Ý kiến nhỏ về một tham vọng lớn

Trần Quí Thanh


Dự kiến chi 1.300 tỉ đồng để "xuất khẩu" 57.000 cử nhân thất nghiệp từ nay tới năm 2025. Ảnh minh họa của Vietnamnet.

 
Cách đây chừng 3 năm, tui có đọc bài báo nói về việc xuất khẩu giáo sư, tiến sĩ. Nghe mà mừng cho ý tưởng táo bạo này, nhưng đến nay không biết xuất khẩu được bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ. Hình như im re luôn thì phải.
 
Bỗng dưng hôm qua lại đọc được thông tin về xuất khẩu cử nhân. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vừa xây dựng dự thảo Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025.
 
Mục tiêu của đề án là đưa hơn 57.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chưa tìm được việc có nhu cầu đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức ở một số ngành nghề được phê duyệt, như: Kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, điều dưỡng, hộ lý…
 
Việt Nam hiện có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp, cho nên nếu đề án thành công, thì trong 8 năm nữa, sẽ giải quyết việc làm cho 1/4 cử nhân thất nghiệp của hiện tại, còn số lượng thất nghiệp của 8 năm tới thì chưa biết.
 
Người ta cho rằng, đây là một đề án đầy tham vọng, tui thì thấy chẳng có gì tham vọng cả, xuất khẩu cử nhân hay thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ ra nước ngoài và làm việc gì, thu nhập như thế nào mới là quan trọng. Nếu cử nhân đi xuất khẩu lao động mà làm công nhân thì cũng chẳng có gì để bàn.
 
Tui làm doanh nghiệp, thường xuyên tuyển dụng lao động trình độ đại học, tui có được đánh giá chung về năng lực của cử nhân Việt Nam qua thực tiễn, không phải viễn vông trên trời. Tui không hiểu các nhà viết đề án căn cứ vào đâu để đặt mục tiêu xuất khẩu cử nhân sang làm việc ở các nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tui đồng ý là thị trường các nước này cần kỹ sư công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử, nhưng vấn đề đặt ra là kỹ sư, cử nhân của chúng ta có đáp ứng được đòi hỏi của họ không?
 


50% lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có trình độ phổ thông. Ảnh: Giang Huy.

 
Ngay với thị trường lao động trong nước, sinh viên Việt Nam ra trường đã quá chật vật để vượt qua các cuộc sát hạch của các doanh nghiệp, nói chi đến các nước có đòi hỏi trình độ cao hơn. Chưa kể, xuất khẩu đi các nước, thêm một tiêu chuẩn quan trọng, đó là ngoại ngữ, một hạn chế có tính phổ biến của sinh viên Việt Nam.
 
Tui không dám khẳng định vì chưa có kết quả từ một khảo sát xã hội, nhưng khoảng cách của cử nhân Việt Nam với cử nhân các nước tiên tiến đã quá xa nhưng  khoảng cách của tiến sĩ Việt Nam với tiến sĩ các nước này còn xa hơn. Tui đoán vậy, tất nhiên là nói đa số, cũng có những trường hợp có chân tài, thực học, nhưng e là rất ít.
 
Với kinh nghiệm của một doanh nhân lăn lộn gần hết đời người, sử dụng hàng vạn lao động, tui đề xuất một điều rất thực tế, đừng đề án đề ất gì hết, cứ đào tạo đại học thật tốt, thì đất nước có nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác, còn ai muốn đi nước ngoài làm việc thì cũng đủ khả năng. Viết đề án mà không có nguồn nhân lực chất lượng thì chỉ bỏ ngăn kéo.
 

Trần Quí Thanh

 
Link: Chuyên gia: Cử nhân thất nghiệp không dễ xuất khẩu

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *