Cái khó của doanh nghiệp gia đình chính là tính gia đình

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: doanhnhanplus.vn

—–

Chào anh Dr Thanh!

Tôi biết anh từ những năm 90 thế kỷ trước, vẫn theo dõi anh cho đến bây giờ. Thực lòng rất ngưỡng mộ anh. Trang web của anh rất bổ ích, đặc biệt các doanh nhân và tụi nhỏ khởi nghiệp. Phục lắm thưa anh.

Tôi vừa làm chủ một doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp nhỏ xíu mà đã thấy mệt quá xá anh ạ. Nên tôi viết thư hỏi anh,  chủ một doanh nghiệp gia đình rất thành công, là có những vấn đề khó nào của doanh nghiệp gia đình và làm thế nào để nhanh chóng vượt qua những khó khăn đó. Mong anh bỏ chút thời gian trả lời.

Chúc anh vạn an.

Kính

Lưu Đức Ký (Sài Gòn): kyluuduclaoham60@gmail.com

—–

Anh Lưu Đức Ký mến!

Trên thế giới có rất nhiều công ty gia đình thành công, đặc biệt là ở Mỹ, Nhật, Trung Quốc và nhiều nước châu Âu. Ví dụ như Heineken, Walmart, Nike, Samsung Electronics, Volkswagen…

Tại Việt Nam, theo thống kê của Forbes năm 2019, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đóng góp khoảng 25% GDP cả nước. Các doanh nghiệp gia đình điển hình là Tân Hiệp Phát, Liên Thái Bình Dương, Thành Thành Công, Hoàn Cầu, Gốm sứ Minh Long, Biti’s…

Chính vì doanh nghiệp gia đình là một mô hình doanh nghiệp tồn tại đầy sức sống như vậy, cho nên nó cũng là một đề tài nghiên cứu và đưa vào chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới. Con gái tôi Trần Uyên Phương, đã tham dự các khóa đào tạo về doanh nghiệp gia đình tại Đại học Harvard – Hoa Kỳ và Học viện quốc tế về phát triển quản trị (IMD) tại Thụy Sĩ.

Tôi điểm sơ qua như vậy là để nói với anh Ký rằng, có nhiều giáo trình, sách vở nói về doanh nghiệp gia đình, anh có thể tham khảo, rất bổ ích.

Với riêng tui, luôn nghiên cứu về mô hình gia đình, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm đông tây để làm mới mình, để thay đổi. Tuy nhiên, tui tự chiêm nghiệm và rút ra những đúc kết từ trong thực tế điều hành doanh nghiệp gia đình của mình suốt mấy chục năm, hay nói hơn là cả đời người. Xin chia sẻ với anh như vầy.

Thứ nhất, đã là doanh nghiệp gia đình thì cái khó của nó chính là tính gia đình. Từ cái “gia đình tính”, “dòng họ tính” đó đã chi phối doanh nghiệp theo hướng tiêu cực.

Các thành viên trong công ty rất dễ nhầm lẫn “vai” của mình trong công ty với “vai” của mình trong gia đình. Bệnh này càng nặng đối với các doanh nghiệp gia đình châu Á, đặc biệt là Việt Nam.

Nhầm vai là rất nguy hiểm, ví dụ như ở nhà là vợ, nhưng khi ở công ty thì không thể “điều hành” chồng, con như ở nhà, mà phải làm đúng nhiệm vụ theo vị trí được phân công trong công ty.

Con cái cũng vậy, không thể cho rằng mình là con của ông chủ tịch hay Tổng giám đốc, nên muốn làm gì thì làm, thích thì làm, không thích thì đi chơi. Tương tự, những người thân khác trong gia tộc, khi vào công ty, không thể nhầm vai kiểu tôi là “chú, bác, cậu, dì”…, biến cuộc họp công ty thành cuộc họp gia tộc.

Thứ hai là các vấn đề về quản lý. Thường thì doanh nghiệp gia đình dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát về quản lý hoặc quản lý không chặt chẽ. Nguyên nhân cũng vì toàn là người trong gia đình, làm công việc của công ty như việc nhà, chi tiêu tiền của công ty cũng như tiền nhà.

Thứ ba là dễ xảy ra khủng hoảng khi có những thay đổi về nhân sự hay chuyển giao thế hệ. Đối với các doanh nghiệp bình thường, thì việc đề bạt một nhân sự mới hay thuê nhân sự từ nơi khác về là hết sức bình thường. Nhưng doanh nghiệp gia đình thì khác, bởi vì ai cũng thấy mình là người quan trọng, có đủ điều kiện để được hưởng các quyền lợi, trong đó có chức vụ cao.

Để trị các căn bệnh trên không khó, phải có “bộ luật” của doanh nghiệp, đưa ra những quy định rõ ràng, chặt chẽ, minh bạch, khoa học. Bất cứ ai vi phạm cũng xử theo quy định, kể cả vợ, chồng, con cái. Nếu không có “luật” và không làm theo “luật” thì chỉ có loạn.

Chúc anh thành công, có gì cứ liên lạc với tui nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *