Việt Nam cần có hệ thống pháp luật riêng cho đổi mới sáng tạo

Trần Quí Thanh

Còn nhiều điểm nghẽn về chính sách, thể chế cho đổi mới sáng tạo (Ảnh và lời bình của Trang The Leader)

Đã có nhiều lời bàn về quốc gia khởi nghiệp, đã có nhiều phong trào khởi nghiệp từ địa phương đến phạm vi toàn quốc, khát vọng làm giàu, vươn lên vị trí cao về công nghệ đang hừng hực trong cộng đồng doanh nghiệp.

Nhưng có một câu hỏi đặt ra và chúng ta đang đi tìm lời giải đáp, đó là tại sao phong trào khởi nghiệp sôi nổi, nhưng hoa trái thì chưa nhiều?

Theo thống kê từ những năm qua, chỉ có 1% doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, một tỉ lệ quá thấp bắt buộc chúng ta phải có các giải pháp tạm thời và chính sách lâu dài để thay đổi.

Đương nhiên không phải ai khởi nghiệp cũng thành công, nhưng nếu như bị “tử thương” quá nhiều chứng tỏ môi trường sống có vấn đề. Ví dụ, 4 tháng đầu năm 2021, có hơn 51.500 doanh nghiệp đóng cửa, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Chưa có thông tin phân tích về con số này, nguyên nhân vì sao, trong đó có bao nhiêu doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng rõ ràng đây là tín hiệu không vui.

Việt Nam tự hào là quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp ở vị trí 59 trên thế giới, nếu tính riêng khu vực chấu Á – Thái Bình Dương thì thuộc tốp 20-25 hệ sinh thái hàng đầu. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh đòi hỏi chất lượng cao thì doanh nghiệp mới phát triển tốt. Việt Nam chỉ có hai start up “kỳ lân”, đây là con số quá khiêm tốn so với tiềm năng của quốc gia.

Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 5 kỳ lân công nghệ vào năm 2025 và 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030, nhưng làm gì để đạt mục tiêu đó mới là điều quan trọng. Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần một nguồn vốn để phát triển, nhưng thực tế không đáp ứng được.

Không đáp ứng không phải do thiếu vốn trên thị trường, mà do chưa có hàng rào pháp lý bảo đảm cho các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm bỏ tiền cho các dự án khởi nghiệp. Các nhà đầu tư vạm vỡ trên thế giới bỏ tiền vào các dự án khởi nghiệp Việt Nam chỉ khi họ nhìn thấy sự bảo đảm an toàn, minh bạch bằng các quy định của pháp luật. Việt Nam đã có nghị định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, nhưng chưa đủ để điều chỉnh hoạt động mới mẻ này, nhất là liên quan đến sáng tạo công nghệ.

Ngoài ra, vốn không chỉ là nguồn tiền rót vào, mà còn từ các nguồn khác, ví dụ như tạo điều kiện và miễn phí thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, ưu đãi về cho thuê đất đối với các dự án công nghệ, sản phẩm trí tuệ.

Việt Nam đã xác định chỉ có con đường khởi nghiệp sáng tạo, làm ra những sản phẩm trí tuệ “Make in Việt Nam” thì nền kinh tế mới bứt phá, đưa đất nước vượt lên lọt vào tốp các quốc gia công nghệ. Chúng ta cũng xác định đây là “dư địa” của Việt Nam, vì có tài nguyên con người, giới trẻ Việt Nam thông minh, sáng tạo, có hoãi bão.

Đã xác định rõ ràng như vậy thì phải có chính sách, có hệ thống luật pháp đầy đủ và phù hợp để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo hiệu quả.

Sài Gòn ngày 25/05/2021

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *