Chờ đợi Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân hành động

Trần Quí Thanh

Diễn đàn Kinh tế Tư nhân đầu tiên diễn ra ngày 3/6/2016 tại Hà Nội với mục tiêu đóng góp tiếng nói của doanh nghiệp vào quá trình hoạch định chính sách. (Theo Thế giới & Việt Nam)

Có thêm một ban mới ra đời, gọi tên là Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam, chính thức ra mắt ngày 30.10.2017.

Tui nói thiệt, không thích có thêm ban bệ gì nhiều, nặng gánh ngân sách vì chi cho bộ máy nhưng không phải ban nào cũng hoạt động hiệu quả, cho nên tui cũng đón nhận tin này không sốt sắng lắm, chỉ chờ đợi xem rồi sẽ ra sao.

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc xây dựng một nền kinh tế tư nhân hùng mạnh, có thực chất và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế đất nước. Từ khi nhậm chức đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, trăn trở với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Việc thành lập Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam thể hiện sự kỳ vọng của Thủ tướng về doanh nghiệp tư nhân như thế nào.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu: “Việc thành lập Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển cũng như nâng cao vai trò, vị thế của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế Việt Nam”.

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với mục tiêu kinh tế quốc gia, chủ động thiết lập bộ máy giúp việc, huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Mục đích, ý nghĩa thì rõ rồi, nhưng vấn đề còn lại là hành động.

Ban nghiên cứu có nghiên cứu được để đưa được những đề xuất cơ chế, chính sách, thủ tục có chất lượng và hiệu quả hay không. Nếu chỉ thành lập ban rồi họp hành cho có, nói bâng quơ đôi ba chuyện thì không nên, mất thì giờ vô ích.

Và khi Ban nghiên cứu đưa ra đề xuất thì liệu các bộ ngành có lắng nghe không, có thấu hiểu không và có áp dụng vào thực tế quản lý điều hành hay không?

Lâu nay đã có nhiều viện nghiên cứu, viện kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đưa đề xuất, kiến nghị, thử hỏi có được bao nhiêu đề xuất biến thành sản phẩm chính sách?

Tui là doanh nghiệp tư nhân, không vội vàng bi quan và cũng không hy vọng, đang chờ xem.

Sài Gòn 31/10/2017

TQT

Đọc thêm, link bài: Chính thức ra mắt Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

 

 

 

 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *