Dấn quá sâu vào nỗi lo

Minh Lê/ Báo TBKTSG


—–

Dịch Covid – 19 rất nguy hiểm cho nên mỗi người phải thực hiện nghiêm túc các quy định và khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế. Nhưng xin nói luôn, không cần thiết phải phòng dịch hơn mức các khuyến cáo đó.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết có 3 phương thức lây truyền: Tiếp xúc với các giọt nước bọt bắn từ người nhiễm bệnh. Lây tiếp xúc qua các bề mặt và có thể lây qua đường tiêu hoá. Đáng chú ý, virus Corona không lơ lửng trong không khí nên tỷ lệ lây qua đường hô hấp là không đáng kể.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định khẩu trang không phải là “cứu cánh” và không cần đeo khẩu trang y tế mọi lúc mọi nơi vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy khẩu trang có thể bảo vệ những người không bị bệnh.

Thế nhưng, người ta vẫn đạp nhau để tranh mua khẩu trang, và chính vì cơn sốt khẩu trang lên cao, nên mới có chuyện sản xuất đồ giả, thậm chí nhặt khẩu trang qua sử dụng để bán lại. Thế thì còn nguy hiểm hơn không đeo khẩu trang.

Tâm lý sợ hãi quá lớn, áp đảo những phân tích khoa học của lý trí. Đừng tưởng các nước văn minh thì dân trí cao, ngay cả Hàn Quốc, Mỹ, một số nước châu Âu có dịch Covid – 19, cũng mất bình tĩnh, đi vơ vét hàng hóa một cách hoảng loạn.

Tâm lý sợ hãi làm cho cả xã hội xáo trộn, đa số không dám đi ăn nhà hàng, không đi du lịch, thế là ngành du lịch dịch vụ, kinh doanh nhà hàng sập tiệm.

Lo sợ che mất lý trí, lao đi mua khẩu trang, đẩy giá lên cao và khan hiếm nguồn cung.

Và cũng vì lo sợ quá mức, không dám đi lại, sinh hoạt, tiêu dùng bình thường, thì cộng đồng đã đẩy nền kinh tế suy giảm sâu hơn.

Trần Quí Thanh

—–

Nhiều tác giả đã nhắc tới “virus sợ hãi” khi phân tích tâm lý và hành vi tiêu dùng mùa dịch Covid-19. Nếu không kiểm soát được virus này, những mối nguy còn lớn hơn dịch bệnh có thể phá hủy cá nhân và xã hội trước nhất.

Mấy ngày nay, các trang tin đưa hình ảnh người châu Á xấu xí khi vơ vét hàng tại các siêu thị. Trong đó, nằm ngoài nhóm thực phẩm, giấy vệ sinh bỗng nhiên thành mặt hàng “nóng bỏng tay”.

Tại siêu thị, các quầy kệ trống trơn vì mặt hàng này bày ra tới đâu khách gom tới đấy. Quầy hàng trống càng làm cho người tới sau lo lắng, đến lượt họ lại canh để gom nhiều hơn nữa. Cao điểm là chuyện cảnh sát phải ra tay dẹp một nhóm cướp giấy vệ sinh ở Hồng Kông. Sau đó, cảnh sát phải đứng canh giữ các thùng giấy vệ sinh bên ngoài siêu thị.

Chuyện gom mặt hàng giấy vệ sinh xứ người có vẻ giống cảnh hàng ngàn người chen chúc ở chợ thuốc sỉ của Hà Nội và TPHCM để mua khẩu trang. Họ quên mất đây là mùa dịch mà ngành y tế đã khuyên rằng cần tránh nơi đông người. Rõ ràng, người ta hy vọng mang nỗi an tâm (chiếc khẩu trang) về nhà mà quên mất mình đang lao vào nơi có nguy cơ nhiễm bệnh. Cuộc chen lấn càng trở nên mất an toàn khi hai phụ nữ ở TPHCM xông vào đánh nhau tơi tả.

Chuyện chen lấn, giành lượt, đánh nhau để mua khẩu trang, giấy vệ sinh không chỉ bày ra nhiều hành vi xấu xí mà còn là ngòi châm nỗi lo lắng, khiến cho tâm lý tiêu cực lan nhanh. Người Hồng Kông không tin lời trấn an của chính quyền rằng giấy vệ sinh hay các mặt hàng nhu yếu phẩm khác vẫn được bảo đảm nguồn cung. Người Việt mình không tin rồi các dây chuyền sản xuất sẽ cho ra thị trường đủ khẩu trang khi họ dự đoán nguồn nguyên liệu khẩu trang từ Trung Quốc không còn.

Họ cũng không tin cả việc có thể dùng khẩu trang vải giặt sạch hay khẩu trang giấy để chắn tia nước bọt bắn ra từ người đối diện, dù chuyên gia y tế nói thế. Phải là khẩu trang y tế, phải là thứ đoàn người rồng rắn tranh mua, và phải chen thắng trong cuộc mua kỳ quái này, họ mới yên tâm.

Nỗi lo sợ trong bản năng sinh tồn đã lấn át các khả năng nhìn nhận, suy xét. Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) dẫn một nghiên cứu cho thấy nhiều người có xu hướng phản ứng thái quá trước các nguy cơ dịch bệnh, khủng bố, ngay cả khi bản thân họ không có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong khi lại lơ là trước các mối đe dọa có thể nguy hiểm hơn.

Hiệp hội tâm lý Mỹ khẳng định: Mối lo mới xảy đến thường làm tăng cảm giác bất an nhiều hơn so với các mối lo cũ, mối lo quen thuộc. Các nhà khoa học nói rằng phản ứng này liên quan đến hạch hạnh nhân (amygdala) bên trong thùy thái dương của não, là bộ phận đóng vai trò thiết yếu trong việc nhận biết cái cũ/mới và các phản ứng cảm xúc.

Có thể suy diễn rằng: bạn nên đi mua khẩu trang cho gia đình nếu thấy cần, nhưng đừng quá vống lên là nếu không có cái khẩu trang trong tay, ta sẽ tiêu tùng; hay không mua được giấy vệ sinh chất đầy nhà, ta sẽ quay lại thời thổ tả…

Trong nhóm bệnh lý tâm thần có hội chứng rối loạn lo âu, người bệnh lo lắng quá mức khiến chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng, gây mất ngủ, bỏ ăn, kéo dài có thể dẫn tới loạn thần, hoang tưởng.

Trong câu chuyện của một người cố thủ giữa bốn bức tường suốt hơn 20 ngày giữa tâm dịch Vũ Hán, các ý kiến được chia sẻ rằng khi sống giữa hoang mang, người ấy đã học theo lời khuyên của cảnh sát Vũ Hán: delete (xóa) các nguồn tin tức để bảo vệ môi trường thông tin, để bản thân không chìm vào nhiễu loạn và tiêu cực. Đó chính là bí quyết sống sót.

Lượm lại bí quyết này, có thể suy diễn rằng: bạn nên đi mua khẩu trang cho gia đình nếu thấy cần, nhưng đừng quá vống lên là nếu không có cái khẩu trang trong tay, ta sẽ tiêu tùng; hay không mua được giấy vệ sinh chất đầy nhà, ta sẽ quay lại thời thổ tả… 

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Dấn quá sâu vào nỗi lo

(https://www.thesaigontimes.vn/300310/dan-qua-sau-vao-noi-lo-.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *