Xe nuốt rác, Robot cứu hỏa, mắt thần và chính sách cho nhà sáng chế

Trần Quí Thanh

Xe nuốt rác và Hình ảnh tuyên truyền bảo vệ môi trường được nhóm vẽ lên thân xe. Ảnh: Trinh Hồ. Theo Báo Khám Phá.

 —–

Câu chuyện về nhóm học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 – TPHCM chế tạo chiếc xe “nuốt” rác thực sự là nguồn cảm hứng trong cộng đồng. Các em nhỏ còn nghĩ đến trách nhiệm của mình với những cô bác lao công, đó là điều đáng quý, làm cho chúng ta có niềm tin hơn vào cuộc sống.

Nhưng chiếc xe nuốt rác của các cháu không chỉ có thế, nó còn nhắc người lớn một việc, đó là hãy sáng chế, sáng tạo, làm ra những sản phẩm thương hiệu Việt cung cấp cho thị trường.

Mới đây, trong cuộc thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam tại TP.HCM năm 2019, hai em Phạm Hồng Thái và Võ Đặng Văn Thành, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Quốc Tuấn, TP Quảng Ngãi được giải nhì với sản phẩm robot cứu hỏa, tính ra giá thành rất rẻ so với hàng nhập. Robot cứu hỏa của các em đã được Phòng cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi thử nghiệm và đánh giá là hữu ích.

Nhóm học sinh và thầy Nguyễn Minh Triết, giáo viênTin học là người hướng dẫn trực tiếp cho sản phẩm này. Ảnh: Trinh Hồ.

Tui đưa ra hai trường hợp trên để muốn nhắn gửi rằng, các doanh nghiệp chuyên về cơ khí, sản xuất máy móc, cần quan tâm đến những sáng chế của các em học sinh, sinh viên, hoặc của các nhà khoa học trẻ. Từ các sáng chế ban đầu đó, có thể đầu tư nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn, phục vụ cho thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu.

Ví dụ, chiếc xe nuốt rác của nhóm học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám, nếu có đầu tư nâng cao, sản xuất ra sản phẩm tốt, thì nhiều trường học, bệnh viện, cơ sở khác cần đến.

Tui vẫn còn giữ mãi ấn tượng về Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, “cha đẻ” dự án “Mắt thần” cho người khiếm thị. Sau 4 năm với 9 phiên bản và cải tiến, giá “Mắt thần” đã giảm từ 20 triệu xuống 2 triệu đồng, nặng 2kg xuống còn 200g. “Mắt thần” đã được trao tặng tới 1.000 người khiếm thị ở hơn 10 tỉnh, thành Việt Nam và một số nước khác.

Từ nghiên cứu ban đầu, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải có được sự tài trợ của các mạnh thường quân và của Chính phủ để phát triển sản phẩm và anh đã thành công.

Việt Nam có nhiều “nhà sáng chế” rất tài tử nhưng có ích thực sự, như một số anh nông dân làm ra máy tuốt lúa, máy cắt cỏ…Những sản phẩm này rất thực tế, áp dụng vào đời sống, sản xuất có hiệu quả, khác với chế tạo tàu ngầm hay máy bay trực thăng.

Tui có đề xuất thế này, ngoài các giải thưởng, nhà nước cần có chính sách cụ thể về đầu tư tài chính, hỗ trợ khoa học để phát triển các sáng chế trong nước. Cứ nói đến 4.0, khoa học công nghệ, nhưng thường hay bỏ qua những giá trị đang sở hữu trong tay.

Thiết kế chính sách hỗ trợ nhà sáng chế hay trọng thưởng cho các phát minh chính là đòn bẫy cho cái gọi là “Make in Việt Nam” mà các nhà lãnh đạo vừa đưa ra.

 

Sài Gòn ngày 23/06/2019

TQT

Bài đọc thêm,Link: Sáng chế từ lòng trắc ẩn

(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/sang-che-tu-long-trac-an-739998.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *