Cạnh tranh lành mạnh sẽ dẹp nạn “sân sau” sách giáo khoa

Trần Quí Thanh

 

Nguồn hình:  Báo TBKTSG

—–

Chào anh Trần Quí Thanh

Đọc blog của anh lâu rồi nhưng chưa có dịp giao lưu. Nay tui đọc báo Thời báo kinh tế Sài Gòn gặp một câu hỏi hay, bèn gửi tới anh vì biết anh quan tâm đến giáo dục:

“Với chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, có người đặt ra một giả định: giả thử tất cả các tỉnh, thành đều tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa rồi sau đó gây áp lực buộc các trường và giáo viên trong tỉnh phải sử dụng bộ sách này, lấy gì để ngăn cản họ?”

Xin anh cho ý kiến về câu hỏi trên.

Chúc anh vui khoẻ và mong được hầu rượu anh.

Ngô Xuân Tuý (Sài Gòn): xuantuyngosaigon11@gmail.com

—–

Anh Ngô Xuân Túy mến!

Cám ơn anh đã theo dõi blog của tui và vui vẻ giao lưu, đó cũng là niềm vui của người “chơi” blog đó anh.

Về câu hỏi anh đặt ra, tui cũng có suy nghĩ từ lâu, và so sánh với giáo dục của miền Nam trước 1975 để rút ra những kết luận sau.

Việc xóa bỏ độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa là cần thiết. Thị trường sách giáo khoa cung cấp cho cả nước gần 100 triệu dân mà chỉ có một sản phẩm độc quyền thì không thể công bằng, không thể tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đơn giản vì không có cạnh tranh.

Bộ Giáo dục Đào tạo biên soạn bộ khung chương trình, trên cơ sở bộ khung đó, các tổ chức có thể biên soạn sách giáo khoa để cung cấp cho thị trường. Tui xin lưu ý, trước năm 1975 ở miền Nam, có cả cá nhân viết sách như thầy Võ Đại Mau, học sinh vẫn mua để học, thầy giáo dạy toán sử dụng sách đó để dạy.

Thời nay, nhiều người giỏi, có trí tuệ, tâm huyết, sẵn sàng hợp tác với nhau để biên soạn và xuất bản những cuốn sách có chất lượng nội dung và thẩm mỹ cao.

Về chuyện dùng quyền để áp đặt bán sách cho “sân sau”, tui nghĩ không phải dễ dàng thực hiện. Khi đã mạnh dạn cho biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa, thì phải tôn trọng sự tự do lựa chọn của các trường, không có chuyện sở giáo dục bắt buộc các trường phải dạy bộ sách do sở chỉ định.

Thứ hai, đã là thị trường là cạnh tranh theo quy luật của thị trường, giá thành là yếu tố cạnh tranh bên cạnh chất lượng nội dung. Các tổ chức biên soạn và xuất bản sách giáo khoa với mục đích đóng góp cho xã hội, không vì mục đích lợi nhuận cao sẽ làm cho giá thành thấp xuống. Các trường học, phụ huynh sẽ lựa chọn sản phẩm giá thành thấp, nếu như các “sân sau” muốn áp lực để bán hàng thì cũng không bán được vì sự chênh lệch của giá thành.

Nói tóm lại với anh Ngô Xuân Túy thế này: Tôn trọng tự do học thuật phải bắt đầu từ việc bỏ độc quyền biên soạn và xuất bản sách khoa. Còn những gì phát sinh tiếp theo sẽ tiếp tục xử lý cho đến khi thị trường sách giáo khoa lành mạnh. Nhưng phải bắt đầu đi, bàn mãi mà không bắt đầu thì muôn đời vẫn thế.

Chào anh nhé, có gì cứ gửi thư cho tui nha.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *