Trần Quí Thanh
Mặc dù xuất khẩu dầu thô 11 tháng đầu năm nay tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD, nhưng Việt Nam vẫn phải chi ra tới 6,31 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu. Giá XK dầu thô tăng gần 23%, còn giá NK xăng dầu tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. (Theo báo Cafef)
—–
Niên vụ 2016/2017, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu bao cà phê, dự báo niên vụ tới (2017/2018) nhập gần 1,06 triệu bao (ước trên 63.600 tấn cà phê nhân). Nhập từ đâu các bạn biết không? Đó là Mỹ, Brazil và Trung Quốc.
Các bạn có thấy lạ không và có đau không, một đất nước của cà phê, từng có người tuyên bố Việt Nam là thủ phủ, là “thánh địa” cà phê của thế giới.
Nhưng thực tế cho thấy, chúng ta đang thua dần các nước, không phải vì chúng ta không trồng đủ cà phê để uống, mà chúng ta không có công nghệ chế biến cà phê đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cho nên chúng ta phải nhập.
Vì không có công nghệ, cho nên cái gì chúng ta cũng xuất thô, từ cao su, dầu, nhiều loại nông hải sản, và cà phê cũng vậy.
Xuất thô, nhập tinh thì chỉ có nghèo và nghèo mà thôi.
Ví dụ, trong 11 tháng đầu năm 2017 Việt Nam xuất khẩu được 2,6 tỷ USD dầu thô, nhưng phải chi ra tới 6,31 tỷ USD để nhập khẩu 11,69 triệu tấn xăng dầu, tăng 10,2% về lượng và tăng 40,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Theo báo Thanh Niên, giá cà phê thô chỉ 3 USD/kg, nhưng nếu qua khâu chế biến, bán ra khoảng 50 – 70 USD/kg là chuyện bình thường.
Chúng ta chăm chỉ xuất cà phê thô, trong lúc đó, Trung Quốc đầu tư công nghệ chế biến, rang xay cà phê. Và Việt Nam trở thành thị trường cho các nhà sản xuất cà phê rang xay của Trung Quốc.
Chúng ta có nguyên liệu, có nhiều vùng nguyên liệu khác như chè, hạt điều, nhưng đã không có công nghệ chế biến để sản xuất hàng tinh, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đôi khi chúng ta chỉ đưa con số xuất khẩu các loại nông sản, hải sản và tự khen mình giỏi, nhưng quên rằng, sau đó nhập chính các loại đã xuất bằng thành phẩm tinh với giá cao gấp mấy chục lần.
Đừng ru ngủ chính mình bằng con số xuất khẩu thô nữa, mà hãy đối diện với thực tế đau đớn rằng, chúng ta đã mua lại sản phẩm của mình với giá cao hơn.
Công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến tạo ra sản phẩm tinh còn là thách thức quá lớn với các nhà quản lý và các doanh nghiệp Việt Nam. Bộ, ngành nào cũng lên tiếng về việc đưa các chính sách để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, nhưng hiện thực nói thay tất cả và cà phê là một ví dụ.
Thế giới không chờ đợi chúng ta, họ cứ bước đi, còn chúng ta vẫn mãi mãi là người đến sau hay sao?
Sài Gòn 31/12/2017
TQT
Đọc thêm, Link bài: Chuyện lạ đời: Việt Nam nhập cà phê từ Trung Quốc