Bảo hiểm xã hội đừng thực thi bằng cái nhìn ngắn hạn

Trần Quí Thanh

Nguồn: Internet

Trong các kỳ Hội đồng lương họp để quyết tăng lương, bên bảo vệ quyền lợi người lao động tăng quyết tâm tăng, phía bảo vệ lợi ích doanh nghiệp cố kìm bớt “tốc độ tăng”. Cuối cùng cũng tăng, dù không như mong muốn của cả hai bên.

Nhưng âm thầm sau những đợt tăng lương đó còn có một đợt tăng mà doanh nghiệp phải chịu đựng như bị cú đánh thốc vào bụng, đó là tăng số tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nói cụ thể, mỗi lần tăng lương, doanh nghiệp bị tăng một khoản chi lớn ngoài khoản tiền tăng lương theo quy định. Nói là khoản chi lớn vì căn cứ tính đóng bảo hiểm được bổ sung có quy định, doanh nghiệp sẽ phải đóng bảo hiểm trên mức lương thực tế, không phải chỉ căn cứ vào lương tối thiểu vùng. Vậy thì, doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tính trên tỏng thu nhập của người lao động.

Với cái nhìn ngắn hạn, ai cũng thấy bảo hiểm xã hội thu được khoản tiền lớn từ mỗi lần tăng lương, nhưng với cái nhìn dài hạn,sẽ thấy đây không phải là chính sách tốt.

Bởi lẽ, một khi doanh nghiệp phải gồng gánh chi phí quá sức chịu dựng của mình, thì có hại cho nền sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Doanh nghiệp không có tích lũy thì không có nguồn tài chính để tái đầu tư. Cái giá phải trả của lạc hậu chính là chúng ta thiếu chính sách dưỡng nuôi doanh nghiệp, xưa Trần Quốc Tuấn nói “khoan thư sức dân là kế sâu rỗ bền gốc”, sức dân ngày hôm nay phải hiểu thêm rằng, đó là sức của cộng đồng doanh nghiệp.

Sức ép phải đóng bảo hiểm xã hội quá lớn còn nảy sinh một góc tối khác, đó là doanh nghiệp tìm cách sử dụng lao động theo kiểu thời vụ để tránh ký hợp đồng lao động. Cách làm này có lợi cho doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm, đó là gây bất công đối với người lao động và với những doanh nghiệp thực thi pháp luật nghiêm túc.

Góc tối khác là có những công chức tha hóa sẽ cấu kết với doanh nghiệp để hợp lý hóa hồ sơ nhân sự, giảm tối đa danh sách người lao động ký hợp đồng lao động. Những hành vi tiêu cực này làm ảnh hưởng đến nền hành chính quốc gia. Môi trường hành chính sẽ không bao giờ lành mạnh.

Về chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, tăng thu bảo hiểm xã hội theo kiểu sát rạt sẽ làm cho các nhà đầu tư các ngành nghề thâm dụng lao động e ngại, họ sẽ tính toán tìm một môi trường đầu tư khác có lợi hơn và có chính sách ổn định hơn.

Tất cả các chính sách, cần phải có tầm nhìn xa thay vì ăn vội vàng, bảo hiểm xã hội là điển hình của cái nhìn ngắn hạn.

Sài Gòn ngày 30/9/2017
TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *