Cha mẹ ‘ngã ngửa’ trước sự thật về tắm nắng cho trẻ sơ sinh

Phương Thuý/ Báo Infonet


—–

Tắm nắng cho trẻ sơ sinh là biện pháp được nhiều gia đình áp dụng với hi vọng trẻ giảm vàng da, tăng cường vitamin D. Thế nhưng, tác dụng thật sự của việc tắm nắng trẻ sơ sinh có thể khiến cha mẹ “sốc”.

Canh nắng sớm

Chị Nguyễn Thu Thuỷ (Khương Đình, Hà Nội) tâm sự chị sinh hai bé Misu và Misa vào mùa hè nên rất tiện để cho bé tắm nắng.

Theo chị Thuỷ, vào mùa hè cứ khoảng 6h sáng có ánh nắng là chị lại đưa bé ra ban công để đón ánh nắng đầu tiên.

Chị nhớ lại ngày sinh bé Misu thiếu tháng, bé phải chiếu đèn tại bệnh viện 48 tiếng nhưng khi về nhà tình trạng vàng da vẫn không cải thiện. Dù bác sĩ chẩn đoán bé vàng da sinh lý nhưng cả tháng da bé vẫn vàng ệch như nghệ.

Theo lời khuyên tắm nắng thường xuyên cho bé, chị Thuỷ đã tìm mua đủ các loại mũ, kính chắn nắng cho bé rồi thực hiện phơi nắng 1 tiếng mỗi ngày.

Trường hợp bé nhà chị Đỗ Hồng Hạnh (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng được khuyên là thường xuyên tắm nắng cho bé để bổ sung vitamin D. Buổi sáng dù bận bịu như thế nào chồng chị Hạnh cũng tranh thủ canh nắng. Cứ thấy nắng lên là anh vội vàng cùng vợ bế con ra tắm nắng sớm.

Theo bà mẹ này thì việc tắm nắng cho bé nên thực hiện từ lúc 7h đến 8h sáng là tốt nhất.

Trong khi đó, trên nhiều diễn đàn, các bà mẹ cũng rôm rả chia sẻ về việc tắm nắng để bổ sung vitamin D cũng như giảm tình trạng vàng da cho trẻ sơ sinh. Ví dụ như chị Huong Tran chia sẻ trên diễn đàn mẹ và bé về việc con trai 6 tháng tuổi bị “chiếu liếm” (rụng tóc vành khăn) là một biểu hiện của thiếu vitamin D. Bà mẹ này tâm sự vì sinh con vào mùa đông nên không thể tắm nắng cho con khiến việc tổng hợp vitamin D bị hạn chế.

Sự thật về tắm nắng cho trẻ sơ sinh

Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng – bác sĩ người Việt, chuyên khoa Nhi tại Hoa Kỳ, nhiều bà mẹ tin rằng việc tắm nắng trẻ sơ sinh khoảng 30 phút vào sáng sớm là liều thuốc tự nhiên để chữa vàng da cho con cũng như giúp con có thể tự bổ sung được Vitamin D, điều này hoàn toàn không đúng mà thậm chí có hại cho trẻ nếu gặp khí hậu bất lợi.

Bác sĩ Hưng cho biết ánh sáng mặt trời không nhìn thấy được có hai loại tia cực tím (UV) là UVA (320-400nm) và UVB (290-320nm).

Từ lâu UVB (và nghi ngờ có cả UVA trong các nghiên cứu gần đây) đã được chứng minh là thủ phạm gây 1,5 triệu ca ung thư da và gần 8.000 cái chết mỗi năm trên nước Mỹ.

Còn tia UVA là thủ phạm gây lão hoá da, nhăn nheo. Đây được xem là kẻ thù của làn da.

Ảnh hưởng của các tia UVA và UVB lên da là diễn ra âm thầm, mỗi lần tiếp xúc nó ảnh hưởng một chút, lâu dần gây nhăn da, thậm chí ung thư da.

 

Tia UV trong ánh sáng mặt trời

UV còn gây các bệnh về mắt, trong đó có đục thuỷ tinh thể. UVA có bước sóng cao hơn, xuyên thấu hơn nên có thể xuyên qua tầng ozon ảnh hưởng tới con người suốt ngày từ lúc mặt trời mọc tới lúc lặn, tia này không có tác dụng tạo vitamin D.

Tia UVB mới tạo ra vitamin D, tia này có bước sóng thấp hơn, chỉ tới được trái đất khi mặt trời lên cao và tạo được góc 50 độ với nơi chúng ta đang đứng, tức là từ 10 giờ sáng -3 giờ chiều, những giờ nắng nhất, đỉnh điểm UVB là giữa trưa. Vì thế, để tắm nắng tạo vitamin D là phải tắm trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời buổi trưa.

Khi tắm nắng lấy vitamin D thì bóng râm hay mây nhiều làm giảm 50% tác dụng, mặc quần áo thì làm giảm gần như hoàn toàn, kem chống nắng làm giảm 80-90%, da càng sậm màu thì hiệu quả càng kém. Tia UVB cũng không xuyên qua kính nên không thể tắm nắng sau tấm kính. Vì thế nếu muốn tổng hợp vitamin D từ mặt trời chỉ có thể tắm nắng lúc giữa trưa, mà trưa nắng gắt gây cháy bỏng da nên điều này hại hơn lợi.

Còn buổi sáng sớm đưa trẻ ra tắm nắng thì không tổng hợp được vitamin D.

Về việc phơi nắng chữa vàng da, bác sĩ Hưng cho biết từ năm 2004 Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo không phơi nắng để trị vàng da ở trẻ sơ sinh.

Theo bác sĩ Hưng, vàng da sơ sinh là do cơ thể bé tạo ra nhiều chất bilirubin từ hồng cầu bị phân huỷ mà gan chuyển hoá không kịp. Đó thực ra là hiện tượng sinh lý và thường giảm dần sau tuần đầu sau sinh, tuy nhiên có thể kéo dài hơn do một số bệnh lý kèm theo.

Vẫn cần cho trẻ chơi và tiếp xúc môi trường tự nhiên

Để phát huy hiệu quả của tia UV và phòng ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời cho trẻ, cần lưu ý các điểm sau:
– Trẻ em dưới 6 tháng tuổi không nên tiếp xúc trực tiếp quá mức với ánh nắng mặt trời một cách cố tình (đem trẻ phơi nắng).
– Vẫn cho trẻ chơi và tiếp xúc với môi trường tự nhiên ngoài trời để phát triển tinh thần vận động. Trẻ lớn phải trang bị các công cụ chống nắng như mắt kính, thoa kem chống nắng,… nhất là khi bắt đầu nắng gắt.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung vitamin D nếu cần trong trường hợp trẻ bú mẹ hoàn toàn, hoặc trẻ nhỏ uống ít hơn 400ml sữa công thức/ngày.
Lưu ý, trẻ uống sữa công thức với lượng từ 700ml trở lên/ngày thì không cần bổ sung vitamin D.
– Một số thực phẩm như cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng… trong chế độ ăn hàng ngày cũng cung cấp vitamin D nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu cần thiết cho trẻ mỗi ngày.

BS Trịnh Đình Thế Nguyên tư vấn trên website của Bệnh viện Nhi đồng 1

NGUỒN:  Theo Báo Infonet

Link bài: Cha mẹ ‘ngã ngửa’...

(https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/cha-me-nga-ngua-truoc-su-that-ve-tam-nang-cho-tre-so-sinh-61955.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *