Đã khởi nghiệp thì dám chơi dám chịu

Trần Quí Thanh

Đã khởi nghiệp thì dám chơi dám chịu

—–

Cháu bào bác Trần Qúi Thanh!

Cháu có câu hỏi muốn hỏi bác. Hiện tại cháu đang có 1 ý tưởng theo cháu là khá tiềm năng, cháu đã tìm hiểu rất nhiều khía cạnh thì thấy nhu cầu của sản phẩm này rất cao. Đặc biệt là sản phẩm chưa có mặt trên thị trường Việt Nam. Nhưng hiện tại vốn cháu rất ít để có thể mở và hoạt động được công ty. Bác cho cháu lời khuyên làm thế nào để huy động được vốn và làm sao tìm được các nhà đầu tư thiên thần.

Cháu cảm ơn bác, chúc bác nhiều sức khỏe và niềm vui

Anh Sang:  anhsang355@gmail.com

—–

Anh Sang mến!

Có nhiều cách huy động vốn khởi nghiệp, nhưng cháu đặt vấn đề cụ thể về nhà đầu tư thiên thần, cho nên bác trao đổi kỹ nội dung này.

Nhà đầu tư thiên thần chính là những người chung quanh, người thân, bạn bè và có thể mở rộng hơn, đó là những người được người thân và bạn bè của mình giới thiệu.

Những người này có vốn nhàn rỗi, gửi trong ngân hàng, cũng có thể đang đầu tư ở một kênh khác, nhưng nếu có kênh đầu tư tốt hơn thì họ sẽ thay đổi. Và cháu sẽ là một kênh đầu tư, vấn đề ở chỗ là cháu có sức thuyết phục để họ thay đổi, chuyển dòng tiền từ các kênh khác qua cho cháu hay không.

Khi xác định được đối tượng rồi thì cháu phải thực hiện bước tiếp theo, đó là mời mọi người đến, dự một buổi thuyết trình về sản phẩm của cháu. Đây là bước cực kỳ quan trọng, cháu không mời họ đến để mượn tiền, mà để họ nghe dự án kinh doanh của cháu. Cháu phải trình bày thật rõ ràng, cụ thể, có sức thuyết phục các phương án sản xuất là tổ chức thị trường, số vốn, các chi phí khác, cuối cùng là lợi nhuận. Các con số này không phải tưởng tượng ra, mà nó được xây dựng trên nền tảng kinh doanh khả thi. Tất nhiên không có điều gì là bảo đảm thành công như ý muốn 100%.

Bước tiếp theo là kêu gọi đầu tư, có hai cách, một là vay và trả lãi, cháu đưa ra các mức lãi suất, tùy theo số vốn được vay và thời gian vay, tất nhiên là phải cao hơn ngân hàng để có sức hấp dẫn. Cách tiếp theo là đầu tư, chia lợi nhuận theo tỉ lệ góp vốn và cùng chịu rủi ro.

Bước thứ ba là đưa ra các cam kết mang tính pháp lý, người cho vay hoặc đầu tư sẽ được chứng nhận về mặt pháp lý để mọi người có niềm tin về quyền lợi và đồng vốn của họ được bảo đảm. Cho dù là bố mẹ góp vốn, cũng phải được xác nhận bằng văn bản, có luật sư và cơ quan thẩm quyền của nhà nước xác nhận theo đúng quy định của pháp luật.

Một điều đương nhiên khác về tìm nguồn vốn để khởi nghiệp, đó là nếu cháu có bất cứ tài sản gì thì bán để lấy tiền làm vốn. Đã khởi nghiệp thì dám chơi dám chịu, mình còn sợ thất bại sẽ mất tài sản thì làm sao chờ đợi người khác giao tài sản của họ cho mình. Phải không cháu.

Chúc cháu thành công

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *