Sự cạnh tranh bình đẳng và công bằng cho các thành phần kinh tế cùng phát triển là điều mà các chuyên gia hay nhà quản lý khi đề cập đến rào cản của kinh tế tư nhân đều đặt ra. Tuy nhiên, việc xoá bỏ rào cản này đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ từ Chính phủ. Đó không đơn giản chỉ là việc thay đổi chính sách mà là những hành động cụ thể đến từ chính những người thực thi chính sách…
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp 2017, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã lấy hình ảnh: “Chỉ một cán bộ khó ở, doanh nghiệp cũng gặp rắc rối!”. Một hình ảnh “đau nhưng đúng”, chính sách có tốt đến đâu nhưng người trực tiếp thực thi chính sách không hành động tích cực cũng sẽ là rào cản của nền kinh tế.
Doanh nghiệp đang kỳ vọng vào một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, để chính sách không chỉ nằm trên giấy, để những quyết tâm không chỉ là những hô hào tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo…
Cơ chế đồng bộ, minh bạch cho các thành phần kinh tế
Ông Phạm Văn Lương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Compact HPL
“Kinh tế tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là tạo ra nhiều việc làm giúp cho sự ổn định xã hội. Thực tế thời gian qua cho thấy, quản lý vốn của kinh tế tư nhân hiệu quả hơn các thành phần khác và điều đó giúp cho đầu tư toàn xã hội tốt hơn.
Trong một số ngành thuần túy kinh tế – xã hội nhất định, kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể lớn mạnh, làm chủ những ngành hàng lĩnh vực đó nếu có thực lực uy tín kinh nghiệm và có thương hiệu.
Những chính sách gần đây của Chính phủ rõ ràng đã nâng những đóng góp của kinh tế tư nhân lên một tầm quan trọng hơn, xứng tầm với những giá trị nó tạo ra. Các doanh nghiệp tư nhân ngày càng có cơ hội và bình đẳng tiếp cận các nguồn lực xã hội như vốn, đất đai và thông tin cũng như có nhiều cơ hội mở rộng kết nối với kinh tế quốc tế.
Nhìn vào hệ thống pháp lý thương mại thay đổi trong vòng 10 năm gần đây cho thấy đã minh bạch, rõ ràng hơn. Đặc biệt là các văn bản hướng dẫn dưới luật thông thoáng, dễ hiểu và hầu hết các chính sách mới ban hành đều có góp ý từ phía doanh nghiệp tư nhân, những đối tượng chịu tác động chính.
Hiện khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 39% GDP, trong khi Chính phủ mong muốn khu vực này đóng góp cao hơn, khoảng 60%-65% GDP. Để có được mức đóng góp như vậy, cần phải có một cơ chế đồng bộ, minh bạch cho các thành phần kinh tế khác nhau. Về phía doanh nghiệp, cần phải có nhiều kiến nghị hơn nữa để xóa bỏ rào cản, khó khăn trong kinh doanh, đặc biệt là những chi phí kinh doanh phi chính thức.
Chúng ta đều nhận ra 3 rào cản với doanh nghiệp là gánh nặng chi phí, thời gian tuân thủ các quy định pháp luật, rủi ro pháp lý và độ an toàn trong kinh doanh. Tuy nhiên, để giải quyết được cả 3 rào cản này cần sự chung tay không chỉ ở Chính phủ mà ở cả xã hội.
Việt Nam vẫn cần chính sách mang tính động lực, đột phá. Do đó, phải xác định vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu trong tương lai. Xác định lĩnh vực nào thực sự là thế mạnh của Việt Nam để có thể cạnh tranh với các nền kinh tế khác. Từ đó sẽ đề ra những chính sách ưu tiên cho lĩnh vực thế mạnh và đưa điều đó trở thành mục tiêu quốc gia. Các doanh nghiệp cũng từ đó mà xây dựng các chiến lược kinh doanh của mình cho phù hợp với mục tiêu quốc gia.
Dù hiện nay quy mô của đa số doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam còn nhỏ nhưng với những thay đổi, kiến tạo từ chính sách quản lý nhà nước sẽ hình thành những tập đoàn lớn trong tương lai không xa.
Chúng ta phải xác định kinh tế tư nhân là chủ thể quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nếu không có khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ không có nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó”.
Thị trường phản ứng mạnh với chính sách
Ông Phùng Chu Cường – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần địa ốc Phú Long
“Các chính sách của Chính phủ đều hướng đến việc hỗ trợ cho thị trường phát triển minh bạch và bền vững, các doanh nghiệp đều có cơ hội phát triển.
Trong lĩnh vực bất động sản, tác động của chính sách rất lớn. Mọi phản ứng tích cực hay tiêu cực của thị trường đều có sự chi phối của chính sách. Ở thị trường bất động sản, các chính sách liên quan hiện nay của Chính phủ đều có những tác động rất tích cực, góp phần phát triển thị trường ổn định, lành mạnh và bền vững hơn.
Thị trường bất động sản 2017 khép lại với mức tăng trưởng 4,07% so với năm 2016. Đây là tín hiệu đáng mừng báo hiệu sự phát triển sôi động trở lại và 2018 được dự báo là năm thăng hoa của các doanh nghiệp địa ốc.
Đây cũng sẽ là năm thuận lợi bởi có nhiều yếu tố vĩ mô tốt hỗ trợ cho thị trường. Như việc Chính phủ đã có kinh nghiệm quản lý thị trường từ những đợt khủng hoảng trước, từ việc ban hành chính sách, dự báo rủi ro đến khắc phục hậu khủng hoảng được triển khai chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả hơn.
Qua việc sửa đổi Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước, các khoản vay thuộc lĩnh vực bất động sản sẽ được thắt chặt hơn, giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, đồng thời nâng hệ số rủi ro của các khoản phải cho vay bất động sản.
Hay việc triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ như trưng cầu dự thảo đánh thuế căn nhà thứ 2 của Bộ Tài chính, yêu cầu xử lý hình sự với các đối tượng đầu cơ đất để phân lô bán nền, phá vỡ quy hoạch của thành phố… Thêm vào đó, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng dè dặt hơn trong việc đánh giá dự án cũng như cho chủ đầu tư, người mua nhà vay tiền.
Là một doanh nghiệp, tôi kỳ vọng Chính phủ, chính quyền địa phương có những giải pháp hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh phát triển của mỗi doanh nghiệp, như rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, minh bạch thông tin đất đai để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận…”.
Tạo không gian đối thoại chính sách
Ông Trần Anh Vương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần đầu tư BVG
“Với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thời gian qua, chúng ta xác định kinh tế tư nhân chính là động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó những năm qua, Chính phủ đã có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Ngay như việc Nhà nước đẩy mạnh thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh độc quyền, thế mạnh trước kia để tăng quyền tiếp cận cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tạo một không gian để các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có cơ hội cất lên tiếng nói về những khó khăn, thách thức, cũng như cơ hội mà giới doanh nghiệp tư nhân đã và đang phải đối mặt.
Đó là nơi có thể tạo nên những cuộc đối thoại chính sách một cách công khai, mang tính xây dựng, có trách nhiệm và tích cực với cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương. Từ đó đưa ra những chính sách sát với thực tế, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.
Thời gian qua cũng đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc làm thế nào để cải thiện môi trường cho kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, vẫn chỉ dừng ở bước thảo luận và giải pháp đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo và thiếu định hướng giải quyết khó khăn bằng những hành động cụ thể do những e ngại về lợi ích cũng như những thách thức phải đối mặt.
Do đó, chúng ta cần có những doanh nghiệp tư nhân tự đánh giá, đưa ra những khuyến nghị về chính sách và thực thi mà doanh nghiệp mong nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng lớn vào một Chính phủ hành động, chỉ có hành động mới thay đổi được những tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế hiện nay. Tôi tin tưởng, với những kiến tạo từ Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân cũng sẽ có động lực để phát triển ngày càng lớn mạnh và kéo theo nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tiếp đà tăng trưởng tốt”.
Doanh nghiệp cần chủ động bước đi
Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái
“Yếu tố minh bạch và tinh thần phục vụ của bộ máy chính quyền là điều tiên quyết để kinh tế tư nhân phát triển vững mạnh. Có một doanh nghiệp Nhật Bản mở chi nhánh tại Việt Nam hỏi tôi là ở đây có công ty nào cung cấp dịch vụ tiếp khách, tiếp các cơ quan quản lý? Họ hỏi vậy vì hàng ngày phải tiếp nhiều cơ quan quá, không còn sức đâu mà tập trung vào sản xuất kinh doanh…
Muốn kinh tế phát triển, muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh thì phải tấn công xóa bỏ tệ nạn nhũng nhiễu, đơn giản hóa, trực tuyến hóa thủ tục hành chính. Doanh nghiệp chúng tôi không cần Nhà nước hỗ trợ gì nhiều, không phải là giảm thuế 10% hay 15%, điều quan trọng hơn là khắc phục tình trạng “hành là chính” ở nhiều cơ quan. Nếu không có bộ máy hành chính có năng lực và phục vụ tận tâm thì nền kinh tế và các doanh nghiệp không khá được…
Để phát triển kinh tế tư nhân, ngoài cải cách hành chính thì vai trò của Nhà nước trong việc định hướng các chính sách vĩ mô tạo điều kiện hướng đi cho doanh nghiệp tư nhân là điều rất quan trọng.
Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn nhỏ, chưa có kinh nghiệm ở thị trường quốc tế, trong khi muốn lớn phải đi ra thị trường quốc tế. Do đó, việc kêu gọi các doanh nghiệp FDI để tăng giá trị cho nền kinh tế rất cần nhưng cần phải có những chính sách cụ thể, rõ ràng đối với từng doanh nghiệp FDI nhằm tránh tình trạng có sự ưu ái hơn với doanh nghiệp FDI so với các doanh nghiệp trong nước.
Về phía các doanh nghiệp, cần phải quan tâm tới chất lượng, nghiêm túc đầu tư cho sản phẩm mới cạnh tranh được trên thị trường. Bên cạnh đó, phải thay đổi chính sách quản lý doanh nghiệp sao cho phù hợp với môi trường kinh doanh hiện nay, như vấn đề đạo đức kinh doanh cần nâng cao hơn.
Thực tế chúng ta đã chỉ ra, rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân hiện nay quá nhiều, đến nỗi chính quyền chỉ lo đi giải quyết đã hết thời gian. Trong khi các doanh nghiệp chỉ ngồi chờ chính quyền đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì đã tụt hậu.
Cả chính quyền và doanh nghiệp đều phải chủ động để từng bước tháo gõ vướng mắc. Sự phát triển của kinh tế tư nhân không phải nhờ vào một văn bản, một nghị định mà là sự đồng thuận trong môi trường kinh doanh, môi trường chính sách đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự đi, tự lớn nhưng nếu môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, bình đẳng trong các tiếp cận với các lợi thế kinh doanh, nguồn vốn… thì bài toán hiệu quả kinh tế, tận dụng tối đa các nguồn lực kinh tế sẽ có lời giải tốt”.
Giải phóng sức sản xuất của kinh tế tư nhân
Ông Trần Quý Thanh – Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát
“Ngày trước, khi theo dõi báo chí về Hội nghị Trung ương 5 tôi quan tâm nhất là nội dung về phát triển kinh tế tư nhân. Tôi tin rằng, nếu các nhà lãnh đạo quốc gia kiến tạo được những chính sách phù hợp thì sẽ có nhiều người mạnh dạn tham gia sản xuất kinh doanh với cơ hội thành công ngày càng nhiều.
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 ra Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, tôi thực sự vui mừng về định hướng này, tuy vẫn có quá nhiều việc phải làm để đạt được các mục tiêu mà hội nghị đưa ra.
Kinh tế tư nhân phát triển nhanh và lành mạnh dứt khoát sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Lành mạnh có nghĩa là không bị méo mó, có thực lực, sản xuất sản phẩm có chất lượng, cạnh tranh lành mạnh, hoạt động tuân thủ pháp luật.
Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm chính là tạo ra cơ hội và môi trường hành chính lành mạnh cho người dân dễ dàng và thuận lợi tham gia sản xuất kinh doanh. Dân có quyền làm những việc pháp luật không cấm, hãy tin dân, hỗ trợ dân bằng chính sách hiệu quả, bảo vệ người làm ăn chân chính.
Để xây dựng một quốc gia có nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế dứt khoát phải khơi dậy tư duy sáng tạo, giải phóng sức sản xuất của khu vực kinh tế tư nhân. Nghiên cứu nền kinh tế của các quốc gia phát triển sẽ thấy rõ vai trò của kinh tế tư nhân.
Điều quan trọng là Chính phủ phải hành động để biến chủ trương thành các chính sách cụ thể để kinh tế tư nhân phát triển. Nếu các thị trường được hình thành và vận hành một cách hoàn chỉnh hơn, sức bật của kinh tế tư nhân sẽ rất lớn.
Với Tân Hiệp Phát, mục tiêu của chúng tôi là xây dựng công ty với một thương hiệu quốc gia. Đó là khát vọng mà các doanh nghiệp cần phải đặt ra cho mình.
Trong thời kỳ hiện nay các doanh nghiệp tư nhân phải xác định công nghệ là yếu tố quan trọng, chính công nghệ sẽ tạo ra sức mạnh của sự phát triển.
Tại Tân Hiệp Phát, từ năm 2006 chúng tôi đã bỏ ra gần 300 triệu USD đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ Aseptic vì tin rằng công nghệ sẽ tạo ra giá trị khác biệt cho mỗi sản phẩm và điều này đã giúp Tân Hiệp Phát dẫn đầu ngành hàng nước giải khát, chi phối thị trường bởi sự khác biệt về chất lượng sản phẩm.
Công nghệ Aseptic đã giúp Tập đoàn THP tối ưu hóa mọi lợi thế của mình lên mức cao nhất. Nguồn nguyên liệu tự nhiên được chiết xuất trên dây chuyền Aseptic giúp các sản phẩm của chúng tôi giữ được gần như toàn bộ các chất dinh dưỡng có lợi nhất cho sức khỏe”.
Hành động là yếu tố quyết định
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT
“Môi trường kinh doanh là một vấn đề quan trọng bậc nhất để kinh tế tư nhân phát triển. Ở những quốc gia có lực lượng doanh nghiệp tư nhân mạnh đều có điểm chung là cơ chế, chính sách thuận lợi cho người dân.
Nếu có điều kiện để kinh doanh thuận lợi như tất cả các nước khác, tôi tin kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ có một vị trí xứng đáng trên thế giới. Hiện nay, khoảng hơn 70% đóng góp vào nền kinh tế là từ khối doanh nghiệp tư nhân.
Do đó, để nền kinh tế phát triển vững mạnh, chúng ta phải tạo môi trường thông thoáng, an toàn cho kinh tế tư nhân phát triển.
Về phía các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, hãy tự xem lại các dịch vụ, sản phẩm mình đang làm có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên thế giới không và từ đó có động lực để thay đổi và phát triển.
Những năm qua, Chính phủ đã và đang cố gắng tạo ra các cơ chế thông thoáng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để khối kinh tế tư nhân phát triển. Thực tế là khi nhìn vào hệ thống các văn bản pháp lý ban hành những năm gần đây có thể thấy, Việt Nam được nhìn nhận có hệ thống văn bản chất lượng cao.
Tuy nhiên nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân vẫn còn những khó khăn. Do vậy phải xem lại hành động của chính những người thực thi các quy định pháp lý đó. Chính phủ đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Ở đây không chỉ là sự thay đổi về mặt chính sách mà phải làm thế nào để nâng cao tính hành động, tính hiệu quả của chính sách trong nền kinh tế.
Thực tế là chúng ta đang cố gắng thay đổi môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển. Đó là lý do Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, là một sự thay đổi lớn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, từ nghị quyết đến thực tiễn là một khoảng cách và không có cách nào khác là cả Chính phủ và doanh nghiệp, người dân phải hành động. Chỉ có hành động thực tế mới có thể giúp cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản cản trở doanh nghiệp phát triển nhanh. Mục tiêu tiên quyết là tạo được một môi trường bình đẳng thì chi phí kinh doanh hợp lý”.
Chính sách chỉ là khởi đầu
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước
“Thủ tướng đã từng khẳng định, Chính phủ hiện nay phải là Chính phủ kiến tạo, minh bạch, phục vụ doanh nghiệp. Cùng với đó là đặt ra các mục tiêu thiết thực hơn với doanh nghiệp như giảm các chi phí liên quan, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng tính cạnh tranh trong khu vực.
Tuy nhiên, chính sách chỉ là sự khởi đầu, sau chính sách còn hàng trăm câu chuyện khác. Chúng ta phải nhìn vào thực tế, chính sách đã đi vào thực tiễn hay chưa, đã có sự chuyển động hay chỉ nằm trên giấy, chính sách chậm đi vào thực tiễn thậm chí còn làm cho mọi thứ nặng nề hơn.
Nếu để đo lường chính sách với thực tiễn hoạt động doanh nghiệp cứ nhìn vào các doanh nghiệp tư nhân sẽ thấy hết bởi họ là đối tượng chịu tác động trực tiếp, chịu tác động nhiều nhất của mỗi chính sách kinh tế.
Rào cản lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân hiện nay là ở các quy định về thủ tục hành chính và con người thực hiện các thủ tục đó đang trói các doanh nghiệp trước các cơ hội phát triển.
Môi trường kinh doanh đang là rào cản đối với các doanh nghiệp tư nhân, thực tế có nhiều doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn vì càng lớn càng bị để ý, bị làm khó và tốn nhiều chi phí không chính thức. Nếu không mất chi phí không chính thức sẽ thua thiệt trong cạnh tranh, cơ hội thị trường.
Hiện nay, doanh nghiệp đang đặt niềm tin lớn vào Chính phủ khi nhìn nhận rõ vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Những chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển đang đi đúng hướng.
Chỉ cần nhìn vào Công ty Thuận Phước của chúng tôi sẽ thấy rõ vai trò của kinh tế tư nhân trong sự phát triển chung của kinh tế vùng hiện nay. Chúng tôi vốn là doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá năm 2007 và thực tế là phát triển mạnh mẽ hơn trước kia rất nhiều.
Chúng tôi được chủ động hơn trong các quyết định, có chiến lược kinh doanh rõ ràng để phát triển, không theo kế hoạch dập khuôn “năm sau phải cao hơn năm trước” như khi còn ở Nhà nước.
Trước kia chúng tôi chỉ là một doanh nghiệp nhỏ nhưng nhờ cổ phần hoá, chúng tôi đã trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu Việt Nam”.