CPTPP và kỳ vọng cải cách kinh tế Việt Nam

Nguyễn Lê Đình Quý/ Báo DNSG
 
CPTPP sẽ được 11 nước kí kết tại Chile vào ngày 8/3 tới. Ảnh: Tradeworks.
 

—–

Rõ ràng việc tham gia CPTPP thì quốc gia thành viên nào cũng có lợi, vì CPTPP tạo ra sân chơi rộng mở cho hàng hóa thông thương, đây cũng là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn. Vấn đề là chúng ta có cái gì để xuất khẩu hay không mà thôi.

Tham gia sân chơi đẳng cấp này, một cái lợi rất lớn là tự thân Việt Nam phải cải cách nền hành chính công, tạo ra chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh và chất lượng cao để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả. Muốn bắt kịp thế giới thì không cách gì khác hơn là thay đổi mình theo hướng tích cực.

Trần Quí Thanh

 
—–

Ngày 8/3/2018, 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chuẩn bị ký kết hiệp định tại Chile. Vậy, có thể kỳ vọng gì vào CPTPP khi hiệp định này được thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2019?

Gắn kết mối quan hệ trong khu vực

Ngày 21/2/2018, toàn văn CPTPP đã được công bố – một tín hiệu cho thấy 11 nền kinh tế thành viên, gồm Australia, Nhật Bản, Canada, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mexico và Việt Nam, đã sẵn sàng đặt bút ký ở vòng đàm phán tiếp theo.

Toàn văn Hiệp định cho thấy nhiều điểm đáng lưu ý. Trong đó, 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc thay đổi trong CPTPP so với Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi TPP hồi năm ngoái.

Trong 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu được treo lại, có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ, 4 điểm được để riêng cho các bên đàm phán thống nhất. Các điều này sẽ được nêu trong phụ lục kèm theo tuyên bố chung. Tuy nhiên, hiện chưa thể thông báo chính thức về các điều khoản treo này.

Một trong số những điều khoản trọng tâm hướng đến của CPTPP là tăng cường hỗ trợ tầng lớp trung lưu bằng cách thu hút các khoản đầu tư để tạo việc làm mới và mở rộng cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Canada tới những thị trường quy mô lớn đang phát triển nhanh.

Có thể thấy CPTPP đã tạo được sự gắn kết trong mối quan hệ giữa các quốc gia khi nó bảo đảm các lợi ích của tất cả các bên tham gia không chỉ về mặt thương mại, bảo toàn các quyền kiểm soát, tính linh hoạt khi đặt ra các ưu tiên về mặt pháp lý và quản lý mà còn bảo đảm quyền bảo vệ, phát triển và thực thi các chính sách văn hóa riêng của từng thành viên.

Tạo động lực cho cải cách kinh tế Việt Nam

CPTPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất và cũng chính là nguồn động lực cho sự cải cách kinh tế của Việt Nam một cách sâu rộng. Dự kiến, toàn văn Hiệp định sau công bố sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia để từ đó có thể cải cách nhiều lĩnh vực và nâng cao vị thế kinh tế, chính trị.

Về chính trị – đối ngoại, CPTPP có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Về kinh tế, việc tham gia CPTPP xét trên tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Phần quan trọng khác chính là việc giúp cải cách các tổ chức, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và minh bạch.

Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài. Thống kê của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) ước tính, với TPP, GDP có thể tăng thêm 6,7% và góp thêm 15 – 17% tăng trưởng về xuất khẩu và 10,5% về nhập khẩu. Còn khi CPTPP, GDP tăng thêm chỉ 1,32%, tăng trưởng xuất khẩu thêm 4% và nhập khẩu tăng 3,8%. Như vậy tăng trưởng từ CPTPP đem lại thấp hơn so với TPP nhưng những con số này không làm mất đi những giá trị cốt lõi của CPTPP.

Hệ thống giao thông của TP.HCM sẽ phát triển mạnh hơn khi CPTPP có hiệu lực – Ảnh: Huỳnh Phạm Dũng.

Về hội nhập quốc tế, CPTPP sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại thế giới, giúp Việt Nam phát triển thương mại với các nước như Canada, Mexico hay Peru – các nước chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Số thành viên của hiệp định này có khả năng không chỉ dừng lại ở con số 11 mà sẽ mở ra một thị trường rộng lớn hơn. Tính mở của CPTPP còn là một lợi thế, khi có thành viên khác tham gia thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

Có thể nói CPTPP là hiệp định mang tính toàn diện, bao trùm các nguyên tắc về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều chủ đề khác. Hiệp định mới này sẽ tạo áp lực lên cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam theo hướng tiến bộ hơn.

 
Nguồn: Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn online
Link bài: CPTPP và kỳ vọng cải cách kinh tế Việt Nam
(https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/cptpp-va-ky-vong-cai-cach-kinh-te-viet-nam-1084406.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *