Phương Hậu/ Phụ nữ Tp HCM
—–
Gần đây xuất hiện nhiều vụ án hình sự mà kẻ thủ ác là trẻ em. Với tui, những dòng tin này thật sự làm mình đau lòng, và luôn suy nghĩ rằng chính các cháu có hành vi phạm tội cũng là nạn nhân.
Nếu có tổng hợp, thống kê, phân tích các vụ án hình sự ở lứa tuổi vị thành niên, chắc chắn sẽ cho thấy những đứa trẻ có hành vi phạm tội đều có hoàn cảnh đặc biệt, bị thiếu thốn tình cảm gia đình và sự dạy dỗ so với những đứa trẻ bình thường khác.
Những đứa trẻ vì hoàn cảnh nào đó phải xa cha mẹ, mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ thường bị mất mát, bị tổn thương. Có những đứa trẻ cha mẹ ly hôn, sống thiếu sự chăm sóc về tinh thần.
Và còn nữa, nhiều đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khổ, cha uống rượu say sưa, đánh đập vợ con…Có những đứa trẻ mẹ bỏ ra đi, để con lại cho ông bà, người thân chăm sóc, đói khát tình thương.
Có nhiều đứa trẻ lớn lên trong tiếng chửi bới, trong những tiếng nói đầy thù hận, độc ác. Các cháu có thể trưởng thành sao được về nhân cách trong một môi trường như thế.
Vậy thì, trẻ em có hành vi bạo lực là nạn nhân của chính một môi trường, hoàn cảnh mà cháu sinh ra hoặc hoàn cảnh mà các cháu gặp phải.
Khổng Phu Tử nói “Nhân chi sơ tính bổn thiện” rất chí lý, cho nên hãy vun đắp tính thiện trong một con người ngay từ khi còn là búp trên cành, để sau này đứa trẻ đó trở thành công dân hữu ích, không phải là một tội phạm.
Trần Quí Thanh
—–
Thằng bé 10 tuổi, đứng thấp hơn cả cây súng mà nó dùng để xả cơn phẫn uất, khiến 3 người trong một gia đình phải cấp cứu. Đó là đứa bé có cuộc đời không bình thường, mỗi ngày điều cậu nhận được chỉ là đói, rét, bẩn thỉu.
Nhiều người bàng hoàng khi cơ quan điều tra thông tin thủ phạm xả súng khiến 3 người của một gia đình ở Gia Lai là cậu bé Đinh Th., 10 tuổi.
Bàng hoàng hơn nữa, gia đình mà cậu bé chĩa súng vào, là gia đình chị gái ruột. Cậu bé hay trộm vặt nên bị người chị la mắng, khi trộm được cây súng tự chế của một người trong vùng, cậu nhớ đến những lần la mắng ấy, vác súng đến lán của chị gái, bóp cò…
Diễn biến đó, cùng hậu quả nghiêm trọng khiến nhiều người lo ngại. Có người sợ hãi hình dung về mầm mống của những thể tội phạm nguy hiểm hơn: “Mới 10 tuổi đầu mà đã thế, sau này sẽ là hiểm họa kinh hoàng của xã hội”; có người khác ca thán về giáo dục gia đình, khiến đứa trẻ lý ra phải như tờ giấy trắng, giờ lại nhuốm tội ác…
Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bỏ đi lấy chồng, Đinh Th. sống lang thang tại xã Đăk Kơ Ning, Kông Chro. Ai thuê gì làm nấy, cho gì ăn nấy, cậu thường xuyên bị đói nên cũng thường xuyên ăn cắp vặt. Sự dạy dỗ mà cậu nhận được, nếu gọi đó là dạy dỗ, là lời la mắng của chị gái về hành vi ăn cắp cùng hình phạt… không cho cậu ăn khi cậu đói quá mà đến rẫy tìm chị.
Hành động phạm tội của Đinh Th. có khi chỉ bộc phát từ sự phẫn uất trẻ con, nhưng sâu xa lại là hệ quả lâu dài của hoàn cảnh, khởi nguồn từ việc một đứa trẻ bị ném vào đời không chút tình thương, không một sự chở che, không gia đình cũng chẳng một chỗ ngủ…
Đứa trẻ đó có thể làm gì với cuộc đời nó? Lêu lổng và hư đốn, lớn lên như cỏ dại, thậm chí nó chẳng thể biết nên tồn tại ra sao và nhân cách nào mới là hợp lẽ. Nó mới chỉ bằng một đứa trẻ lớp 3, mà nếu ở thành phố có khi còn được cha mẹ đút từng muỗng cơm, hối từng giấc ngủ…
Hình ảnh “tên tội phạm” thấp bé đen đúa, bẩn thỉu, chiều cao chưa bằng hung khí gây án là cây súng (khi được đưa về đồn công an, cột trên cây súng ấy là chiếc túi “hành lý” của Đinh Th. – cũng bẩn thỉu như cậu), là một hình ảnh đắt giá và phác họa được gần hết cuộc đời “sát thủ tí hon”.
Nó khác hoàn toàn với những tội phạm nhí, vị thành niên càng ngày xuất hiện nhiều do bất mãn gia đình, do hậu quả của game hay ma tuý mà lao vào vòng xoáy tội ác. Đinh Th. không ăn cắp vì bị bạn bè rủ rê, cũng không phạm tội vì ham chơi… Cậu bé hành xử theo bản năng của một đứa trẻ: không cho ăn thì tức giận, và có cơ hội thì xả giận. Nếu nhìn lại 10 năm có mặt trên đời, cậu bé ấy hoàn toàn không có cơ hội sống khác, mỗi ngày cuộc đời cho cậu chỉ là đói, rét, bẩn thỉu…
Trong các phiên tòa của bị cáo tuổi vị thành niên, nhiều người mẹ ngã quỵ bởi nỗi đau “con hư tại mẹ”. Với họ, ngày những đứa con tra tay vào còng là ngày đen tối nhất cuộc đời. Tại các phiên tòa ấy, cùng với mức án là lời khuyên từ chủ tọa “ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó”, sau khi học tập cải tạo hãy làm lại cuộc đời với sự hỗ trợ của gia đình…
Còn với Đinh Th., những khoảnh khắc cậu đối diện với pháp lý, không có một ai bên cạnh. Nếu Đinh Th. có một gia đình đúng nghĩa gia đình; một người mẹ, người chị đúng nghĩa là mẹ, là chị… cậu đã không có một hành trình nhọc nhằn tiến tới hành vi “xâm hại đến quyền sống của người khác”…
Chúng ta đã có những điều luật cụ thể về trách nhiệm của người giám hộ, của hệ thống quản lý xã hội, của các cơ sở bảo trợ trẻ em… Nếu xã hội được vận hành đúng như quy tắc, đã không có một đứa trẻ vất vưởng, đói khát hết ngày này sang ngày khác. Theo quy định, chính quyền các cấp nơi có trẻ em đi lang thang có nhiệm vụ tổ chức, giúp đỡ đưa trẻ em trở về với gia đình; đối với trẻ em lang thang mà không còn nơi nương tựa thì được tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em lang thang được sống trong môi trường an toàn, không rơi vào tệ nạn xã hội…
Có thể em Đinh Th. không thuộc diện trẻ lang thang để áp dụng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vì em còn người thân là chị. Nhưng có một thực tế em đã là trẻ lang thang, phải đi tìm miếng ăn mỗi ngày và rất nhiều bữa đói. Vậy làm sao có thể nói người lớn chúng ta vô can?
Với bất cứ xã hội nào, tội phạm trẻ em vẫn luôn gây nhức nhối. Và trường hợp Đinh Th., khó mà trả lời được câu hỏi mai kia đứa trẻ đó sẽ ra sao, cũng giống như không ai trả lời được vì sao cậu phải chịu một cuộc đời như 10 năm đã từng…
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Vì sao…
https://www.phunuonline.com.