Vì sao người Nhật ngày càng phải tăng ca nhiều hơn

Thiên Nhi / Zingnews


Người lao động ở xứ Phù Tang làm thêm trung bình 22,2 giờ hàng tháng vào năm 2022, tăng 1,4 giờ so với năm trước đó.

Người lao động ở Nhật thường được bắt gặp ngủ gật ở ghế đá, trên tàu điện ngầm, thậm chí là vỉa hè. Ảnh: AP.

Một cuộc khảo sát với 15.000 người lao động, được thực hiện bởi nhà cung cấp dịch vụ nhân sự Persol Career, cho thấy vào năm 2022, những người được hỏi làm thêm trung bình 22,2 giờ mỗi tháng. Đây là mức tăng 1,4 giờ so với 20,8 giờ trong cuộc khảo sát năm 2021.

Vào năm 2022, có động thái hướng tới việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19 đối với môi trường làm việc như giảm thời gian làm việc từ xa, dẫn đến tăng thời gian làm thêm giờ, theo Nippon.

Theo nghề nghiệp, thư ký và lễ tân có thời gian làm thêm giờ trung bình thấp nhất là 10 giờ, tương tự người làm các công việc liên quan đến làm đẹp (10,4 giờ) và trợ lý hành chính bán hàng (11 giờ).

Nhìn chung, các công việc có thời gian làm thêm giờ trung bình ít nhất là các vị trí trợ lý.

Những nghề có số giờ làm thêm cao nhất là nhà sản xuất trực tuyến và tư vấn kinh doanh (37,1 giờ).

Đáng chú ý, thời gian làm thêm trung bình của nhà tư vấn kinh doanh tăng 10,1 giờ so với kết quả khảo sát năm 2021. Nhu cầu được cho là đang tăng lên vì đại dịch dẫn đến việc nhiều công ty số hóa hoạt động kinh doanh của họ.

Ngoài ra, còn có sự gia tăng hàng năm là 12 giờ làm thêm đối với các nhà phát triển hàng hóa và dịch vụ, đẩy nghề nghiệp này từ bên ngoài bảng xếp hạng lên vị trí thứ 4 về số giờ làm thêm nhiều nhất. Sự gia tăng này do nhu cầu đối với các dự án phát triển có thể mang lại giá trị gia tăng cao và sự khác biệt mang tính cạnh tranh cho phong cách sống mới.

Lam them gio anh 1
“Karoshi” là hiện tượng người chết do làm việc quá sức ở Nhật Bản. Ảnh: Flickr.

Đối với những công việc sáng tạo, người ở độ tuổi 30-39 làm thêm trung bình 32,5 giờ, người ở độ tuổi 20-29 là 30,9 giờ.

Đối với các công việc liên quan đến kiến trúc và kỹ sư dân dụng, người ở độ tuổi 30-39 làm thêm 31,1 giờ.

Những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo (bao gồm người sáng tạo trò chơi, nhà xuất bản và nhà sản xuất trực tuyến) chứng kiến sự gia tăng tổng thể về số giờ làm thêm do sự chuyển đổi dần sang một xã hội trực tuyến song song với đại dịch.

Cuộc khảo sát được tổ chức trực tuyến vào tháng 8/2022 và dựa trên thông tin từ cơ sở dữ liệu của công ty nghiên cứu.

Văn hóa làm việc của Nhật Bản nổi tiếng với những giờ làm việc cực đoan và mệt mỏi. Nó bao gồm những ý tưởng cổ hủ như ở lại văn phòng cho đến khi sếp rời đi hoặc làm việc nhiều giờ là dấu hiệu của lòng trung thành với công ty.

Được người dân xứ Phù Tang gọi là “karoshi”, hiện tượng người chết do làm việc quá sức đã thu hút sự chú ý của cả nước, đến nỗi chính phủ Nhật Bản buộc phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Năm 2018, các nhà hoạch định chính sách thông qua dự luật sửa đổi luật Lao động nhằm cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ví dụ như giới hạn thời gian làm thêm là 45 giờ/tháng. Tuy nhiên, với việc nhiều công ty lớn vi phạm hướng dẫn và báo cáo thời gian làm việc thấp hơn, các nhà hoạt động lao động và luật sư lo ngại rằng tình hình ít có sự cải thiện.

Mặc dù Nhật Bản giới hạn thời gian làm thêm là 45 giờ/tháng cho một nhân viên, các công ty thường phá vỡ nguyên tắc. Tháng 8/2021, các nhà chức trách Nhật Bản đã khảo sát 24.042 công ty và phát hiện 37% có nhân viên làm việc vượt quá giới hạn.

Những giờ làm việc kéo dài gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, trong năm 2019, cứ 10 vụ tự tử thì gần một người có lý do liên quan đến công việc.

Nguồn: https://zingnews.vn/vi-sao-nguoi-nhat-ngay-cang-phai-tang-ca-nhieu-hon-post1400169.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *