Đồng Anh Quốc/ Khối R&D
—–
Vậy là 15/10 năm nay nó sẽ được lãnh “huy chương” 5 năm. Thấm thoát đã 5 năm kể từ ngày 14/10/2014 nó gia nhập gia đình Tân Hiệp Phát. Ngồi ngẫm lại quãng hành trình vừa qua, không dài lắm nhưng cũng đầy kỷ niệm, không thể không nhắc tới hành trình các line aseptic. Nó đang ngồi viết bài này vào ngày 30/08/2019 (phút 90 của chương trình Tân Hiệp Phát trong tôi), những kỷ niệm xưa cứ ùa về như mới hôm qua.
Ngày nó mới vào phòng nó bỡ ngỡ lắm, do nó là dân tay ngang, không học khoa Thực phẩm như các bạn R&D khác, nên nghe người ta nói chuyện cứ như vịt nghe sấm. Không hiểu gì. Tuần đầu tiên nó phải đi mua mấy cuốn sách gối đầu giường của dân Thực phẩm rồi về tự đọc, tự học. Nó phải nhờ mấy đứa bạn dạy cho các khái niệm cơ bản như “tiệt trùng”, “thanh trùng”, “chiết”, “vô trùng”,… là gì. Cái chữ “aseptic” đối với nó là một khái niệm gì đó không thuộc vũ trụ này.
Vào được công ty 3 ngày thì Chú Tư cho nó đi công tác nhà máy Hà Nam. Lạ nước lạ cái có biết gì đâu. Lúc đó nhìn các bạn Trung, Ngọc, Nhung cũng bằng tuổi mình mà đầy nhiệt huyết, năng động, trao đổi với chuyên gia như gió, nó ngưỡng mộ dữ lắm. Lúc đó mục tiêu của nó đơn giản chỉ là hiểu được mấy bạn đang nói gì, “nói chuyện” được với mấy bạn. Lúc ông Tôn hỏi lúc họp nhóm “Mục tiêu của mỗi bạn là gì?” Ai cũng nói mục tiêu tham vọng lắm, riêng nó mục tiêu chỉ là trở thành một “chuyên viên R&D” đúng nghĩa. Ai cũng cười, mục tiêu sao mà khiêm tốn thế. Giờ nghĩ lại thì thấy đúng là khiêm tốn thật, nhưng lúc đó đó là chính xác những gì nó nghĩ.
Lúc đó nó được phân công theo Ngọc làm nhà nấu, nhưng lâu lâu đi ngang qua cái line to bự, hiện đại, nó thích lắm. Thế là ban ngày làm nhà nấu, ban chiều nó lén lén qua line để học, mặc dù bị Trung và Nhung “bắt nạt” dữ lắm (vì có biết gì đâu). Bây giờ có bạn Toàn nhân viên R&D mới cũng giống nó lúc xưa, làm nhà nấu nhưng khoái qua line, nghĩ lại thấy buồn cười.
Vào thời điểm cuối năm 2014, line 2 Hà Nam đang nghiệm thu vi sinh. Nó còn nhớ như in lúc đó line nhiều sự cố lắm, lỗi mình cũng có, lỗi thiết bị cũng có. Thời điểm đó bên chuyên gia không được hợp tác lắm, lúc nào cũng tìm cách đổ lỗi chậm tiến độ cho nhà máy. Nó bập bẹ mới học chữ đực chữ cái, nhưng lại thích “cãi nhau” (tranh luận) với chuyên gia để tìm ra nguyên nhân và giải pháp, để họ không đổ thừa cho mình. Có hôm nó “cãi thắng” chuyên gia, nó vui lắm, tối về không ngủ được (Mặc dù 10 ngày thì hết 8 ngày “cãi thua” sấp mặt). Dù sao, kết quả thu được từ chuyến công tác Hà Nam đầu tiên cũng kha khá, line 2 nghiệm thu vi sinh thành công. Từ ngày đầu chuyên gia hỏi nó “Who the hell are you?”, sau chuyến công tác về thì bên chuyên gia ai cũng quen mặt, biết tên (“Bên THP có thằng nào cãi dữ quá”).
Câu chuyện Hà Nam cũng dài lắm, nhưng tạm gác lại vì câu chuyện Chu Lai li kỳ hơn. Thời điểm tháng 10 năm 2016, nó nhận nhiệm vụ từ Chú Tư khởi động line aseptic 1 Chu Lai công nghệ chiết khô ABF để khánh thành nhà máy Chu Lai ngày 24 tháng 3 năm 2017. Đó là những ngày “sống trong sợ hãi” vì line liên tục gặp sự cố, tiến độ liên tục bị trễ, rủi ro lớn máy không chạy được ngày khánh thành. Song đến ngày khánh thành, máy cũng chạy được, Sếp Thanh ấn nút trước mặt quan khách và chai chiết ra ầm ầm. Sau đó dòng đời đưa đẩy nó đến “trận chiến” khó nhằn nhất là line aseptic 3 Bình Dương.
Kể chuyện lan man, quay lại câu hỏi “Tân Hiệp Phát đã thay đổi gì trong tôi?” Đó là Hành trình khẳng định bản thân qua hành trình các line aseptic.
Sự kiện quan trọng nhất đối với nó là một ngày cuối năm 2015, trong một buổi họp phòng R&D tại phòng họp số 1 ở tòa nhà văn phòng, nó còn nhớ như in Chú Tư vỗ vai nó và tuyên bố trước mọi người “Quốc sẽ là Trưởng dự án của các line aseptic của 4 nhà máy Hà Nam, Bình Dương, Chu Lai, Hậu Giang.” Đến giờ nó vẫn còn giữ tờ Văn bản hóa được CEO phê duyệt. Lúc đó nó vui lắm. Nhưng vui là chính còn hoài nghi là mười. Bản chất nó là người thiếu tự tin. Nó hoài nghi bản thân có đáp ứng được kỳ vọng của Chú không? Và hoài nghi từ mọi người. Không dưới một lần nó nghe được người khác trao đổi với Chú Tư “thằng này còn mới quá có làm được không anh?”. Không dưới ba lần trong các cuộc họp với các bộ phận, khi nó đề xuất ý kiến thì nhận lại phản hồi: “Em lắp line này là lần thứ mấy rồi?” (Nghĩa là “em còn non và xanh lắm”), mặc dù ý kiến của nó là đúng.
Giờ đây nhìn lại, lời tuyên bố của Chú Tư năm ấy là động lực lớn nhất để nó thay đổi bản thân. Lời tuyên bố của Chú mang lại cho nó nỗi sợ hãi và sự hoài nghi. Nhưng đó cũng là động lực giúp nó chấp nhận thử thách, và nó biết rằng cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ hãi và khẳng định bản thân đó là lao đầu vào làm. Thời gian trải nghiệm trên các dự án line aseptic, những “cú sốc”, những bài học xương máu giúp nó nhận ra điểm mạnh quý giá nhất của mình đó là sự Đam mê. Nó nhận ra rằng giá trị Cốt lõi “Không gì là không thể” của công ty là một cách nói khác của sự Đam mê – là một khi ta mong muốn, khát khao và quyết tâm thực hiện theo đuổi mục tiêu đến cùng thì ta sẽ thực hiện được.
Nếu hỏi nó Tân Hiệp Phát đã thay đổi nó điều gì trong một câu? Câu trả lời đơn giản và ngắn gọn là câu nói của Chú Tư trong một buổi họp phòng R&D tháng 6 năm 2018, sau khi line aseptic 3 hoàn thành nghiệm thu công suất: “Quốc giờ đã tự tin hơn.”
Đồng Anh Quốc