Xã hội hóa giáo dục để bỏ biên chế giáo viên

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Báo Tin tức Việt Nam

—–

Kính gửi anh Dr Thanh!

Thưa anh, tôi là giáo viên trước 1975 ở Sài Gòn, nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn đau đáu về giáo dục. Tình cờ tôi đọc được bài viết của anh: ““Tiết kiệm” giáo viên là sai lầm vì chúng ta sẽ trả giá” đăng trên blog Trần Quí Thanh, tui thật sự tâm đắc.

Tôi viết thư này để chia sẻ cùng anh, đồng thời gửi đến anh vấn đề này: Làm thế nào giải bài toán biên chế giáo viên một cách tốt nhất?  Mong anh cùng chia sẻ.

Chúc anh mạnh giỏi

Lê Minh Hoá (Sàigon): Leminh_hoa_2011@gmail.com

—–

Anh Lê Minh Hóa mến!

Cám ơn anh đã theo dõi trang của tui và có sự trao đổi, có sự tương tác với bạn bè cũng vui, thấy mình rộng mở hơn, trẻ trung hơn.

Chuyện giảm biên chế giáo viên tui có viết rồi, hôm nay anh hỏi cụ thể làm sao giải bài toán biên chế tốt nhất. Theo như tui hiểu, ý anh là làm sao vẫn đảm bảo việc giảm biên chế trong bộ máy nhà nước đồng thời vẫn có đủ giáo viên.

Theo tui, phải giảm biên chế trong tổng thể của cả ngành thì mới giải quyết được vấn đề này.

Trước hết là giảm ngay hệ thống phòng ban, cục, vụ, viện ngay trong Bộ GD ĐT. Bộ GD ĐT sáp nhập lại các phòng ban, xóa bỏ hết những bộ phận gián tiếp không cần thiết. Các viện nghiên cứu không có hiệu quả cũng dẹp luôn, hoặc tư nhân hóa cho nó tự chủ. Làm được động tác này, đã giảm được cả ngàn người, tiết kiệm ngân sách vô cùng lớn.

Các trường đại học trực thuộc Bộ GD ĐT thì thực hiện tự chủ, đại học thuộc các ngành khác cũng vậy, không còn bị quản lý theo kiểu cơ quan chủ quản. Khi các trường đại học tự chủ thì Bộ GD ĐT không còn quản lý theo kiểu “chăn dắt”, vậy thì cũng xóa đi các cơ quan trung gian. Tinh gọn bộ máy, giảm đi một số người và theo đó là giảm chi ngân sách.

Ở cấp sở, các địa phương nên bỏ cấp phòng giáo dục. Cả nước bỏ phòng giáo dục thì ngành giáo dục giảm biên chế đáng kể. Tui đã nói về chuyện này rồi, nay chỉ xin nhắc lại.

Nhưng như vậy vẫn chưa phải là cách làm căn cơ, bền vững về nguồn giáo viên phục vụ cho giáo dục. Muốn không có những tác động về biên chế giáo viên thì hãy bỏ biên chế giáo viên. Hay nói cách khác, không đưa giáo viên vào diện viên chức  thì sẽ không phải là đối tượng cắt phần trăm giảm biên chế theo quy định của Bộ Nội vụ.

Điều này không có gì mới, trước 1975 miền Nam tuyển dụng giáo viên rất linh hoạt. Các trường học, địa phương chủ động tuyển giáo viên theo nhu cầu thực tế. Hợp đồng với giáo viên, những giáo viên giỏi được chào đón, thu nhập cao, đúng với bản chất của thị trường.

Chúng ta tạo ra biên chế, có nghĩa là xây dựng tập quán bám vào bầu sữa nhà nước quen rồi, buông ra cũng có cảm giác mất tự tin, mất việc làm Nhưng trên thực tế, nghề nào cũng có người giỏi người dở, anh làm việc kém thì mất việc cũng phải.

Và để nhà nước không còn phải lo biên chế giáo viên, thì cách tốt nhất là xã hội hóa tối đa cho giáo dục, xóa bỏ những điều kiện kinh doanh vô lối, khuyến khích tư nhân, các tổ chức tôn giáo mở trường, từ mầm non lên đến đại học. Giáo viên ra trường chọn các trường tư nhân để làm việc. Họ không phụ thuộc vào biên chế. Nhà nước không nuôi ai nhưng vẫn có một lực lượng giáo viên phục vụ công việc trồng người.

Chúc anh Hoá mạnh giỏi!

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *