2021 và những mong ước nhỏ nhoi

Tiến sĩ Đinh Duy Hoà/ Báo Vietnamnet

Nguồn hình: Internet

—–

Bước vào năm mới, con người luôn nghĩ tới điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc, cuộc sống tiến bộ, đời sống sung túc. Ước mong thì nhiều lắm, nhưng hãy nghĩ đến những điều có thể trở thành hiện thực.

Năm 2020 Việt Nam đã phòng chống đại dịch Covid-19 rất tốt, vậy thì chúng ta có quyền mong ước năm 2021 Việt Nam tiếp tục làm được điều này, thế giới cũng chống dịch thành công. Và để làm được, mỗi người phải có trách nhiệm đóng góp, mong ước không thể đến khi ta không hành động.

Chúng ta mong ước có một môi trường sống hạn chế tối đa ô nhiễm, con người được thở bầu không khí trong lành hơn. Điều này hoàn toàn có thể làm được, và chính mỗi người sẽ góp sức bằng cách riêng của mình.

Chúng ta mong ước sống trong môi trường không rác thải, đường sá, khu phố, bãi biển, dòng sông đều sạch sẽ, vậy thì đơn giản là không ai xả rác bừa bãi và cùng nhau dọn rác.

Chúng ta mong ước sống trong thành phố không kẹt xe, điều này có thể làm được. Ngoài các chương trình của chính quyền, thì mỗi người đều phải chấp hành luật giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân và thay thế bằng phương tiện công cộng.

Chúng ta mong ước có môi trường sống bình an, vui tươi, thì mỗi người phải là một công dân tốt, không tham gia tệ nạn xã hội, chấp hành pháp luật, sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Chúng ta mong ước có cuộc sống đầy đủ sung túc hơn thì phải chăm chỉ làm việc, mỗi người đều hoàn thành tốt công việc của mình, từ một công nhân cho đến một doanh nhân, từ công chức cho đến lãnh đạo các cơ quan chính quyền.

Xin giới thiệu bài viết “2021 và những mong ước nhỏ nhoi” của tiến sĩ Đinh Duy Hòa đăng trên Vietnamnet để các bạn cùng mong ước và hành động nhé.

Trần Quí Thanh


Những suy tư, mong ước của dân chúng thường cụ thể và rất đời. Và biết đâu, từ những mong ước nhỏ nhoi đó có thể dẫn đến những thay đổi lớn lao.

Một năm lại trôi qua. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo chắc đã có những tổng kết từ một năm đầy khó khăn, để đưa ra những quyết sách đúng mang lại hy vọng tốt hơn cho đất nước và người dân trong năm tới.

Đấy là nói từ phía lãnh đạo, còn dân chúng thì sao? Tiếng lòng của người dân về những vấn đề họ quan tâm liệu có thể đo đếm được ở đâu và nếu có thể thì bao nhiêu phần trăm đo đếm được đó sẽ vào được các quyết sách quốc gia.

Đi ngoài đường không còn lo Covid

Có thể nói 2020 là một năm thảm họa với khá nhiều nước do Covid-19. Bệnh tật, người chết, kinh tế trì trệ, thất nghiệp, gia đình chia ly… là những hậu quả tai hại của đại dịch. Trong bối cảnh chung như vậy mà ta lại có sự khác biệt khá lớn, đó là dịch trong tầm kiểm soát, kinh tế tạm ổn. Đây quả thực là một thành tựu to lớn của đất nước.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại TP.HCM, tháng 4/2020. Ảnh: Thanh Tùng

Cái lo về dịch có khả năng bùng phát rộng, lo bị nhiễm bệnh vẫn có, nhưng có vẻ như dân chúng nước ta vẫn rất lạc quan, tin vào cách phòng, chống dịch được chỉ đạo thực hiện. Và gắn với niềm tin đó chính là một mong ước trên cả mọi mong ước khác, đó là chẳng mấy chốc ta đi ra ngoài đường chẳng còn lo dịch Covid nữa.

Đi học không cần sách giáo khoa

Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm nay trở thành câu chuyện nóng bỏng, được nhiều người quan tâm. Vẫn biết cải cách nói chung là khó khăn, nhưng trong cái khó khăn đó thường hàm chứa những cái tốt đẹp hơn sẽ đến. Riêng cải cách giáo dục ở ta cái hàm chứa này có vẻ còn lâu chút mới đến. Cho nên, khi SGK lớp 1 cải cách trình làng là cả một câu chuyện dài kéo theo.

Vẫn biết đất nước còn nghèo, ngân sách nhà nước còn eo hẹp, nên ta chưa được như một số nước là nhà trường công lập cho học sinh mượn SGK dùng miễn phí, cuối năm trả lại. Nhưng giá sách lớp 1 năm nay so với năm 2019-2020 lúc chưa cải cách cao hơn nhiều là điều khó chấp nhận.

Bên cạnh chuyện giá cả SGK lớp 1, cái đáng quan tâm hơn chính là chất lượng của sách. Các nhà biên soạn và các nhà thẩm định, phê duyệt SGK lớp 1 chắc sẽ còn mất nhiều tâm huyết để làm cho chất lượng sách tốt hơn.

Biết đâu, 100 năm nữa, khi mở sách sử về nước ta lại chẳng có đoạn nói trong những năm 2019, 2020 đã có rất nhiều nỗ lực của quý vị nhằm tạo ra những cuốn sách lớp 1 chất lượng, góp phần đưa xứ ta nhanh chóng rạng danh với thiên hạ.

Trong khi ta còn đang loay hoay bàn nội dung SGK lớp 1 nên như thế này, không nên như thế kia thì có nước như Nhật đã có chương trình từ giờ đến hết năm  2025, toàn bộ học sinh phổ thông công lập đi học hàng ngày không cần mang theo SGK bởi toàn bộ sách sẽ được số hóa. Nói nôm na có nghĩa là mỗi học sinh sẽ có một máy tính, cứ vào mạng là có SGK của lớp mình, của môn học mà hôm nay sẽ học.

Đây là những nỗ lực của tân Bộ trưởng Số hóa Takuya Hirai trong nội các của tân Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide. Do áp lực của dịch Covid, ông đã phối hợp với Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Cải cách hành chính để đẩy nhanh hơn quá trình số hóa SGK cho học sinh phổ thông.

Nước đi trước Nhật và thành công trong chuyện này chính là Estonia. Cái đáng nhấn hơn ở Estonia chính là tạo ra được cơ chế cạnh tranh để các nhà xuất bản SGK số hóa phải nỗ lực nhằm làm cho sách của mình có chất lượng, được sử dụng nhiều nhất trên mạng và qua đó mới có lãi để tồn tại.

Đến bao giờ chuyện số hóa SGK mới trở thành hiện thực ở ta? Đến bao giờ học sinh không còn phải cõng theo một ba lô nặng trĩu khi đến trường mỗi ngày?

Chắc còn quá xa vời, bởi ngay những vấn đề cốt lõi của SGK như nội dung sách đến đâu là chuẩn mà ta còn lung tung như vậy thì chuyện này cứ coi như là ước mơ đã vậy. Rồi đại thể cứ mỗi năm mới ra được SGK cải cách cho một lớp, vậy khoảng hơn 10 năm nữa mới xong, để rồi lúc đó mới nghĩ đến các chuyện khác như số hóa…

Đi làm thủ tục hành chính không cần hộ khẩu và giấy tờ khác

Cải cách hành chính ít nhiều đã tác động tốt tới người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục vẫn còn phức tạp, đòi hỏi nhiều thứ giấy tờ khi người dân đến cơ quan hành chính giải quyết việc này việc kia và hộ khẩu thường là một loại giấy được yêu cầu phải có nhất.

Việc sẽ bỏ hộ khẩu giấy để chuyển sang hộ khẩu điện tử hứa hẹn một sự thay đổi quan trọng trong cách làm việc của cơ quan nhà nước. Thông tin về nơi cư trú của người dân đã có sẵn trên mạng, cần xác minh thì cơ quan nhà nước truy cập dữ liệu là có thể xác nhận được ngay.

Từ dữ liệu hộ khẩu điện tử là các loại dữ liệu khác và điều đó nhen nhóm lên hy vọng về việc người dân đi tay không làm thủ tục hành chính trong tương lai.

Nói một cách nôm na, ví dụ người dân có nhu cầu làm hộ chiếu, làm bằng lái xe ô tô… thay vì mang theo các loại giấy tờ thì nay không cần thiết nữa, bởi các loại giấy tờ này trước đó qua tập hợp dữ liệu công dân đã được cập nhật, được quản lý trên mạng bởi các cơ quan có thẩm quyền.

Cái duy nhất phải mang theo chỉ là thẻ căn cước công dân để xác nhận nhân thân người dân đến làm thủ tục hành chính.

Viễn cảnh này bao giờ trở thành hiện thực? Chắc cũng còn một khoảng thời gian lâu lâu chút. Tuy nhiên, viễn cảnh, mong ước này là có cơ sở, bởi đã có nước đi trước để chúng ta học hỏi.

Hàn Quốc sau hơn 10 năm triển khai việc tập hợp dữ liệu công dân, vào những năm 2013, 2014, người dân đã có thể không cần mang theo các loại giấy tờ theo quy định để giải quyết khoảng hơn 30 loại việc khác nhau tại cơ quan hành chính.

Đi ô tô trả phí không dừng

Sự chậm trễ trong triển khai thu phí không dừng trong cả nước là điều khó hình dung

Đây không còn là mong ước, mà đã là hiện thực. Phí này nhất định phải trả thì trả sao cho nhanh nhất là mong ước của tất cả các bác tài. Có ai trong số các bác tài qua trạm thu phí lại mong ước trả tiền mặt, mỗi lần trả nhanh thì vài phút, lúc cao điểm có khi vài chục phút?

Sự chậm trễ trong triển khai thu phí không dừng trong cả nước thật khó hình dung. Người đứng đầu hệ thống hành chính đã lên tiếng mà sự chuyển biến quá chậm. Rất khó hiểu cho hệ thống hành chính nước ta!

Và nhiều thứ đi… không… nữa

Nếu cứ suy nghĩ theo kiểu công thức này, sẽ có nhiều thứ đã và sẽ trở thành hiện thực. Đâu đó đã thực hiện khám, chữa bệnh không cần y bạ. Mọi dữ liệu của người bệnh đã được cập nhật và quản lý trên mạng. Quả là nỗ lực lớn của ngành y tế. Tuy nhiên, cái chưa ngon ở đây lại chính là sự chậm trễ trong triển khai rộng. Điều này cũng giống như câu chuyện trả phí ô tô không dừng. Vẫn còn những lực cản rất lớn cho thực hiện những cái thiết thực, hữu ích cho người dân và xã hội.

Và vẫn chưa có cái gì thích hợp chống lại, xóa bỏ triệt để những lực cản này. Biết đâu 2021 và những năm sau sẽ xuất hiện. Hãy chờ xem!

 

NGUỒN:  Theo Báo Vietnamnet

Link bài:2021 và…

https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/2021-va-nhung-mong-uoc-nho-nhoi-702559.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *