Chung tay để giảm chi phí cho doanh nghiệp

Phan Thị Ngọc Thắng (TBKTSG)
 


Nhiều cơ quan đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: MAI LƯƠNG

 
“Những chi phí có thể tiết giảm được từ Thông tư 02 thì đã rõ. Thế nhưng doanh nghiệp không thể “đếm cua trong hang” khi mọi thứ còn nằm trên văn bản và thực tế là các hệ thống thông tin hiện nay vẫn chưa lấy được lòng tin của doanh nghiệp” . Ý kiến của tác giả Phan Thị Ngọc Thắng rất xác đáng. Doanh nghiệp hay chính phủ không thể tự mình giảm chi phí cho doanh nghiệp được. Cho nên “Cần một sự vận hành đồng bộ giữa tất cả cá nhân, tổ chức trong mối quan hệ liên kết doanh nghiệp – công chức – cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương để giảm chi phí cho doanh nghiệp.” Rất đúng. Tui ủng hộ quan điểm của tác giả.
 

Trần Quí Thanh
—–

 
(TBKTSG) – Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chọn năm 2017 làm năm giảm phí cho doanh nghiệp. Thông tư 02/2017/TT-BKHĐT ban hành ngày 18-4-2017 về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài (Thông tư 02) có thể được xem là một văn bản góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.  

Hành trình của quy định
Điểm tên các văn bản liên quan đến thủ tục hành chính trong những năm gần đây, có thể thấy nhiều văn bản có cụm từ “cơ chế phối hợp”. Điều này cho thấy nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đã hiện diện trên công cụ cơ bản là văn bản quy định về thủ tục hành chính.

Ngày 25-3-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 09/2015/QĐ-TTg về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (Quyết định 09). Hiện nay, hầu như cơ quan nhà nước nào cũng có bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính. Tại Quyết định 09, cơ chế một cửa liên thông được thực hiện trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: đầu tư; đất đai; đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép xây dựng; tư pháp và các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài thì mới được chính thức gọi tên tại điều 24, Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 27-12-2015. Và Thông tư 02 nói trên là văn bản hướng dẫn nghị định này.

Cần một sự vận hành đồng bộ giữa tất cả cá nhân, tổ chức trong mối quan hệ liên kết doanh nghiệp – công chức – cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Trong vài năm qua, việc liên thông giữa thủ tục đầu tư và thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn chưa thực hiện được do mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, nhất là từ khi Luật Đầu tư tách đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư thành hai thủ tục riêng biệt và vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể về việc này. Điều này khiến cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải tốn rất nhiều chi phí đi lại giữa các cơ quan, đặc biệt là những địa phương mà cơ quan quản lý đầu tư và cơ quan quản lý đăng ký doanh nghiệp ở cách xa nhau.  

Theo Thông tư 02 nói trên, nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế liên thông hoặc thực hiện riêng từng thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.

Khi chọn đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế liên thông thì cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm về tính toàn vẹn của hồ sơ, tài liệu khi bàn giao hồ sơ và có trách nhiệm phối hợp xác nhận việc giao nhận hồ sơ, tài liệu trong cơ chế liên thông. Bên cạnh đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần nộp một bản các tài liệu trùng lặp trong hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, như hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp.

Việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được gộp chung vào một văn bản thông báo do cơ quan đăng ký đầu tư ban hành. Nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được lựa chọn nhận giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào cùng một ngày.

Với những quy định như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiết kiệm được một số chi phí, như chi phí thời gian, tiền lương cho người lao động đi lại giữa hai cơ quan; chi phí công chứng, photocopy những tài liệu trùng lặp trong hồ sơ; một phần chi phí, thời gian, tiền lương cho người lao động khi đi điều chỉnh, bổ sung hồ sơ; một phần chi phí, thời gian, tiền lương cho người lao động đi nhận giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…         

Hành trình thực tế

Thông tư 02 mới được ban hành, trước mắt doanh nghiệp là cả hành trình thực hiện trên thực tế. Cũng cần có thời gian để cơ chế này vận hành và bộc lộ những vướng mắc để có những biện pháp khắc phục.

Tuy nhiên, để cơ chế phối hợp được nhịp nhàng thì các hệ thống lưu chuyển dữ liệu phải hoạt động đồng bộ và thông suốt. Trong đó, Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin xử lý liên thông là những hệ thống thông tin cơ bản xâu chuỗi hoạt động liên thông này.

Thực tế hiện nay, nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa tiếp cận được thông tin trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư một cách thuận lợi như tiếp cận các quy định pháp luật. Những thông tin trên hệ thống này nhiều khi chưa được cập nhật chính xác.

Khi có sự khác biệt thông tin giữa ba hệ thống thông tin nói trên thì doanh nghiệp biết làm thế nào? Ai đứng ra giải quyết cho doanh nghiệp? Đây là một thực tế đang xảy ra với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ gặp khó khăn khi điều chỉnh các thông tin chưa chính xác của mình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, phải đi một vòng quanh các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (quản lý trang web).

Chung tay để giảm chi phí

Những chi phí có thể tiết giảm được từ Thông tư 02 thì đã rõ. Thế nhưng doanh nghiệp không thể “đếm cua trong hang” khi mọi thứ còn nằm trên văn bản và thực tế là các hệ thống thông tin hiện nay vẫn chưa lấy được lòng tin của doanh nghiệp.

Là cầu nối để cho cơ chế phối hợp này thành công, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cần có những động thái tích cực trong việc chuyển, tải hồ sơ và thông tin từ doanh nghiệp, nhà đầu tư đến cơ quan đăng ký kinh doanh và ngược lại. Nếu cầu nối này khiến cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thấy hồ sơ bị trì trệ, chậm chạp hơn việc họ trực tiếp đi làm thì đó là một sự thất bại của cả doanh nghiệp và Chính phủ. 

Về phía doanh nghiệp, nên dành chút thời gian để tiếp cận, tương tác và đóng góp ý kiến để hoàn thiện những thông tin của mình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để tránh những sai sót đáng tiếc khi dữ liệu không thống nhất giữa các hệ thống.

Cá nhân Thủ tướng hay một mình Chính phủ không thể thực hiện được mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp trong việc này mà cần một sự vận hành đồng bộ giữa tất cả cá nhân, tổ chức trong mối quan hệ liên kết doanh nghiệp – công chức – cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương.
 
Link bài: Chung tay để giảm chi phí cho doanh nghiệp

 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *