6 mẹo đơn giản giúp bạn giải quyết nhanh gọn chứng mất ngủ

Khởi Vũ/ Báo DNSG
 

Nếu như bạn thường xuyên trằn trọc và gặp phải tình trạng “tỉnh như sáo” vào ban đêm thì 6 mẹo đơn giản này sẽ giúp bạn.

1. Hãy dọn dẹp phòng ngủ

Phòng ngủ, đương nhiên là nơi dùng để… ngủ! Do đó, nếu như bạn có lỡ đang bày biện đủ thứ đồ đạc hay trót dùng nó như phòng khách, thì hãy dừng lại ngay. Phòng ngủ là nơi bạn dùng để nghỉ ngơi, là nơi mà công việc cũng như mọi nỗi lo phiền được gác lại; thế nên, hãy giữ cho nó luôn tối và yên tĩnh.

Thêm vào đó, cơ thể của bạn cần bóng tối để tiết ra melatonin – một loại nội tiết tố giúp con người rơi vào giấc ngủ. Nếu không gian xung quanh vẫn còn ánh sáng, bạn nên sắm cho mình một chiếc băng đeo mắt hoặc cân nhắc lắp thêm một tấm màn màu đen. Hãy tắt điện thoại và máy vi tính, vì ánh sáng xanh từ màn hình LED của các thiết bị này thường là nguyên nhân gây gián đoạn quá trình cơ thể tiết ra melatonin.

2. Tập cho mình một thói quen ngủ nhất định

Để có thể thực sự ngon giấc vào ban đêm, bạn nên tập cho mình một thói quen ngủ nhất định, và tránh các hành động gây cản trở tới giấc ngủ vào ban ngày. Cụ thể hơn, hãy tránh ngủ ngày, và duy trì việc lên giường cũng như thức dậy tại một thời điểm đều đặn.

Một thói quen ngủ kiểu mẫu, hữu ích cho một giấc ngủ ngon và sâu, có thể bao gồm các hành động sau: Tắm nước nóng trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng và để nhiệt độ của cơ thể giảm dần; vì chính sự giảm nhiệt độ này sẽ giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ hơn. 40 phút trước khi lên giường, hãy tắt hết các thiết bị điện tử. Và, để cơ thể nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ, bạn có thể đọc một quyển sách hoặc nghe một vài giai điệu êm dịu.

3. Cẩn thận với một số loại đồ ăn, thức uống

Uống rượu có thể gây rối loạn chu kỳ giấc ngủ của bạn; mặc dù nó giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn, nhưng sẽ khiến bạn thức giấc chỉ sau vài tiếng. Bên cạnh đó, hãy tránh không ăn quá nhiều vào bữa tối, đặc biệt là các thức ăn nhiều mỡ hoặc đồ ăn cay, vốn là thứ thường xuyên gây ra cảm giác cồn cào bao tử vào lúc nửa đêm. Ngoài ra, cũng đừng uống cà phê sau giờ ăn trưa, vì caffeine có trong thức uống này sẽ làm giảm thời gian cũng như chất lượng của giấc ngủ, theo một nghiên cứu năm 2017.

4. Đừng quá bận tâm về việc ngủ không được

Một trong những nguyên nhân có thể khiến bạn trằn trọc vào lúc nửa đêm là quá bận tâm về việc bản thân mình không ngủ được. Việc cứ mải thắc mắc xem bây giờ là mấy giờ rồi mà tại sao mình vẫn không thể ngủ được chỉ khiến bạn thêm phần lo lắng; thay vì làm như vậy, hãy thả lỏng và thư giãn cơ thể. Hãy nhớ về những kỉ niệm vui vẻ của bạn và tự nhủ rằng, ngày mai, mọi chuyện vẫn sẽ ổn cả thôi.

5. Nếu bạn không thể ngủ được, hãy thức dậy

Nếu bạn thường xuyên trải qua tình trạng trằn trọc trên giường hơn nửa tiếng đồng hồ mà vẫn không tài nào ngủ được (dù là tại thời điểm mới lên giường hay khi đột nhiên thức giấc vào lúc nửa đêm), hãy thức dậy và thư giãn ở đâu đó bằng việc đọc sách hoặc nghe nhạc. Hãy quay lại giường khi đã thấm mệt, điều này sẽ giúp cơ thể bạn quen với thông điệp rằng, chiếc giường là nơi để ngủ chứ không phải để thức.

6. Ghi nhật ký giấc ngủ

Hãy ghi lại thói quen ngủ của bạn trong vòng một hay hai tuần với những nội dung như: Bạn lên giường khi nào? Mất bao lâu để rơi vào giấc ngủ? Bạn có hay thức giấc giữa đêm không?… Thông qua những ghi chép này, hãy quan sát và tìm ra các điểm mà bạn có thể thay đổi để sở hữu giấc ngủ tốt hơn. Đồng thời, nhật ký giấc ngủ cũng giúp các bác sĩ dễ dàng tìm ra vấn đề hơn. Và, nếu tất cả những cách kể trên vẫn không hữu dụng, hãy đi khám bác sĩ ngay. Theo một nghiên cứu năm 2016, đối với một số người, mất ngủ hoặc thức giấc lúc nửa đêm có thể là biểu hiện của bệnh trầm cảm.

NGUỒN:  Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn
Link bài: 6 mẹo đơn giản….
(https://doanhnhansaigon.vn/suc-khoe/6-meo-don-gian-giup-ban-giai-quyet-nhanh-gon-chung-mat-ngu-1089239.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *