Con người phải biết “sám hối” trước mẹ thiên nhiên

Trần Quí Thanh 

Khuyến khích các bạn trẻ tham gia sâu vào quy trình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp Việt Nam giải quyết bài toán rác thải nhựa một cách bền vững. (Ảnh: Nhân Tâm- Báo TBKTSG)

—– 

Kính gửi anh Quí Thanh 

Dạ thưa, tui chỉ là nữ doanh nhân bằng tuổi anh nhưng đã về hưu chục năm rồi, chỉ còn mỗi việc trông cháu thôi.  Tuy vậy tui không xa rời môi trường kinh tế đất nước, nơi mà tui gắn bó 40 năm trời. Nhiều vấn đề mới lạ đang phát triển làm tui vừa bỡ ngỡ vừa thích thú anh ạ. 

Nói vậy để mong anh cho hay Kinh tế tuần hoàn là gì? Và muốn xây dựng nền kinh tế tuần hoàn thì phải làm thế nào. 

Đọc trang web TranQuiThanh.com biết anh vẫn cập nhật thông tin kinh tế hằng ngày nên viết thơ này hỏi anh vậy. Mong anh trả lời giùm. Cảm ơn anh thật nhiều. 

Chúc anh vạn an

Nguyễn Kim Hoàn (Sài Gòn): kimhoansaigon1953@gmail.com

—– 

 Chị Nguyễn Kim Hoàn mến!

Trước khi bàn đến kinh tế tuần hoàn, tui nói sơ mấy chuyện để chị hình dung nhé.

Vừa rồi, sau cơn bão số 13, bãi biển Đà Nẵng tràn ngập rác, ước tính vài ngàn tấn. Tình trạng này không phải mới một lần, mà từng xảy ra ở Phan Thiết, Vũng Tàu, ngủ một đêm sáng dậy thấy bờ biển đầy rác.

Vì sao vậy, vì chúng ta thải rác ra môi trường quá nhiều. Việt Nam là một trong bốn nước xả rác thải nhựa nhất thế giới. Chúng ta làm tổn thương thiên nhiên càng nhiều thì chúng ta càng phải trả giá.

Cũng mới đây thôi, liên tiếp nhiều cơn bão ập đến miền Trung, gây ra lũ ống, lũ quét, lở núi, sạt lở làm chết nhiều người và ngập lụt kéo dài. Có nhiều nguyên nhân gây ra thảm họa, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là do con người phá rừng để làm kinh tế, khai thác rừng đến cạn kiệt.

Hôm qua báo đăng, một tỉnh phía Bắc xin “chuyển đổi mục đích” hơn 38 ha rừng tự nhiên để phục vụ khai thác đá vôi, đây cũng là một loại hình kinh tế tàn phá môi trường.

Còn kinh tế tuần hoàn thì ngược lại.

Kinh tế tuần hoàn không khai thác tài nguyên và hạn chế thải loại ra môi trường. Đây là cách tốt nhất để ứng phó với thực tế về sự cạn kiệt tài nguyên và tình trạng ô nhiễm môi trường. Con người cần biết “sám hối” trước mẹ thiên nhiên, và cách tốt nhất là đừng tàn phá thiên nhiên nữa.

Muốn không tàn phá thiên nhiên thì không khai thác tài nguyên, mà phải tái sử dụng, tái chế, sửa chữa, tạo ra một vòng tuần hoàn từ nguyên liệu đến sản phẩm. Nói thì dễ nhưng làm thì khó, ở Việt Nam, cũng bắt đầu có những nhóm tiên phong khởi nghiệp làm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, nhưng chưa nhiều và hiệu quả chưa cao.

Để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần một môi trường pháp lý hỗ trợ và trình độ công nghệ có tính ứng dụng cao.

Vậy chị nhé, cần gì cứ gửi thư trao đổi với tui.

Chúc chị vui khỏe.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *