Không để tình trạng “từ ngăn kéo này sang ngăn kéo khác”!

Anh Đào/ báo LĐO
 
Ảnh minh họa
 

Cho đến nay, tui vẫn giữ quan điểm về mời gọi và sử dụng nhân tài không nhất thiết là cứ từ đâu xa, mà ngay tại trong nước trước. Nước mình không thiếu nhân tài, học trong nước có, tốt nghiệp từ các nước có, nhưng chưa được trọng dụng, nguồn tài nguyên trí tuệ này chưa được khai thác hiệu quả.

Khi mà nhân tài trong nước được trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng, tiếng lành đồn xa, nhân tài từ nơi khác sẽ kéo đến.

Ngược lại, nói như nhà thơ Nguyễn Duy : “Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng, mở mắt bóng nhân tài thất thểu”, thì thảm có dát vàng cũng không ai muốn bước đến vì họ biết đó là vàng giả.

Trần Quí Thanh

 
——
Trong khi chúng ta “rải thảm” nhân tài thì dưới thảm ấy không ít nơi lại có “đinh”. Trong khi nhiều nơi hân hoan “rộng cửa”, “chào đón” mời gọi nhân tài thì chẳng hạn 47 ý tưởng phát triển của kiều bào trong suốt 2 năm qua, một số ý tưởng cứ chuyển từ “ngăn kéo này sang ngăn kéo khác”.

Không hẹn mà gặp, câu chuyện “rải thảm nhân tài” vừa được nói tới trong một hội nghị thu hút người tài của Mặt trận Tổ quốc TPHCM và trong một hội thảo về cơ cấu lại nền kinh tế do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tổ chức.

Trên rải thảm, dưới rải đinh – thực tế này có lẽ giờ đã không còn cá biệt. Và ngay TPHCM, một trung tâm thu hút nhân tài giờ cũng đang có những câu chuyện cười ra nước mắt.

Tờ Thanh Niên dẫn lời GS.TS Phạm Văn Biên, Hội Sinh học TPHCM, nguyên văn: Giai đoạn 2014-2017, thành phố mời gọi, thu hút được 15 chuyên gia, nhưng đến giờ chỉ còn 10 và quá trình làm việc cũng không suôn sẻ.

Một ví dụ khác, thành phố từng mở “ngân hàng ý tưởng” kêu gọi Việt kiều đóng góp ý tưởng để xây dựng, phát triển thành phố. Nhưng trong 47 ý tưởng gửi đến, 2 năm qua chưa có ý tưởng nào được hiện thực hóa, một số ý tưởng cứ chuyển từ “ngăn kéo này sang ngăn kéo khác”.

Cũng không ngẫu nhiên, hàng loạt nhân tài ở thành phố đáng sống Đà Nẵng chấp nhận bồi hoàn lại tiền đào tạo để không phải làm việc trong những cơ quan mà họ cho rằng không sử dụng đúng năng lực của họ.

Cũng thật không thể không buồn, cuộc thi tìm kiếm tài năng nổi tiếng nhất Việt Nam “Đường lên đỉnh Olympia” trong số 17 quán quân chỉ có một vài người về nước.

Muốn thu hút nhân tài thực sự thì rõ ràng “rải thảm” không thể thực hiện như một cách giải ngân, không thể như một thứ “mốt”, càng không thể là những lời lẽ ngoài miệng.

Hôm qua, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói cần phải có chính sách giữ người tài ở lại Việt Nam chứ không phải đẩy họ sang nước ngoài.

“Nếu những người tài vẫn rời Việt Nam ra đi, các doanh nghiệp start-up vẫn phải sang Singapore khởi nghiệp thì chưa thể kéo người tài ở nước ngoài ở Việt Nam”.

TS Cung đã tuyệt đối đúng. Nhân tài không chỉ là người Việt ở nước ngoài. Rải thảm cũng không thể chỉ là những cái nhìn ra ngoài biên giới. Bởi huy động nguồn lực, trước hết phải từ nội lực, từ những người có tài ở HN, TPHCM “hơn là nhìn họ từ thung lũng Silicon”. Bởi chừng nào trí tuệ người Việt trong nước còn chưa được trân quý, chưa được sử dụng đúng với những gì họ có thì làm sao có thể hy vọng vào sự đóng góp từ xa xôi hơn?!

 
NGUỒN:  Theo Báo Lao Động online
Link bài: Không để tình trạng…
(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-de-tinh-trang-tu-ngan-keo-nay-sang-ngan-keo-khac-629429.ldo)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *