DN) củng cố nội lực, chung tay cùng nhân viên củng cố những giá trị cốt lõi và xây dựng văn hóa DN vững mạnh. Vậy làm thế nào để xây dựng VHDN như một nền tảng vững chắc và hiện diện trong mỗi quyết định, giao tiếp của mỗi nhân viên?


Chia sẻ tại buổi webinar “Văn hóa DN – Sức mạnh để vượt qua mọi khủng hoảng” do Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) tổ chức, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ cho rằng, văn hóa DN là nền tảng của sự phát triển bền vững. Qua thời gian, có những thứ sẽ mất đi nhưng văn hóa DN sẽ là cái còn mãi và định hình giá trị một con người và tổ chức.

Theo Chủ tịch PNJ: “Văn hóa là cái còn lại sau khi mất đi tất cả. Tại PNJ, ngay từ những ngày đầu thành lập công ty, chúng tôi đã hướng việc xây dựng PNJ như xây dựng “một gia đình có văn hóa” với những quy ước làm việc riêng, với tầm nhìn sứ mệnh riêng cùng những hệ giá trị được định hình, phát triển và bồi đắp qua từng cột mốc phát triển. “Văn hóa DN phải bắt đầu từ chính người sáng lập và nó là thứ không rao giảng, là thứ phải lấy ra từ trong tâm của mình”, bà nhấn mạnh.

Chia sẻ bí quyết quản trị trong khủng hoảng, bà Marian – Phó tổng giám đốc Cấp cao của Tập đoàn Philip Morris International (PMI) cũng cho biết: “Nhờ có nỗ lực của đội ngũ nhân viên trên khắp thế giới – những con người đang cần mẫn làm việc tại các nhà máy, phòng thí nghiệm, ngoài thị trường và làm việc từ xa, công việc kinh doanh của chúng tôi vẫn tiếp diễn như bình thường, mặc dù chúng tôi đang đối diện với một hoàn cảnh chưa từng thấy. Chúng tôi rất vui khi nhìn thấy tinh thần cống hiến, đoàn kết và tận tụy hết lòng của đội ngũ nhân viên 73.000 người đang làm việc trên khắp thế giới và đó chính là văn hóa DN của PMI”.

DN chuyển đổi thế nào trước khủng hoảng Covid-19?

Theo ông Phạm Duy Hiếu – Ủy viên Ủy Ban nhân sự Ngân hàng ABBank: “Người đứng đầu DN phải hiểu rằng, thế giới thay đổi từng giây từng phút và DN buộc phải chọn sự linh hoạt để thích nghi và tồn tại”.

“Trật tự mới đã vẽ nên bức tranh mới và tư duy quản trị buộc phải khác đi. Khi DN đối diện khủng hoảng, việc đầu tiên là cần bình tĩnh nhìn nhận sự thật trong khủng hoảng, tự tin vào ưu thế mình có và tận dụng chính cơ hội này để học hỏi những điều mới”, bà Dung tiếp.

Khi hệ thống hơn 350 cửa hàng PNJ phải đóng cửa theo chỉ thị giãn cách toàn xã hội, chính đội ngũ quản lý của PNJ đã đề nghị giảm lương 50% để tiết kiệm chi phí, nhiều nhân viên tình nguyện đi làm một số ngày trong tháng không nhận lương. Đội ngũ PNJ, từ lãnh đạo đến nhân viên buộc phải “xé bỏ” các kế hoạch hành động đã vạch ra trước đó để linh hoạt, sáng tạo xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động mới phù hợp với tình hình thực tế cũng như tại thời điểm dịch bệnh qua đi. Cũng trong đại dịch Covid-19, các giá trị văn hóa của PNJ đã được phát huy một cách rõ nét, đó chính là chính trực – trách nhiệm – chất lượng – đổi mới và đặc biệt là giá trị gắn kết.

Trong khi đó, bà Marian lại đưa ra nguyên tắc 4C: compassion – đồng cảm, camaraderie – đoàn kết, civility – văn minh và community – cộng đồng. Bà nói: “Thật lý thú khi chúng ta được chứng kiến những phương thức phản ứng rất hay, rất nhanh chóng của nhiều DN trước tình hình bình thường mới. Khả năng xoay chuyển cục diện, tái cơ cấu, tái điều chỉnh tư duy là yếu tố vô cùng quan trọng. Chúng ta đã thấy nhiều tổ chức thể hiện được sức mạnh thích ứng linh hoạt tuyệt vời trong giai đoạn nhà nhà đóng chặt cửa vì đại dịch, và họ sẽ cho chúng ta rất nhiều bài học quý báu”.

Đại dịch cũng giúp mọi người cố gắng dành nhiều thì giờ với nhau, đoàn kết, đồng cảm và mọi hoạt động, nhất là hoạt động kinh doanh đều mang tính cộng đồng. Trước đây, mạng xã hội vẫn thường bị xem là thế giới ảo, một phiên bản có giá trị đạo đức thấp kém hơn so với “đời thật” thì nay quan điểm đó đã định hình lại. Công nghệ số đã trở thành thế giới thiết yếu. Nhiều người sẵn lòng làm việc từ xa bằng phương tiện trực tuyến và điều này sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Lượng người giao dịch, làm ăn trực tuyến cũng sẽ nhiều lên so với trước kia, nhiều người bắt đầu có thói quen đặt lịch khám bệnh trực tuyến, sử dụng các liệu pháp trực tuyến, sắp đặt công việc chẳng hạn như khai thuế – trực tuyến nhiều hơn.

Chia sẻ về câu chuyện xây dựng văn hóa DN trong thời đại công nghệ 4.0, bà Dung hé lộ, PNJ đang xây dựng văn hóa DN để nhân viên tự tin bước vào thời đại số hóa. Cứ 5 năm, PNJ lại mời công ty tư vấn vào tham mưu, đánh giá lại nguồn nhân lực để nắm rõ thị trường nhân sự đang ở đâu, cần làm gì để phát triển mạnh mẽ hơn.

Sức nóng của ngày hội văn hóa – một trong những biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp

Trong xây dựng văn hóa DN, việc truyền cảm hứng rất quan trọng

Theo ông Hiếu: “Xây dựng văn hóa DN là một quá trình lâu dài mà người lãnh đạo phải là người dẫn dắt. Trong đó, người lãnh đạo cần làm gương, cần nhất quán chuyển tải các giá trị văn hóa trong từng lời nói, hành động của chính mình để đội ngũ học tập, noi theo.

Ông Hiếu đưa ra 4 cấp độ. Cấp độ đầu tiên là phải “biết”, nghĩa là làm cho nhân viên biết được ý nghĩa của những giá trị cốt lõi này, để họ khao khát, hướng tới. Thứ hai là “làm”, nghĩa là phải động viên, khích lệ họ cùng làm với mình. Thứ ba là “hiện thân”, nghĩa là làm sao để mỗi người nhìn thấy mình trong những giá trị đó và cuối cùng là “tất cả mọi người cùng sống với những giá trị này”. Theo ông Hiếu, việc xây dựng văn hóa DN phải có sự tập trung hết mình, người lãnh đạo phải là người truyền cảm hứng. Khi người lãnh đạo và đội ngũ nhân viên làm vì lý tưởng, đam mê chứ không phải vì nhiệm vụ, làm với một tinh thần “tự nguyện” sẽ tạo ra sức mạnh đặc biệt cho DN.

Bà Marian cũng đưa ra tấm gương Tổng giám đốc của Tập đoàn Marriot International – ông Arne Sorenson. “Hồi giữa tháng 3 khi dịch bệnh xảy ra, vị Tổng giám đốc này đã tuyên bố không nhận lương, nhưng đây chưa phải là lý do chính khiến ông được tôn trọng vì thực tế ông không phải là lãnh đạo DN duy nhất ra quyết định này. Điểm mấu chốt chính là tinh thần ông mang đến cho đội ngũ nhân viên khi tâm tình chia sẻ cùng họ. Ông cương trực, thẳng thắn và lạc quan tích cực, đó là những phẩm chất vô cùng cần thiết cho giai đoạn này”, bà nói.

Đồng tình ý kiến xây dựng văn hóa DN thì bước truyền cảm hứng đến đội ngũ nhân viên vô cùng quan trọng, Chủ tịch PNJ đúc kết: “Chính người lãnh đạo phải là người đại diện mạnh mẽ nhất cho những giá trị văn hóa DN. Đó cũng là cách hữu hiệu để người lãnh đạo truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân viên”.

Ở góc nhìn khác, bà Marian cho biết thêm, trong một đội ngũ, văn hóa DN còn thể hiện ở sự bình đẳng giới. Tại PMI, chúng tôi luôn công nhận tầm quan trọng của bình đẳng giới. Tạo ra một tổ chức bình đẳng giới đồng nghĩa với việc đặt một viên gạch nền móng để xây nên một môi trường làm việc cởi mở hơn, thân thiện hơn, sẵn sàng chấp nhận mọi khác biệt dù là lớn nhất. Một môi trường DN mà mọi người cảm thấy gần gũi như gia đình, nơi tiếng nói của họ được lắng nghe, nơi thành quả làm việc của họ được tôn trọng, nơi họ được hỗ trợ hết mình để cống hiến điều tốt nhất và vươn đến khai phá tiềm năng một cách trọn vẹn thì nơi đó sẽ có sức mạnh DN vượt qua mọi thách thức và đối thủ.

NGUỒN:  Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn

Link bài:Văn hoá…

(https://doanhnhansaigon.vn/ky-nang/van-hoa-doanh-nghiep-suc-manh-vuot-qua-khung-hoang-1099062.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *