Song Nghi/ Báo TBKTSG
Nhu cầu nhân lực tại một đô thị lớn như TPHCM rất đa dạng. Không chỉ nhân viên cấp cao, cấp trung hay công nhân mà nền kinh tế thành phố còn cần hàng triệu lao động phổ thông như bảo vệ, phụ hồ, phụ bán quán ăn uống, giúp việc nhà theo giờ… Để phục hồi kinh tế sau dịch thì cần thêm chính sách thu hút trở lại người lao động tự do vì công sở thiếu bảo vệ, công trường thiếu công nhân hay quán ăn thiếu người phụ bán sẽ khó hoạt động ổn định.
Nhóm lao động có tay nghề đương nhiên rất cần, đó là công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp. Tuy nhiên, ngoài công nhân có tay nghề thì nhóm lao động phổ thông, lao động tự do là người nhập cư cũng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đô thị.
Tuy được xem là “phổ thông” trong xã hội nhưng sự tham gia của họ trong đời sống đô thị lại không thể thiếu được. Ví dụ, chủ một cơ sở kinh doanh muốn hoạt động trở lại thì cần có người làm bảo vệ, giữ xe, phụ giúp việc nhà, giữ con, nấu ăn… chẳng hạn.
Khi nhóm lao động phổ thông làm việc trở lại thì chính họ cũng cần được cung cấp dịch vụ tương ứng khả năng chi trả, chẳng hạn cần người buôn bán dạo, chạy xe ôm và các nhu cầu khác như bán vé số, thu mua ve chai… Tất cả nhu cầu này là những mảnh ghép tạo thành một hệ sinh thái việc làm và mưu sinh cho nhóm lao động phổ thông không thể thiếu trong đời sống đô thị.
Đợt dịch vừa qua khiến nhóm lao động tự do và công nhân bị tổn thương nhiều nhất và đây cũng là nhóm hồi hương nhiều nhất sau khi thành phố mở phong tỏa. Việc cần làm nhanh là thu hút họ trở lại TPHCM và giúp họ nhanh chóng có được cuộc sống ổn định bằng các chính sách an dân.
Tại cuộc tọa đàm “Nguồn nhân lực lao động cho TPHCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch” tổ chức trong tháng 10 này, giải pháp được các đại biểu tham dự nhấn mạnh là “phải an dân”. Để người dân chấp nhận trở lại TPHCM, họ phải được tạo niềm tin và cảm thấy an toàn. Điều này phải làm thông qua các việc cụ thể như hướng dẫn sống chung với dịch, tiêm vaccine, cung cấp các gói an sinh xã hội hỗ trợ, đặc biệt là với người lao động tự do. Cũng theo thông tin từ cuộc tọa đàm này, nhiều người dân cho biết họ buộc phải chạy về quê vì “không còn gì để sống, bám trụ được”, phải tạm lánh đến khi nào yên ổn lại quay lên(*).
Từ thực tế ghi nhận được qua thông tin báo chí trong đợt dịch vừa qua tại TPHCM, có thể thấy do thiếu sót, thậm chí cứng nhắc từ cấp cơ sở, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho nhóm lao động phổ thông là người nhập cư chưa đến được họ một cách đầy đủ như chính quyền thành phố đề ra.
Thêm vào đó, chính sách chống dịch giai đoạn đầu chưa hợp lý như phong tỏa quá rộng, chỉ có một ca nhiễm lại cách ly nguyên con hẻm đã góp phần tạo ra những ổ dịch trong các xóm nhà trọ. Do điều kiện nhà ở quá chật chội, một phòng hơn 10 mét vuông sinh sống 4-5 người nên dịch Covid dễ lây lan nhanh ra nhiều con hẻm chung quanh.
Sinh kế bị cắt đứt, hàng ngày phải chứng kiến dịch bệnh lây lan rồi người chung quanh nhiễm bệnh, tử vong đã khiến nhóm lao động phổ thông này vừa khó khăn trong cuộc sống, vừa hoang mang về tâm lý. Bị tác động bởi cả hai yếu tố này trong một một thời gian dài đến mấy tháng nên việc họ sợ hãi “bỏ chạy” về quê khi thành phố mở cửa là điều dễ hiểu.
Từ thực trạng này, có hai vấn đề cần giải quyết trong thời kỳ hậu dịch: cải thiện điều kiện nhà trọ, chỗ ở và cải tiến cách cung cấp các gói hỗ trợ, an sinh xã hội cho nhóm lao động phổ thông và công nhân nhập cư.
Với điều kiện sinh sống chật chội của các khu nhà trọ, cần xem nhóm cư dân ở đây thuộc diện có nguy cơ cao để áp dụng các biện pháp bảo vệ như ưu tiên chích vaccine, cách ly ca nhiễm tại các điểm tập trung nếu không đủ điều kiện cách ly tại chỗ. Các biện pháp này sẽ giúp hạn chế lây lan rộng, hình thành các ổ dịch trong xóm trọ.
Về lâu dài, chính quyền thành phố cần đưa ra những quy định nâng cao điều kiện sống của nhà trọ với lộ trình tăng dần, buộc các chủ nhà trọ phải đi theo. Tất nhiên đi kèm với quy định này phải là các chính sách đòn bẩy kinh tế để hỗ trợ chủ nhà trọ về vay ngân hàng, giảm chi phí điện, nước, internet và miễn giảm thuế….
Chỉ Nhà nước mới đủ sức đưa ra gói hỗ trợ chủ nhà trọ toàn diện và đủ sức chế tài chủ nhà trọ vi phạm để từ đó tạo ra các khu nhà trọ với tiện nghi tốt hơn, qua đó khả năng phòng chống dịch bệnh cũng sẽ tốt hơn. Đòn bẩy kinh tế sẽ tạo ra những chủ nhà trọ đủ năng lực, những ai không đáp ứng điều kiện kinh doanh sẽ dần rời bỏ cuộc chơi. Điều kiện sống của nhà trọ được cải thiện tốt hơn sẽ giúp giảm được các ổ dịch trong tương lai và người lao động yên tâm sinh sống hơn.
Thành phố cũng cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ, bảo đảm họ được hưởng chính sách an sinh xã hội công bằng vì khi sinh sống ở TPHCM, họ đã trực tiếp và gián tiếp đóng góp cho ngân sách, ít nhất cũng là thuế giá trị gia tăng khi mua hàng hóa và các loại lệ phí, bảo hiểm khác…
Để tránh tình trạng các gói hỗ trợ phát trùng, phát sai hay từ chối phát do sự cứng nhắc của chính quyền cơ sở, cần xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu tập trung đối với nhóm lao động phổ thông nhập cư để bảo đảm không ai bị bỏ sót khi Nhà nước hỗ trợ.
Hệ thống này ngoài việc loại bỏ cách làm thủ công như vừa qua còn áp dụng cho việc quản lý tiêm chủng hay tầm soát xét nghiệm khi cần thiết. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp tránh tình trạng phát trùng nhiều lần và dễ dàng hậu kiểm, tránh gian lận tiền trợ cấp từ người phụ trách chi trả ở cấp cơ sở như đã xảy ra vừa qua.
—————————–
(*) https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-ve-que-va-bai-toan-dat-ra-cho-doanh-nghiep-961136.ldo
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: An dân…
https://thesaigontimes.vn/an-dan-cho-lao-dong-pho-thong-yen-tam-quay-lai/