Đàm phán là để tìm kiếm sự đồng thuận, không phải sự xung đột

Trần Quí Thanh

 

Nguồn: Internet

—–

Thưa chú,

Cháu là một “bà chủ” nhỏ, làm ăn còn bí bét lắm chú ạ. Đặc biệt cháu rất hay thất bại về đàm phán. Cháu viết thư này muốn hỏi chú về ý nghĩa và bản chất của đàm phán ạ. Chú quan niệm thế nào về đàm phán? (Cháu hỏi vậy vì nghe nói chú có nhiều thành công lớn trong đàm phán trên thị trường quốc tế). Rất mong chú trả lời.

Nguyễn Thị Minh Luyến (Nam Định):luyen_minh2016@gmail.com

—–

Cháu Nguyễn Thị Minh Luyến mến!

Thực ra cháu đã biết đàm phán và thực hành nó từ nhỏ đến nay, nhưng cháu không định nghĩa được nó mà thôi. Trong nhiều cuộc giao tiếp, ứng xử, tìm kiếm lợi ích dù là một chiếc kẹp từ ba mẹ, bạn bè, cháu đã thực hiện một việc, tạm gọi là đàm phán.

Có nghĩa, để sống trong cuộc đời này, bất cứ ai cũng phải thực hiện công việc đàm phán.

Nhưng đối với một doanh nhân, công việc đàm phán là hoạt động thường xuyên hơn, cụ thể hơn và nhận thấy được lợi ích rõ ràng hơn qua từng thương vụ kinh doanh.

Nhiều người nhầm tưởng đàm phán như sự mặc cả, nhưng khái niệm này hoàn toàn khác. Mặc cả là mua một món hàng, bớt đi một chút giá nhất định, tức là mình có thêm một chút lợi và người bán mất đi một chút lợi.

Còn đàm phán thì không, nó có thể cùng trao đổi, cùng chia sẻ và cùng tìm ra giải pháp để đạt lợi ích to lớn hơn cái ban đầu mà hai bên tính đến. Qua một cuộc đàm phán, mục đích của nó là cả hai bên đều thành công, ngay cả có bên không chiếm được lợi thế. Bởi vì đàm phán là một sự hợp tác không phải là cạnh tranh, là tìm kiếm sự đồng thuận không phải sự xung đột, ai cũng có quyền đưa ra những lý lẽ, chứng cứ để thuyết phục đối tác ủng hộ quan điểm của mình.

Khi cháu bước vào một cuộc đàm phán về một thương vụ kinh doanh, trước hết cháu phải tự tin về mình và hết sức tôn trọng đối tác. Cháu đi vào cuộc đàm phán với tâm thế của một người bạn với một người bạn, mong muốn cùng nhau hợp tác và cùng nhau thành công. Khi có được tâm thế đó rồi, tự cháu sẽ tìm ra được cách đặt vấn đề, cách giải quyết vấn đề thông minh nhất để đi đến sự thành công.

Bác xin lưu ý với cháu, đừng chỉ nghĩ đến thành công của mình, mà phải nghĩ đến sự thành công của đối tác.

Chúc cháu sớm trở thành “bà chủ lớn”.

Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tui: tranquithanh1953@gmail.com)

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *