Chính sách hỗ trợ đang lệch mục tiêu?

Võ Đình Trí/ Báo TBKTSG

Nguồn hình: Báo Tuổi Trẻ

—–

Cho đến nay, các cơ quan quản lý đã thừa nhận gói hỗ trợ Covid-19 đầu tiên thất bại, có nghĩa là không thực hiện được như yêu cầu của Chính phủ. Lý do cũng được chỉ ra, đó là các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn quá khó khăn, doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Đây có thể gọi là sự bất cập của chính sách.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của gói hỗ trợ đầu, gói hỗ trợ thứ hai hy vọng sẽ đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không tìm ra giải pháp phù hợp và triển khai quyết liệt, thì coi chừng lập lại vết xe cũ.

Cho dù giải pháp gì, thì mục tiêu đề ra là cứu doanh nghiệp, phải làm bằng mọi cách để số doanh nghiệp sống sót chiếm tỉ lệ cao. Bởi vì, đối với hàng triệu lao động hiện nay, họ cần cái cần câu hơn miếng bánh. Giúp cho doanh nghiệp tồn tại qua cơn nước lửa này, có nghĩa là giữ lại được cần câu cơm cho người lao động.

Đừng bắt doanh nghiệp kê khai từng số liệu quá phức tạp, bởi vì thực tế quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam có tập quán riêng, hư mà thực, thực mà hư về số liệu lao động, và lao động thời vụ chiếm tỉ lệ khá cao.

Nhưng cho dù lao động chính thức hay thời vụ thì cũng là người lao động, cần việc làm để có thu nhập ổn định.

Nội dung của chúng ta là phát triển các doanh nghiệp, phát triển kinh tế và chăm lo việc làm cho người lao động chứ không phải là hình thức thực hiện một chương trình hỗ trợ.

Đừng nhầm lẫn nội dung với hình thức.

Trần Quí Thanh

—–

Thông tin doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng, cho vay với lãi suất 0%, để trả lương ngừng việc cho người lao động khiến dư luận đang chĩa mũi dùi về những người ban hành và thực thi chính sách. Nhưng bản chất sự việc có phải hoàn toàn ở chính sách hay vì lý do gì khác?

“Thuốc Tây” không hạp với doanh nghiệp Việt Nam

Theo một tổng kết và phân tích mới đây của tổ chức tư vấn chiến lược Bruegel, chính sách tài khóa của các chính phủ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chọi lại dịch Covid-19 được chia thành ba nhóm chính:

Thứ nhất là tăng chi và giảm thu ngay lập tức, như hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người nghèo, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng chi cho y tế, đầu tư công, hỗ trợ tiền lương cho chủ doanh nghiệp để giữ việc làm, giảm/bỏ thuế và các khoản liên quan an sinh xã hội. Các chính sách này làm bội chi ngân sách ngay lập tức và không được bù đắp về sau.

Thứ hai là tạm hoãn các khoản thu như thuế, các khoản liên quan đến an sinh xã hội. Các khoản này sẽ được thu bù về sau nên mục đích là tăng tính thanh khoản tạm thời cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, thu ngân sách của năm 2020 sẽ giảm nhưng hy vọng sẽ được cải thiện khi kinh tế hồi phục.

Thứ ba là các giải pháp bảo lãnh, hỗ trợ thanh khoản nhưng phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Nhóm thứ hai khác với nhóm này ở chỗ hầu như được tự động áp dụng cho các đối tượng mà chính sách hướng đến. Việc bảo lãnh, hỗ trợ thanh khoản mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách năm 2020 nhưng vẫn có rủi ro phát sinh các trách nhiệm trả nợ của chính phủ ngay trong năm 2020 hay sau này nếu như bên được bảo lãnh bị phá sản.

Trong khi đó, tại Việt Nam, gói hỗ trợ an sinh xã hội dự kiến 62.000 tỉ đồng chỉ dành 16.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, số tiền vay là 50% tiền lương tối thiểu vùng trong ba tháng và thời hạn vay tối đa là 12 tháng. Kết quả là chỉ có một doanh nghiệp trong cả nước đủ điều kiện, nhưng cuối cùng doanh nghiệp này cũng không vay.

Điều này có lẽ khiến cho nhiều người bất ngờ và bất bình với chính sách. Nhưng bản chất của sự việc có phải hoàn toàn ở chính sách, hay vì lý do gì khác?

Ở thời điểm cuối năm 2018, có đến 97,8% số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh hòa vốn là 7,5% và lỗ là 48,4%. Điều này cho thấy, gần một nửa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là lỗ, tổng số lỗ lớn hơn tổng số lời, dẫn đến tổng thể các doanh nghiệp quy mô vừa tạo được lợi nhuận trước thuế là 28.120 tỉ đồng nhưng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lỗ đến 54.300 tỉ đồng.

Nhưng chuyện nhiều doanh nghiệp có hai hệ thống sổ sách kế toán, lỗ giả lời thật cũng có thể giải thích cho hiện tượng này. Vì vậy, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn duy trì kinh doanh, không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng cũng không thực sự cần hỗ trợ khi phải cân nhắc được – mất trong lúc nộp đề nghị.

Một điều đáng quan tâm khác là cũng vào thời điểm đó, số liệu lao động việc làm cho thấy trong số 15 triệu lao động có hợp đồng, có 5,63 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa. Con số này tương đồng một cách ngạc nhiên khi lấy tổng số lao động khu vực tư nhân là 8,98 triệu trừ đi khoảng 3,35 triệu lao động trong doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn. Điều này cho thấy gần như toàn bộ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Kết nối điều này với khoảng 20 triệu lao động phi chính thức, và thực tế việc bảo vệ quyền lợi người lao động trong mối quan hệ giữa bên sử dụng lao động và người lao động thì mới thấy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để qua đó giữ việc làm, hồi phục kinh tế của nhiều nước rất khó áp dụng ở Việt Nam.

Thứ nhất, lao động ở các nước phát triển gần như tuyệt đối phải khai báo dù là làm thời vụ, ngắn hạn, vì nếu bị phát hiện sử dụng lao động chui thì chủ doanh nghiệp sẽ bị phạt rất nặng. Chính vì vậy, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp để doanh nghiệp giữ việc làm chính là hỗ trợ cho người lao động. Ngoài ra, quyền lợi thất nghiệp của người lao động ở nhiều nước lên đến 18-24 tháng, vẫn đảm bảo được cuộc sống với tiền lương thất nghiệp.

Thứ hai, ở các nước việc sa thải nếu không vì lỗi nghiêm trọng của người lao động thì việc bồi thường sẽ rất tốn kém, hay thủ tục phức tạp, theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, người lao động ở Việt Nam hầu như rơi vào thế yếu khi bị sa thải, nếu là lao động không có hợp đồng thì chỉ còn biết im lặng chấp nhận.

Thứ ba, ở Việt Nam lao động phi chính thức chủ yếu làm trong các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp – xây dựng, mà hai lĩnh vực này lại chiếm đến 98% số doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam. Khi các doanh nghiệp này sụt giảm khách hàng, chủ doanh nghiệp sẽ không chần chừ sa thải lao động không có hợp đồng, thậm chí lao động có hợp đồng vì lý do ở trên.

Người lao động ở đâu cũng cần việc làm, họ cần cái cần câu hơn là cần con cá. Ảnh: THÀNH HOA

Ngân sách nên hỗ trợ người lao động và nền kinh tế như thế nào?

Trong khi gói hỗ trợ thứ nhất có thể nói là thất bại trong việc hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, thì gói hỗ trợ thứ hai đang được bàn thảo nên thực hiện như thế nào trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc thực hiện gói thứ nhất: đối tượng bị hạn chế, thủ tục nhiêu khê, thêm vào đó là số tiền hỗ trợ so với thu nhập bình quân tháng không đáng là bao (năm 2018 thu nhập bình quân tháng của của lao động trong doanh nghiệp nhỏ đã là 7,76 triệu đồng).

Có những thông tin sau đây, thiết nghĩ, những người thiết kế chính sách gói hỗ trợ lần hai cần cân nhắc:

Một là, khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2016 cho thấy 75% hộ gia đình ở Việt Nam có tiết kiệm, và quan trọng hơn là tỷ lệ tiết kiệm lên đến 30% tổng thu nhập. Chi tiêu ăn, uống, hút chiếm 48% tổng chi tiêu và một ước tính cho thấy nhóm 20% hộ nghèo nhất có thể duy trì chi tiêu trong khoảng ba tháng với số tiền tiết kiệm của mình. Những con số này cho thấy khả năng chịu đựng khó khăn kinh tế của các hộ gia đình ở Việt Nam là rất lớn so với các nước phát triển.

Hai là, việc làm ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khoảng 4,7 triệu lao động, có lẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may trong tám tháng đầu năm 2020 không sụt giảm nhiều.

Riêng mặt hàng máy vi tính và thiết bị điện tử còn tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái vì nhu cầu tăng đột biến ở các nước phát triển do giãn cách xã hội, làm việc tại nhà. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa mặc dù chính thức chỉ sử dụng 5,63 triệu lao động, nhưng đây là hệ sinh thái cộng sinh của nhóm 20 triệu lao động tự do và 20 triệu lao động ở vùng nông thôn.

Ba là, khoảng 68% GDP của Việt Nam là đóng góp của tiêu dùng khu vực tư, tiếp đến là đầu tư và chi tiêu công, vì chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu không nhiều.

Từ ba yếu tố trên, để hỗ trợ người lao động, chủ yếu ở doanh nghiệp nhỏ, lao động tự do và lao động ở nông thôn cũng như phục hồi nền kinh tế, ngân sách cần tập trung để đảm bảo các hoạt động kinh tế vận hành không bị đứt gãy (giữ khoảng cách, vệ sinh tay, đeo khẩu trang), thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước, giữ và tạo thêm việc làm trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp -xây dựng, giảm tối đa thủ tục hành chính nhiêu khê, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Vì xét cho cùng, người lao động ở đâu cũng cần việc làm, họ cần cái cần câu hơn là cần con cá; mà ở những nơi có nhiều lao động không chính thức, thì nhu cầu việc làm càng cấp thiết hơn vì hết việc là hết tiền. Đó là chưa kể đến việc nếu thực hiện giải ngân được hết gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, thì cũng chỉ là 1% của GDP, quá khiêm tốn so với các gói hỗ trợ của nhiều nước khác.

 

Nguồn:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Chính sách…

https://www.thesaigontimes.vn/308821/chinh-sach-ho-tro-dang-lech-muc-tieu.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *