Tác giả: Đỗ Thanh Nghị
Em!
Vậy là tròn 6 năm anh ốm cũng là 6 năm em một mình chăm lo cho gia đình, gánh gác trên vai 1 ông chồng bệnh tật và 2 đứa con đang tuổi ăn học. Anh không biết em có bất ngờ không khi anh viết cho em những dòng này, đó đều là những gì mà tận đáy lòng anh muốn nói.
Anh vẫn nhớ cái ngày định mệnh khi anh phát hiện ra bệnh. Mình hẹn nhau đi chụp ảnh kỉ niệm 25 năm ngày cưới với bao dự định. Em viết ra biết bao ý tưởng, mình sẽ gác công việc lại đi nghỉ, sẽ cùng ôn lại chặng đường 25 năm không quá dài mà cũng chẳng ngắn bước chung đôi…
Anh sốt mê man, những cơn sốt nối tiếp nhau mà không tìm ra nguyên nhân. Em đưa anh đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc mà vẫn không tìm ra bệnh. Những đêm tỉnh giấc anh vẫn thấy em ngồi cạnh, dấp khăn ướt chườm mát cho anh… Anh cũng nghe tiếng em gọi thảng thốt trong tiềm thức mỗi lúc anh chìm vào mộng mị không nhận biết được thế giới xung quanh.
Trời nắng như thiêu, khoa bệnh tuyến đầu chật chội đông người, 1 giường 2-3 bệnh nhân. Ban đêm em phải trải tấm nilong ra hành lang nằm ngả lưng cho đỡ mệt. Ban ngày đi làm, tối em vào trông anh hàng tháng trời mà bác sỹ dường như vẫn bó tay…
Mỗi lần nhìn em cầm tờ kết quả xét nghiệm dù rất mệt anh vẫn cố gượng dậy hỏi em: “ Nay có khả quan hơn không em? Bạch cầu có giảm không?” Dù kết quả xấu hay tốt thì em vẫn cười, nụ cười lạc quan và đẹp nhất anh từng thấy…
Từ người đàn ông khỏe mạnh trụ cột của cả nhà, giờ mọi thứ anh phụ thuộc vào em, giai đoạn đầu anh bế tắc, thậm chí bi quan, cơn đau trong cơ thể hành hạ cùng với lí chí chưa chiến thắng được bản thân mình anh hay cáu gắt. Em vẫn nhẹ nhàng, kiên nhẫn chăm sóc cho anh. Em luôn trêu đùa anh rằng em xem bói rồi, thầy bói bảo anh còn nợ em nhiều lắm, phải trả đến hêt cuộc đời nên chưa thể “đi” được đâu nhé!
Khi những sơn sốt thưa dần, bác sỹ cho anh về nhà điều trị đồng thời anh nhận được quyết định “giảm biên chế” hay nói đúng hơn anh bị “ép” nghỉ hưu trước tuổi do lí do sức khỏe. Suy sụp về tinh thần khi nghĩ giờ mình là người không còn có ích cho xã hội. Lương hưu của anh chỉ đủ tiền mua thuốc mỗi tháng, em lại gồng gánh trên vai gánh nặng kinh tế lo cho 2 con ăn học.
Em tiết kiệm từng đồng chi tiêu, em dậy sớm nấu cơm cho anh và để mang đi làm cho đỡ tốn kém… Em có thể chi li từng đồng với bản thân nhưng luôn hỏi anh muốn ăn gì? Anh cần gì để em mua. Em giục anh uống sữa dù nhiều lần anh đã cố gắng để dành cho con đang tuổi lớn…
Anh không thể nào kể hết nỗi vất vả của em 6 năm trời anh ốm. Chưa một lần cáu gắt, chưa một lần oán trách số phận. Nhiều khi anh ước em than vãn với anh một chút, quát tháo một chút, khóc một chút có lẽ anh sẽ thấy nhẹ nhàng hơn nhưng không, em nghị lực và bản lĩnh. Em bảo nếu cho em chọn lại, em vẫn chọn lấy anh dù biết trước cuộc sống có vất vả đến đâu đi nữa.
Hơn 30 năm sống kề vai bên nhau, anh tự hào 2 đứa mình như “cặp bài trùng” tâm đầu ý hợp đến vậy, chỉ cầu mong ông trời cho anh khỏi bệnh để có thể phụ giúp em vơi bớt gánh nặng đường đời…
Anh chưa bao giờ nói cảm ơn em nhưng tận sâu đáy lòng là ngàn lời hơn thế. Tình nghĩa vợ chồng em dành cho anh suốt cuộc đời anh không bao giờ có thể quên được. Em không ưa vật chất, chẳng màng giàu sang. Anh cũng không thể tặng em món quà gì giá trị, chỉ nhân có cuộc thi “Người Tân Hiệp Phát” yêu anh viết những dòng này gửi tới em, người bạn đời đã cùng anh “đồng cam cộng khổ”, bên anh ngay cả lúc khỏe mạnh lẫn khi ốm đau… Nếu được giải anh sẽ dành tiền mua tặng em một chiếc áo dài mới để em mặc mỗi dịp đi lễ, còn không anh vẫn tin đây là món quà tinh thần giá trị nhất dành cho người vợ yêu thương của anh.
Cảm ơn em! Cảm ơn em rất nhiều!