Thương những nhà thương

Trung Nhân / TBKTSG
 


Bệnh viện Sài Gòn những năm 1990. (Ảnh: Internet)

Theo tui gốc gác nhà thương là nơi chữa chạy thương tật, bệnh hoạn, nhưng nó cũng bao hàm nghĩa tình thương. Tác giả nói rất đúng: “Chữ “thương” đây chắc hẳn là thương yêu, thương cảm, và hoạt động chữa bệnh trong nhà thương có thể hiểu trùng nghĩa với sự cứu tế, giúp người. Cho nên cả hai phía, người chữa bệnh cho bệnh nhân và bệnh nhân, cùng cư xử với nhau trên nền tảng chữ “thương” ấy.” Nên chăng nên đổi từ “ Bệnh viện” thành “Nhà thương”, nghe dễ thương gần gũi hơn nhiều. Thấy rõ tình người trong hai chữ “Nhà thương” ấy.

Trần Quí Thanh
 
—–
 
Tiếng Việt (chưa xưa lắm) có từ “nhà thương” nghe thật dễ thương! Xã hội Á Đông thời trước nói chung, chưa từng có một nơi tập trung bệnh nhân để chữa trị. Chỉ đến khi người châu Âu – cụ thể với nước ta là người Pháp – đến đây, họ mới dần dần tổ chức, hình thành nên những cơ sở hôpital, clinique. Chẳng biết ai đã dịch ra tên gọi nhà thương? Lại còn dispensaire là dạng nhà thương thí, nơi trị bệnh không lấy tiền nữa. Chữ “thương” đây chắc hẳn là thương yêu, thương cảm, và hoạt động chữa bệnh trong nhà thương có thể hiểu trùng nghĩa với sự cứu tế, giúp người. Cho nên cả hai phía, người chữa bệnh cho bệnh nhân và bệnh nhân, cùng cư xử với nhau trên nền tảng chữ “thương” ấy.

Dẫu hiện giờ trên cả nước đã thống nhất dùng danh từ phổ thông “bệnh viện”, song hai tiếng “nhà thương” vẫn còn được nghe khá phổ biến ở dân tình trong Nam, đặc biệt những nơi quê mùa chân chất. Người Nam bộ vẫn quen gọi, quen hiểu các danh xưng nhà thương Chợ Rẫy, nhà thương điên Biên Hòa…

Nhưng mấy năm gần đây, trong các nhà thương Việt Nam đã xảy ra quá nhiều chuyện… khó thương, khiến cho các cơ quan hành pháp lẫn lập pháp cấp trung ương không thể không quan tâm giải quyết. Khoan xét đến nguyên nhân do đâu và lỗi từ phía nào, phía người chữa bệnh hay phía người bệnh, hãy xem những con số thống kê cảnh báo mà Bộ Y tế vừa đưa ra. Trong ba tháng đầu năm 2017 đã có hàng chục vụ bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân vào bệnh viện hành hung, đe dọa các y, bác sĩ, gây rối làm mất an ninh trật tự. Bản thống kê cho thấy, những người bị hành hung có 70% là bác sĩ, 15% là điều dưỡng, và 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (60%), bệnh viện tuyến trung ương (20%). Mới đây nhất, ngày 16-6 đã có một bác sĩ thuộc Bệnh viện Thể thao Việt Nam ở ngay thủ đô Hà Nội bị hai người xông vô hành hung, bắt quỳ xin lỗi để họ dùng điện thoại quay clip. Thật chẳng ngạc nhiên khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, vừa được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2017, có nội dung “nóng hổi”: Hành hung người chữa bệnh cho mình có thể bị phạt tù đến ba năm. Người nhà bệnh nhân cố ý gây thương tích cho nhân viên y tế dù tỷ lệ tổn thương dưới 11% cũng bị phạt cải tạo hoặc phạt tù.
 
Chẳng rõ trên thế giới, có nước nào quy định các tội danh tương tự nước mình? Song dư luận trong và ngoài ngành y tế rất ủng hộ việc đưa các hành vi kể trên vào luật hình sự để chế tài, tạo hành lang pháp lý để y, bác sĩ yên tâm hành nghề. Báo điện tử VnExpress dẫn lời một vị là Phó giáo sư, Giám đốc một bệnh viện ở Hà Nội cho rằng, trước đây nghề y và nghề giáo là hai nghề cao quý nhất được gọi là thầy, được cả xã hội tôn trọng. Tuy nhiên hiện nay dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, “chuẩn mực đạo đức, quan niệm sống thay đổi nên nhà giáo, y bác sĩ không nhận được sự tôn trọng như xưa”. “Chỉ thuyết phục, tuyên truyền giáo dục chưa đủ mà cần phải có chế tài mạnh mẽ để đảm bảo sự công bằng cho cả xã hội, trong đó có người thầy thuốc” (*). Lời ông nói không sai. Nó gợi ta nhớ lại ý của một đại biểu Quốc hội nhiều năm trước từng phát biểu: Xã hội có ba ông “thầy” là thầy giáo, thầy thuốc và thầy cúng, thì ở tỉnh miền núi phía Bắc quê ông chỉ có thầy cúng được dân trọng vọng nhất!

Biết vậy, nhưng cứ đổ tội, trút nguyên nhân cho kinh tế thị trường đã gây ra tình trạng này, liệu có tạo thêm một mối oan sai lớn? Bởi kinh tế thị trường đâu chỉ mới xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam vài ba chục năm gần đây. Nó đã theo chân thực dân Pháp cùng chủ nghĩa tư bản phương Tây đến nước ta “từ thời Bảo Đại bắn cu li”, như phương ngữ dân gian miền Nam vẫn nói.

Theo TBKTSG

Link bài: Thương những nhà thương

………………
(*) Trích từ bài: Hành hung người ‘chữa bệnh cho mình’ có thể bị phạt tù đến 3 năm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *