Kế nghiệp, kế thừa và kế nhiệm

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

…………….

Kính gửi bác Trần Quí Thanh

Cảm ơn bác đã trả lời chúng cháu trong mục “Chat với mọi người” đăng ngày 19/1/2018, bài:Hãy chuyên nghiệp trước khi đòi hỏi môi trường chuyên nghiệp”. Chúng cháu lại muốn hỏi thêm bác, được không ạ?

Thưa bác, doanh nghiệp gia đình đặc biệt chú ý đến ý nghĩa và vai trò của sự kế nghiệp. Kế nghiệp ở đây có  gì khác với kế thừa và kế nhiệm?

Kính chúc bác và THP một năm mới an khang thịnh vượng

Kính

Hoàng Tân, Lê Minh Hiếu, Phạm Đức Việt

Email đại diện: vietphamduc_nhoem@gmail.com

—–

Hoàng Tân, Lê Minh Hiếu và Phạm Đức Việt mến!

Các cháu đưa ra vấn đề mà doanh nghiệp nào cũng thấy nhưng không phải ai cũng có cách tốt nhất để giải quyết được, chính bản thân bác cũng vật lộn với nó đây.

Trước hết, chúng ta làm rõ khái niệm “kế nghiệp” nhé các cháu.

Kế nghiệp là tiếp tục sự nghiệp kinh doanh của một tập đoàn, một công ty đã xây dựng lên trước đó. Thế hệ kế nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề mà các thế hệ trước đã làm ngay từ khi khởi nghiệp cho đến các giai đoạn tiếp theo, và bằng trí tuệ, năng lực của mình, phát triển, mở rộng để ngày càng mạnh hơn, có thể đa dạng, phong phú về sản phẩm hơn.

Bác lấy ví dụ, hãng Peugeot do Jean – Pierre Peugeot sáng lập đã 200 năm, từ việc sản xuất các sản phẩm thép, xe đạp rồi đến ô tô. Các thế hệ con cháu của Peogeot mở rộng hợp tác với chuyên gia các ngành khác để ngày càng hoàn thiện hơn sản phẩm của mình. Điển hình như Armand Peugeot, cháu nội của Jean – Pierre Peugeot hợp tác với chuyên gia của các hãng Ford, BMW trong việc hoàn thiện động cơ ô tô.

Còn khái niệm kế thừa không chỉ cho riêng hoạt động kinh doanh, mà còn nhiều lĩnh vực khác, cho nên yêu cầu của phát triển có thể có hoặc không. Có thể kế thừa nhưng không phát triển, còn kế nghiệp thì phải tiếp tục phát triển vì phát triển là quyết định cho sự tồn tại. Không một doanh nghiệp nào đứng yên không vận động, không cải tiến, không thay đổi mà tồn tại.

Khái niệm kế nhiệm sử dụng cho chức vụ, ví trí công việc được sử dụng chung cho các tổ chức, nhưng chủ yếu ở cơ quan công quyền, vị trí công tác trong lĩnh vực chính trị nhiều hơn. Tất nhiên trong tập đoàn, công ty, các vị trí quản lý cũng phải có người kế nhiệm, bởi vì có sự phân công, thay đổi vị trí công tác.

Sau khi làm rõ khái niệm, các cháu tự khắc sẽ hiểu ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của kế nghiệp. Kế nghiệp không phải giao tài sản cho con cái mà giao cơ đồ đã và đang xây dựng và cả tiền đồ trong tương lai. Người đang nắm giữ cơ nghiệp đặt ra tiền đồ, chuẩn bị vốn liếng tiền bạc và chiến lược lâu dài và chuẩn bị con người kế nghiệp. Người kế nghiệp không phải ngồi hưởng thành quảmà sáng tạo, cải tiến, phát triển để cho cơ đồ ngày một to lớn hơn.

Muốn có một cơ đồ vững vàng, một tiền đồ xán lạn, yếu tố quyết định là chuẩn bị con người. Các dòng họ Honda, Peugeot, Ford may mắn và tài năng là ở chỗ đã có con người kế nghiệp có tài và đào tạo, chuẩn bị được con người kế nghiệp toàn diện.

Bác chia sẻ một chút thôi, các cháu tìm hiểu thêm nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmal.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *