Startup Việt Nam và IPO: Hãy cứ mơ

Minh Tâm/ Báo TBKTSG

Các startup tại Việt Nam, vốn đa phần đang lỗ, không đáp ứng về điều kiện phải có lãi các năm liên tục trước khi IPO. Ảnh: Minh Tâm

—–

Không giống như các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) ở các nước châu Âu hay Mỹ, việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hay niêm yết trên sàn chứng khoán của các startup ở Việt Nam là gần như không thể bởi những ràng buộc về pháp lý. Nhưng, theo các chuyên gia, hãy cứ mơ giấc mơ này để luôn sẵn sàng khi cơ hội đến.

Giấc mơ trưa

“Giấc mơ IPO với các startup ở Việt Nam khó lắm. Vì đều đang lỗ. Như ông Tiki đó, một startup công nghệ, được bao nhiêu quỹ đổ tiền vào nhưng chắc chắn không thể IPO. Vì có muốn lên thì Nhà nước cũng không cho, lên được rồi thì cũng không ai mua cổ phiếu… Ra đại chúng càng khó nữa, vì cổ đông họ không chịu được những điểm khuyết. Ba năm nữa vẫn chưa thể có gương mặt startup nào của Việt Nam IPO được”, ông Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập của BizUni, cũng là người đồng sáng lập nhóm Quản trị và Khởi nghiệp, bày tỏ quan điểm tại một hội thảo diễn ra mới đây.

Ông Chánh phân tích, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu phải đáp ứng hàng loạt điều kiện về vốn chủ sở hữu, về có lãi các năm liên tiếp gần nhất, không lỗ lũy kế… Với doanh nghiệp lên sàn, tiêu chuẩn còn khó hơn. Nguyên nhân là vì Nhà nước đang bảo vệ người dân, đảm bảo nhà đầu tư không mua phải “đồ rởm” trong bối cảnh kiến thức tài chính còn hạn chế, chưa hiểu hết về rủi ro, triển vọng khi đầu tư… Đây cũng là điểm chung của nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á khác và là lý do khiến tỷ lệ IPO của các doanh nghiệp nói chung còn rất thấp.

“Các startup có ai làm được. Các bạn đều đang chạy chợ từng bữa thì làm sao đáp ứng được”, ông Chánh nói.

Ông Lê Hoài Ân, Trưởng phòng phân tích Merlin Capital, cho biết tại Việt Nam tỷ lệ huy động vốn qua sàn chứng khoán rất thấp. Như trong cả năm 2019, có 1.674 công ty trên sàn huy động được 93.000 tỉ đồng nhưng 80% số này là đổ vào mười công ty lớn. Vì vậy, cần xác định mục tiêu IPO, lên sàn là huy động vốn hay là gì. Nếu đang tiếp cận được vốn ngân hàng thì cứ tiếp tục, thay vì lên sàn.

Thêm vào đó, theo ông Ân, cơ hội thu hút nhà đầu tư đại chúng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngành nghề của doanh nghiệp. Những ngành sản xuất như nhựa, bao bì… rất khó lên sàn. Nếu có thì cũng khó huy động vốn. “Muốn IPO thì phải có mô hình kinh doanh phù hợp, tức là hoạt động ở những ngành mà nhà đầu tư dễ quan tâm”, ông Ân nói.

Bà Nguyễn Hồng Mai, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Tâm Anh, nhận định, con đường IPO với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khó, với các startup lại còn khó hơn. Theo quan điểm của bà, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp khi IPO không phải là các yêu cầu về vốn, về tỷ suất lợi nhuận mà là sự sẵn sàng để minh bạch công ty cũng như những nguy cơ khi minh bạch. “Lúc này, sẽ có rất nhiều bên nhìn ngó mình. Sẽ có những thông tin chính thức và cả những thông tin đồn thổi, truyền miệng và gây ảnh hưởng, có thể làm doanh nghiệp mình điêu đứng”, bà Mai cảnh báo.

Đặt mục tiêu IPO để ra “biển lớn”, giống như treo một miếng mỡ trước miệng mèo, đã giúp ông Tống luôn theo đuổi và không từ bỏ giấc mơ, vượt qua các khó khăn.

 

Mơ để luôn sẵn sàng

Thách thức, khó khăn, nhưng các chuyên gia cho rằng các startup hãy cứ mơ giấc mơ IPO, niêm yết trên sàn chứng khoán. Bởi đó cũng là một cách để doanh nghiệp có động lực phát triển.

Ông Nguyễn Ảnh Nhược Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Yeah1, cho rằng IPO là một quá trình kiên trì chiến đấu, là cuộc chơi phức tạp. Bản thân Yeah1 đã có 12 năm chuẩn bị cho việc trở thành công ty đại chúng và có định hướng ngay từ ngày đầu thành lập, tốn rất nhiều công sức, tiền bạc… Và khi doanh nghiệp đã lên sàn được rồi thì gặp rất nhiều thách thức, từ việc không thể thể hiện cảm xúc cá nhân công khai đến phải trả lời cổ đông về các vấn đề.

Với các startup và doanh nghiệp nhỏ, theo ông Tống, IPO là giấc mơ khó nhưng cứ nên mơ. Từ trải nghiệm của mình, ông thấy khi mơ giấc mơ IPO, doanh nghiệp có tiêu chuẩn vận hành và có động lực để phát triển. Và muốn bán được hàng, là cổ phần, cổ phiếu cho nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng, doanh nghiệp không chỉ phải là số một trong lĩnh vực đang hoạt động mà còn phải giỏi về bán hàng, hiểu về người mua. “Cơ bản là phải làm tốt. Trước khi tốt thì phải tự tin. Không tự tin thì không bán hàng được”, ông Tống nói.

Bên cạnh đó, đặt mục tiêu IPO để ra “biển lớn”, giống như treo một miếng mỡ trước miệng mèo, đã giúp ông Tống luôn theo đuổi và không từ bỏ giấc mơ, vượt qua các khó khăn. Vì vậy, bí quyết là các doanh nghiệp nên “treo” một mục tiêu lớn, giá trị lớn để nhìn vào và tiến lên.

Ông Chánh nhìn nhận, các startup, với đầy rẫy những khó khăn phải đối mặt hàng ngày, muốn IPO thì “phải đạp lên gai mà đi”. Nhưng, “cứ đi thì sẽ có đường”. 

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Startup Việt…

(https://www.thesaigontimes.vn/306473/startup-viet-nam-va-ipo-hay-cu-mo-.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *