Trần Quí Thanh
Đến làm việc với các cơ quan nhà nước, thường xuyên được nhân viên trả lời “lãnh đạo đi họp” hoặc “lãnh đạo bận họp”. Tui hay nổi cáu vì chuyện này, nhưng có lần trao đổi với mấy vị là cán bộ lãnh đạo, tui mới biết họ là nạn nhân của họp.
Mới đây, đọc báo mà khiếp vía, ông Sử Ngọc Anh, giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM công khai rằng, với 4 người trong ban giám đốc, trong 7 tháng đầu năm 2017, lãnh đạo sở phải dự hơn 2.000 cuộc họp, bình quân mỗi lãnh đạo sở họp 3-4 cuộc/ngày là bình thường.
Tui nói thiệt, mỗi ngày họp 3-4 cuộc thì còn thì giờ đâu nữa để giải quyết công việc hành chính của cơ quan, đó chính là giải quyết công việc cho dân.
Đồng ý là mọi tổ chức đều phải họp để trao đổi, phân công công việc, xử lý khủng hoảng, hay đi đến thống nhất một chủ trương, mục tiêu gần hoặc dài hạn của đơn vị. Nhưng nếu như chuyện nhỏ chuyện lớn gì cũng họp thì rất không bình thường, chắc chắn tổ chức đó tiềm ẩn bệnh tật trong quản lý.
Nếu một tổ chức mà lãnh đạo dám quyết thì không họp nhiều. Thường thì trước một vấn đề, khi lãnh đạo sợ trách nhiệm, thì phải tổ chức nhiều cuộc họp, lấy nhiều ý kiến, có người đến chỉ để gật đầu giơ tay nhưng cũng phải có mặt, đầy đủ danh sách. Họp để ghi biên bản, để sau này có hậu quả gì thì đổ cho tập thể.
Một tổ chức có hệ thống quản lý tốt, khai thác tối đa công nghệ thông tin thì không cần phải họp nhiều. Hoặc nếu có thì sẽ lựa chọn đối tượng cần thiết nhất, họp trực tuyến để khỏi mất thời gian đi lại, tốn kém chi phí xăng dầu. Theo báo Tiền Phong ngày 8.9.2017, Chủ tịch UBND một xã thuộc huyện Cần Giờ, TPHCM cho biết, bình quân mỗi tuần ông phải lên thị trấn 4-5 lần để họp với lãnh đạo UBND huyện, hết họp an toàn giao thông, bồi thường giải phóng mặt bằng, lại đến an ninh trật tự… UBND xã cách thị trấn gần 20 cây số, mỗi lần lên UBND huyện họp là mất cả ngày.
Tại sao không tổ chức họp trực tuyến? Đầu tư hệ thống máy móc kết nối huyện với các xã chỉ một lần, không tốn bao nhiêu tiền, nhưng lợi ích rất lớn.
Họp nhiều thì không còn thời gian giải quyết công việc, dẫn đến tồn đọng hồ sơ, người dân bức xúc, phê phán. Rồi lại tổ chức các cuộc họp để bàn biện pháp tháo gỡ các tồn đọng.
Họp nhiều chứng tỏ bộ máy hành chính cồng kềnh, ngân sách bỏ ra nuôi một bộ phận công chức suốt ngày chỉ có đi họp.
Tui xin mạnh đề xuất ba giải pháp để giảm họp.
Một, phân quyền, phân cấp rõ ràng, người đứng đầu các cấp chính quyền chịu trách nhiệm trước mọi quyết định.
Giảm biên chế ít nhất 30% công chức vác ô chắc chắn sẽ bớt đi rất nhiều cuộc họp vô ích do những người vô tích sự đẻ ra.
Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin tuyến kết nối các cơ quan nhà nước để họp trực tuyến.
Sài Gòn 13/9/2017
TQT
Link bài: Khủng hoảng vì họp