Về Cà Mau bằng đường cao tốc

Mậu Trường/ Báo Tuổi Trẻ

 
—–

Thông tin về việc sắp triển khai dự án đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau làm nức lòng người dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án này hoàn thành, sẽ có tuyến cao tốc dài 365km từ TP.HCM đi Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đến Cà Mau.

Đây là mơ ước bao đời của người dân miền Tây như đã từng mơ có những cây cầu bắc qua sông Tiền, sông Hậu. Giấc mơ về những cây cầu cha ông ôm ấp thời khai khẩn nay đã trở thành hiện thực, giấc mơ về một con đường cao tốc từ Sài Gòn về Cà Mau cũng không còn là chuyện xa vời.

Còn nhớ, tại diễn đàn Quốc hội tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra con số, 3 năm qua, một tỉnh Vân Nam hay Quảng Tây – Trung Quốc trung bình làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400km. Hiện vẫn còn hơn 1.300km đường cao tốc chưa làm.

Và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói dứt khoát: “Đất nước hôm nay không còn phải thế này nữa, đi từ Vinh 300km ra đây 6 tiếng đồng hồ làm sao có giá thành cạnh tranh, làm sao hội nhập? Phải nhìn từ yêu cầu đất nước, phải thay đổi và từ cốt lõi của nền kinh tế, nên cần phải làm, làm sớm và không còn lý do gì để chậm trễ nữa, đừng bàn chủ trương gì nữa. Chủ trương đã có, quy hoạch có, tiền cũng không vấn đề gì”.

Chiều dài từ Sài Gòn đi Cà Mau cũng tương đương, và thời gian cũng kéo dài như vậy, hàng hóa mất sức cạnh tranh vì “đường đi”.

Tại hội nghị “Cắt giảm chi phí logistics – Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt” vừa diễn ra, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú cho biết, chi phí chuyển 1 container tôm từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội tốn gấp đôi sang Mỹ.

Vậy thì từ Cà Mau ra Hà Nội là bao nhiêu?

Trần Quí Thanh

 

—–

Nếu ví hạ tầng giao thông như một bộ khung xương của cơ thể thì tuyến quốc lộ 1 đang được xem như xương sống của 13 tỉnh ĐBSCL.

Chỉ có điều, với bộ xương nhỏ hẹp, thậm chí rệu rã, không đủ gánh tải cho cả một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng kinh tế nên đất chín rồng mãi không cất cánh nổi.

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các địa phương, đơn vị liên quan đến dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận ngày 1-8 đã mở ra hi vọng cho hơn 20 triệu người dân miền Tây: sẽ có tuyến cao tốc dài 365km từ TP.HCM đi Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đến Cà Mau trong tương lai.

Về dự án nối dài tuyến cao tốc từ Cần Thơ đi Cà Mau, theo Bộ GTVT: “Với đoạn Cần Thơ – Cà Mau, Bộ GTVT đang xây dựng dự án để xin chủ trương đầu tư và sớm nhất. Bộ GTVT sẽ trình dự án này, nếu Quốc hội đồng ý và bố trí vốn, tương lai cao tốc Cần Thơ – Cà Mau sẽ sớm hoàn thành để cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau được liền mạch”.

Trước đó, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đã làm việc với một số địa phương về phương án hướng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Theo đó, tuyến cao tốc này nếu thực hiện sẽ có vốn 47.000 tỉ đồng (giai đoạn một hơn 24.000 tỉ). Toàn tuyến xây dựng 112 cầu, 8 cầu vượt, 8 nút giao.

Còn trên thực tế, đã có những điểm sáng cho hệ thống giao thông ở ĐBSCL. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các đơn vị cung cấp vốn đã giải ngân trên 3.500 tỉ đồng vào dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Từ đó đã thúc đẩy tiến độ thi công nhanh đến mức trong vài tháng, khối lượng công việc gấp nhiều lần so với 10 năm trước đó.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được đầu tư bằng vốn công, dự kiến tháng 12-2020 khởi công một số gói thầu đầu tiên. Bộ GTVT tin rằng đến năm 2022 sẽ xong được đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT triển khai cầu Mỹ Thuận 2 sớm nhất vì đã có tiền… Mục tiêu rất cụ thể, đưa tuyến Cần Thơ – Cà Mau vào kế hoạch năm 2021 – 2025 để 365km từ TP.HCM – Cà Mau được kết nối đồng bộ.

Giữa những thông tin ảm đạm khi kinh tế tăng trưởng chậm lại do COVID-19, đặc biệt miền Tây còn bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn khốc liệt khiến một số tỉnh có tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2020, tin về dự án kéo dài tuyến cao tốc đến Cà Mau ít nhiều làm người dân phấn chấn. Họ bàn thảo về viễn cảnh đi Cà Mau bằng đường cao tốc, rằng ĐBSCL cần một hạ tầng đủ mạnh để cất cánh đưa kinh tế đi lên.

Dẫu biết để làm công trình có quy mô lớn như vậy cần rất nhiều tiền, điều đó đang được cân đo đong đếm trong giai đoạn hiện nay. Nhưng hơn 20 triệu người dân miền Tây vẫn tin rằng, dùng đồng tiền chắt chiu đầu tư đúng chỗ sẽ là động lực rất lớn cho người dân vùng sông nước trong tương lai. Đồng thời, việc xây dựng cao tốc này cũng góp phần giảm áp lực giao thông cho các đường hiện hữu như quốc lộ 1, Quản Lộ – Phụng Hiệp, đáp ứng yêu cầu an ninh quốc phòng…

Về Cà Mau bằng đường cao tốc, dù mới là kế hoạch nhưng là tin vui giữa rừng tin COVID-19 u ám.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Về Cà Mau…

(https://tuoitre.vn/ve-ca-mau-bang-duong-cao-toc-20200803083155464.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *