Biết lắng nghe chia sẻ với  nhân viên không bao giờ thừa

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gởi bác Dr Thanh,

Dạ chúng cháu thật không ngờ bác lại trả lời nhanh như thế. Cảm ơn bác thật nhiều ạ. Còn một  vấn đề chúng cháu cũng tranh luận khá gay go là: Các CEO trẻ làm việc thế nào  với các nhân viên không chịu hợp tác? Mong bác gỡ bí giúp chúng cháu với nghen. Không phải tham lam đâu ạ, chỉ vì chúng cháu thiệt bí. Và nói thiệt cũng muốn được nghe bác chỉ bảo cho mau lớn khôn, hi hi.

Kính chúc bác vui khoẻ, vạn an.

Lê Tùng (chủ nhiệm CLB): Tunglapnghiep_2019@gmail.com

—–

Lê Tùng mến!

Nhân viên viên không hợp tác là chuyện thường xảy ra ở các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, không riêng gì ở chỗ cháu đâu. Và khi xảy ra tình huống này, người đứng đầu phải xử lý nhanh và khôn khéo, nếu không thì tình trạng sẽ trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến năng suất lao động, hiệu quả công việc, và có thể đi đến mất nhân sự.

Khi có một người tỏ thái độ bất hợp tác, thì trước hết đừng có định kiến ngay với người đó, và tuyệt đối không chỉ trích. Các nhân viên khác trong nhóm cũng đừng xa lánh họ, cứ cho rằng họ là người sai, là kẻ phá đám. Với người làm lãnh đạo, thì không thể chỉ quát nạt, la mắng hay xem thường, đánh giá người khác một cách vội vàng, mà đi tìm nguyên nhân sâu xa để xử lý.

Mời nhân viên gặp riêng, có thể cùng đi ăn trưa, hỏi han tình hình cuộc sống, gia đình và những điều chưa hài lòng về công việc. Từ đó sẽ thấy rằng, đôi khi làm sếp nhưng chưa hiểu hết được cấp dưới của mình gặp hoàn cảnh gì, gặp những bức xúc gì. Đặc biệt, có người không hợp tác là vì công việc không vận hành tốt, nhưng họ không thể nói ra, hoặc đã chỉ ra nhưng trong nhóm không lắng nghe ý kiến của họ.

Cũng có trường hợp người đó xung đột với một nhân viên trong nhóm, vậy thì người làm sếp phải lắng nghe, chia sẻ, tìm cách hòa giải. Giám đốc sắp xếp một buổi gặp riêng để hai bên cùng nói ra suy nghĩ của mình, giám đốc đứng ra làm trung gian hòa giải, mọi sự sẽ thay đổi tích cực.

Và để quan hệ tốt đẹp hơn, bền vững hơn, thì chính giám đốc phải xác định rõ ràng sứ mệnh của nhóm công tác, xác định vai trò, nhiệm vụ của từng thành viên, công khai, minh bạch. Phân công nhiệm vụ càng cụ thể thì càng dễ xác định chất lượng công việc, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, để không ai đổ cho ai khi có kết quả kém.

Cũng có trường hợp nhân viên không phù hợp với công việc, vị trí hiện tại nhưng hội không có cơ hội để trình bày. Lắng nghe họ, biết đâu sẽ phát hiện chuyên môn của họ phù hợp ở một lĩnh vực khác , nếu điều chuyển thì họ sẽ vui vẻ, phát huy được năng lực, đóng góp cho công ty nhiều hơn.

Cũng có khi nhân viên không hợp tác vì bất đồng quan điểm với lãnh đạo nhóm, hoặc không hài lòng với thái độ ứng xử của giám đốc. Vậy thì phải lắng nghe họ nói, nếu họ nói đúng thì sửa đổi. Đừng nghĩ rằng làm sếp thì chỉ có đúng, mà phải luôn cúi xuống để học hỏi, điều chỉnh để hoàn thiện mình.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp đi đâu cũng gây khó cho người khác, thích chỉ trích, nói xấu, bất hợp tác, thậm chí phá hoại. Đối với những người đó thì khi đã tìm hiểu kỹ, thuyết phục nhiều lần không được, thì chỉ còn cách mời đi chỗ khác chơi.

Vậy cháu nhé, có gì cứ gửi thư cho bác.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *