Trần Uyên Phương
—–
Được sự đồng ý của tác giả Trần Uyên Phương, tác giả cuốn Chuyện nhà Dr Thanh, kể từ đây tui sẽ trích đăng dần cuốn sách này cho mục: Gia đình & Bạn bè. Những đoạn trích ngắn dăm ba trang một lần, phù hợp với thời gian người đọc online.
Sách Chuyện nhà Dr Thanh vẫn tiếp tục được bán, ai có nhu cầu có thể tìm đặt mua nó ngay ở cột phải blog của tui.
Xin cảm ơn tác giả Trần Uyên Phương và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc
Trần Quí Thanh
—–
Tôi sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt của những người được cho là “trúng số cuộc đời” vì gia đình tôi rất có điều kiện, hay nôm na là “con cái nhà giàu”. Mọi người thường gọi tôi là “công chúa” hay “cô Hai” để nói về tôi. Nhưng đó là cách người ngoài nhìn chúng tôi, tựa như những cái bánh kem xếp hàng trong tủ kiếng. Họ lầm tưởng rằng những người như tôi muốn gì cũng được. Nào là con gái rượu của Dr. Thanh, được đi học nước ngoài mà không phải quan tâm gì đến học phí, được người khác chăm sóc, săn đón từ bé đến lớn và tha hồ đỏng đảnh rong chơi, ném tiền qua cửa sổ. Tôi không có ý định thay đổi cách suy nghĩ của nhiều người về bản thân và gia đình mình, tôi chỉ muốn chia sẻ những câu chuyện có thật trong một gia tộc doanh nhân đầy sóng gió, để nói lên giá trị nền tảng gia đình với bất cứ ai, dù bạn đang đi trên con đường nào của cuộc sống.
Mỗi chúng ta có chọn được cha mẹ cho mình không? Và các bậc cha mẹ có được quyền chọn con cái cho mình hay không? Đó là quyền năng vượt ngoài ý muốn của chúng ta. Ngay cả khi bị sốc nặng đến mấy, tâm hồn tổn thương đến mấy tôi vẫn đinh ninh cha mẹ là cha mẹ, mà không phải bất cứ con người nào khác trong số hàng tỉ người trên trái đất. Cũng vậy, ba má tôi dù có giận ba chị em tôi đến mấy, họ cũng không bao giờ từ chối con cái của mình. Tôi giữ niềm tin ấy suốt cuộc đời, ngay cả những khi buồn tủi nhất.
Tôi nghĩ thật đơn giản, với tôi, ba má tôi là ba Thanh má Nụ. Vậy thôi. Tôi không thích gọi kèm theo tên họ là ông bán vé số, bà bún ốc, là tỉ phú, hay chính trị gia. Từ nhỏ, tôi yêu má nhiều hơn ba, nhưng lại dành cho ba tình cảm rất đặc biệt. Ba luôn là ưu tiên số một của tôi, kể cả khi đang đi chơi với bạn trai ngoài đường, chỉ cần nghe ba gọi về có việc gì, tôi sẽ về ngay lập tức. Đến nỗi, có lần bạn trai tôi giận: “Ba Phương giống như ông kẹ ở nhà hay sao? Mới gọi cái lật đật về liền”.
Hai cha con tôi có thể kể với nhau tất cả những điều thầm kín riêng tư và đùa vui rất nhiều chuyện. Thậm chí, ba thích ai hay ghét ai cũng kể cho tôi nghe và tôi cũng học được cách khi nào nên góp ý, khi nào chỉ nên lắng nghe ông tâm sự. Ba luôn luôn khiến tôi tâm phục khẩu phục, dù bị la mắng khá nhiều nhưng nói chung lần nào bị la tôi cũng vỡ ra nhiều điều và thấy ba nói đúng.
Lúc nhỏ bị la nhiều quá, trong tôi chỉ sôi sục một mục tiêu, một ý chí phản kháng: “Phải giỏi bằng hoặc hơn ba!” Chỉ đến khi “ngộ” ra việc đó thực sự không phải mục đích sống của mình, mà chỉ là chút hờn dỗi rất con nít vì cảm giác không được ba má che chở. Càng lớn tôi càng cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được làm việc với ba, má và các em mỗi ngày.
Từng thành viên trong gia đình tôi đều được hưởng hạnh phúc của sự che chở nhau. Cùng vận hành trong một bộ máy mỗi ngày phình to ra lớn gấp vạn gia đình, thì sự che chở cũng lớn hơn, không chỉ vì cùng huyết thống, nó còn là tình đồng chí, đồng nghiệp. Từ ý nghĩa nền tảng là gia đình nhỏ đến một gia tộc doanh nhân lớn, có thể kề vai sát cánh, kiên cường chiến đấu vượt qua khó khăn, đồng cam cộng khổ. Quan điểm gia tộc trên thương trường luôn nhất quán của ba tôi là như vậy, nhưng mãi sau này tôi mới hiểu ra.
Trong quá khứ nhiều lúc tôi sợ ba, nhưng cũng ghét ba vì tôi chỉ quan tâm đến tính huyết thống và đinh ninh thế mới gọi là gia đình. Tôi thấy ba dành quá ít thời gian và tình thương cho chính gia đình thân yêu của mình. Tôi không hề quan tâm tới việc ba vắt kiệt cả sức lực và trí tuệ, chịu mọi đắng cay, hy sinh mọi thú vui bình thường như bao người khác để cơi nới, phát triển và tự hào là một gia tộc doanh nhân trên con đường trông ra biển lớn.
(Còn nữa)